Cổ phiếu 'vua' vẫn hấp dẫn trên thị trường chứng khoán?

Phiên bản để inGửi EmailPhiên bản PDF
Cổ phiếu 'vua' vẫn hấp dẫn trên thị trường chứng khoán?

Nỗi lo lạm phát gia tăng, biên lợi nhuận bị thu hẹp là một trong những áp lực đè giá cổ phiếu ngân hàng, hay còn gọi là cổ phiếu "vua", trong đó nhiều cổ phiếu ngân hàng giảm 8 - 15% chỉ sau thời gian ngắn.

Trong khi đó, dù bán ròng hơn 8.100 tỉ đồng trên toàn thị trường tính từ đầu năm đến nay nhưng khối ngoại lại mua ròng hơn 1.770 tỉ đồng cổ phiếu ngành ngân hàng. Ngân hàng cũng là ngành mà nhà đầu tư ngoại chi nhiều tiền nhất để sở hữu cổ phiếu (16,8 triệu tỉ đồng), tiếp đến là ngành thực phẩm đồ uống (10 triệu tỉ đồng), bất động sản (8,9 triệu tỉ đồng)…

Lo "nồi cơm" của ngân hàng vơi đi

Dù tình hình xung đột Nga - Ukraine được nhận định không tác động trực tiếp quá lớn đến nền kinh tế Việt Nam, vì thị trường này chiếm tỉ trọng nhỏ trong tổng cơ cấu kim ngạch xuất nhập khẩu, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng rủi ro trong ngắn hạn khi xung đột kéo dài là áp lực lạm phát có thể tăng mạnh và sớm hơn so với dự kiến.

Bà Nguyễn Hoài Thu - giám đốc điều hành khối đầu tư chứng khoán và trái phiếu của VinaCapital (tập đoàn đầu tư và quản lý tài sản lớn nhất tại Việt Nam với tổng giá trị trên 3,9 tỉ USD) - cũng cho rằng khi các lệnh trừng phạt kinh tế được áp dụng, tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng sẽ đẩy giá nhiều mặt hàng cơ bản tăng cao, góp phần khiến lạm phát trở thành rủi ro ảnh hưởng danh mục đầu tư.

Với lo ngại lạm phát tăng, ngân hàng buộc phải tăng lãi suất huy động để thu hút tiền gửi. Mặt khác, nhằm hướng dòng vốn vào sản xuất, phục hồi phát triển kinh doanh, Chính phủ đã định hướng cho các ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất cho vay trong năm nay. Do vậy, biên lợi nhuận của các nhà băng có thể bị sụt giảm, ảnh hưởng đến sức hấp dẫn của các cổ phiếu "vua".

Trong vòng một tháng nay, giá cổ phiếu ngành ngân hàng bị sụt giảm mạnh, điển hình như MBB (MBBank), TCB (Techcombank), VCB (Vietcombank), OCB (Oricombank)… giảm từ 8 - 9%. Cổ phiếu của nhiều ngân hàng khác có mức giảm hơn 10% như LPB (LienVietPostBank), CTG (VietinBank), HDB (HDBank)…

Tuy nhiên, theo các chuyên gia phân tích của Công ty chứng khoán SSI, diễn biến của thị trường chứng khoán VN trong giai đoạn qua cho thấy sức chống chịu với rủi ro khá tốt, ngay cả tác động từ việc Cục Dự trữ liên bang Hoa kỳ (FED) nâng lãi suất USD trong tháng 3 cũng có thể đã được phản ánh phần lớn.

Đặc biệt, việc mở cửa nền kinh tế từ ngày 15-3 được kỳ vọng sẽ tác động tích cực đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Các biện pháp kiểm soát giá của Chính phủ cũng được kỳ vọng sẽ đem lại hiệu quả trước diễn biến tăng mạnh của giá hàng hóa, hạn chế ảnh hưởng của lạm phát tới quá trình phục hồi kinh tế.

Nhiều cổ phiếu ngân hàng bị giảm 8 - 15% trong vòng một tháng nay. Trong ảnh: nhân viên môi giới theo dõi thị trường - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Khối ngoại tăng gom cổ phiếu "vua"

Dù cho rằng danh mục đầu tư khó tránh khỏi những ảnh hưởng tiêu cực trong ngắn hạn bởi căng thẳng Nga - Ukraine, nhưng bà Nguyễn Hoài Thu cho biết đơn vị vẫn tập trung đầu tư cổ phiếu của các công ty thuộc những ngành có lợi thế cạnh tranh bền vững, hưởng lợi từ tăng trưởng dài hạn của kinh tế Việt Nam, bao gồm ngân hàng.

Do đó, khi thị trường giảm sâu sẽ là cơ hội để mua vào những cổ phiếu tốt với giá rẻ hơn. Trong thực tế, một số quỹ ngoại cũng liên tục gom cổ phiếu của các ngân hàng. Cụ thể, theo thông tin từ Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE), ngày 8-3 nhóm quỹ Dragon Capital do bà Trương Ngọc Phương là đại diện đã mua 1,25 triệu cổ phiếu STB (Sacombank), nâng tỉ lệ sở hữu lên 95,2 triệu cổ phiếu, tương đương chiếm 5,05% vốn tại ngân hàng này.

Trước đó ngày 1-3, Dragon Capital cũng đã trở thành cổ đông lớn của Ngân hàng Quân Đội (MBBank) sau khi mua 916.800 cổ phiếu MBB, nâng số lượng nắm giữ của nhóm quỹ Dragon Capital đối với cổ phiếu MBB lên gần 189,3 triệu cổ phiếu (hơn 5% vốn điều lệ của MBBank). MBB thuộc top cổ phiếu có tỉ trọng lớn trong danh mục đầu tư của quỹ này.

Theo các chuyên gia từ Dragon Capital Việt Nam, năm 2022 hội tụ đầy đủ yếu tố tích cực của nhóm cổ phiếu "vua", như tín dụng dự báo được cải thiện, lợi nhuận bình quân toàn ngành dự báo đạt mức tăng 30% so với năm trước, một số ngân hàng đang triển khai việc bán vốn chiến lược, lợi nhuận đột biến ghi nhận từ việc bán bảo hiểm độc quyền, được chấp thuận nới room cho nhà đầu tư nước ngoài…

Bình luận về động thái liên tục mua ròng cổ phiếu VPB (VPBank) của khối ngoại, sau khi VPB thông báo điều chỉnh tỉ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư ngoại từ 15% lên 17,5% vốn điều lệ, ông Huỳnh Minh Tuấn - giám đốc môi giới hội sở chứng khoán Mirae Asset, nhà sáng lập Công ty quản lý tài sản FIDT - cho rằng: "Với thị trường 98 triệu dân đi kèm nhiều dịch vụ tài chính chưa khai phá, ngân hàng là ngành rất hot"./.

Nguồn: Bông Mai/tuoitre.vn