Chợ Bến Thành mời TikToker livestream bán hàng cho du khách

Phiên bản để inGửi EmailPhiên bản PDF
Chợ Bến Thành mời TikToker livestream bán hàng cho du khách

Lần đầu tiên một chợ truyền thống thí điểm việc kinh doanh và quảng bá chính thức trên nền tảng TikTok ở Việt Nam: chợ Bến Thành.

Tại "Ngày hội mua sắm, giải trí trực tuyến TP.HCM 2023 - Khám phá, trải nghiệm và mua sắm tại chợ di sản Bến Thành" (Ho Chi Minh City Shoppertainment 2023 - Ben Thanh Heritage Market) tới đây, hàng chục người nổi tiếng (KOLs), TikToker được mời đến chợ Bến Thành (Q.1, TP.HCM) để livestream bán hàng, vừa quảng bá du lịch.

Du khách mua sắm ở chợ Bến Thành - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Dự kiến có khoảng 70 TikToker nổi tiếng đến chợ để review các món ăn cũng như đặc sản đang bày bán tại đây. Các gian hàng về vải, áo dài truyền thống... cũng sẽ được các TikToker giới thiệu đến du khách và người tiêu dùng.

Theo đại diện ban tổ chức, sự kiện này không chỉ minh chứng cho sức hút, sức mạnh riêng có và tầm ảnh hưởng của thành phố trong lĩnh vực thương mại điện tử, mà còn là nơi hội tụ của những mô hình đổi mới và sáng tạo trong ngành du lịch. Những người thực hiện cũng muốn mở ra cánh cửa mới cho phát triển thương mại điện tử trên nền tảng xã hội, đặc biệt là mua bán hàng qua các buổi livestream.

TP.HCM hiện chiếm khoảng 47,7% tổng doanh thu từ thương mại điện tử và bán hàng trực tuyến của cả nước, với một số lượng rất lớn các website và ứng dụng di động đã đăng ký với Bộ Công Thương.

Vừa qua, tại huyện Cần Giờ, TP.HCM, chương trình livestream sản phẩm OCOP đã đạt doanh thu tăng gấp 10 lần so với dự kiến chỉ sau 5 giờ phát sóng, cho thấy đây là mô hình kinh doanh giúp phát triển doanh số, thị phần rất hiệu quả.

Chợ truyền thống ế vì chậm chuyển đổi

Thời gian qua, câu chuyện chợ ế, vắng khách nhận được nhiều quan tâm của cộng đồng. Dù vào cuối năm, cao điểm mùa mua sắm nhưng hàng loạt tiểu thương tại các chợ sỉ lẫn chợ lẻ ở TP.HCM đều đóng cửa, treo bảng sang sạp. Không khí chợ truyền thống đìu hiu.

Ngoài nguyên nhân kinh tế khó khăn, người tiêu dùng thay đổi thói quen, cung cách dịch vụ tại chợ chưa tốt, thì một trong những lý do được đưa ra là tiểu thương ở chợ chậm chuyển đổi, không thích ứng với bán hàng online.

Bản thân nhiều người tiêu dùng trẻ chia sẻ họ cảm thấy không có nhiều lý do để đến chợ truyền thống. Họ muốn đi trung tâm thương mại với nhiều tiện nghi và hạ tầng vượt trội, hàng hóa phong phú, giá cả được niêm yết rõ ràng, không "chặt chém". Họ cho rằng chợ truyền thống phù hợp với nhu cầu khám phá dành cho khách du lịch./.

Nguồn: tuoitre.vn