Lừa đảo "việc nhẹ lương cao" với những bạn trẻ, nhất là sinh viên, không mới. Dù vậy, gần như năm nào cũng ghi nhận những vụ việc sinh viên bị lừa gạt, trong đó không ít trường hợp đáng tiếc xảy ra.
Trong những tình huống không may ấy, cha mẹ cũng có một phần trách nhiệm.
Trò lừa ngày càng tinh vi
ThS Võ Văn Trọng - trưởng phòng công tác sinh viên, Trường ĐH Kinh tế - luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) - cho biết hiện nay, các đối tượng ngày càng có nhiều hình thức chiêu dụ các bạn trẻ, nhất là học sinh, sinh viên tham gia các "việc nhẹ lương cao".
Cách thức chiêu dụ cũng khéo léo hơn, tinh vi hơn. Trong khi đó, nhiều bạn vào TP.HCM thường gặp áp lực về tài chính nên nhiều lúc rất dễ bị dẫn dắt.
ThS Tô Thanh My - bí thư Đoàn Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức (TP.HCM) - chia sẻ trường đã từng rốt ráo "giải cứu" các sinh viên vào học dính bẫy của đa cấp.
Có lần, sinh viên tham dự các hội thảo "việc nhẹ lương cao". Để vào sự kiện, các bạn phải nộp giấy tờ tùy thân như chứng minh nhân dân, căn cước công dân hay bằng lái xe. Đến cuối hội thảo, sinh viên bị giữ lại, bắt phải đóng tiền mới được ra về và lấy lại giấy tờ.
"May mắn các bạn đã liên hệ ngay với thầy cô để thông báo cho phòng công tác sinh viên và các bộ phận liên quan. Trường lại liên hệ ngay với công an địa phương. Các bên đã đến tận nơi "giải cứu" các bạn ra về ngay trong đêm", ông My kể.
ThS Nguyễn Văn Đương - trưởng phòng chăm sóc và hỗ trợ người học, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM - cho rằng dù đã có nhiều cảnh báo từ nhà trường, truyền thông về những vụ lừa đảo liên quan đến "việc nhẹ lương cao" nhưng gần như năm nào báo đài cũng có đưa tin một số trường hợp các bạn trẻ bị lừa, thậm chí dẫn đến một số hậu quả đáng tiếc.
Ông Nguyễn Văn Hương lặn lội từ Phú Yên vào TP.HCM tìm con gái bị mất liên lạc - Ảnh: MINH HÒA
Phụ huynh ở đâu?
ThS Nguyễn Văn Đương cho rằng trong các câu chuyện bạn trẻ mắc bẫy "việc nhẹ lương cao", trách nhiệm liên quan đến nhiều bên, trong đó có phụ huynh.
Theo ông Đương, một trong những điều cơ bản nhất mà phụ huynh có thể nhắc nhở con là trong cuộc sống hiện nay, gần như không có khái niệm "việc nhẹ lương cao". Trừ những người có tài năng quá đặc biệt, còn lại lương bổng luôn gắn liền với trách nhiệm, công sức một người thật sự bỏ ra trong công việc ấy.
"Theo tôi, đó là điều đầu tiên phụ huynh nên dặn dò con cái nhiều lần trong những ngày còn ở gia đình, trước khi vào các thành phố lớn học tập, làm việc", ông Đương nói.
Phụ huynh cũng có thể nhắc con rằng trong trường hợp muốn tìm việc để trang trải cuộc sống, có rất nhiều kênh đáng tin cậy hơn để tìm kiếm. Hiện, hầu hết các trường đại học đều có những phòng hỗ trợ kết nối việc làm cả toàn thời gian lẫn bán thời gian, nếu có nhu cầu, các bạn nên liên hệ.
Bên cạnh đó là Đoàn trường, phòng công tác sinh viên, các khoa bộ môn luôn có những mối quan hệ để hỗ trợ sinh viên nếu cần.
ThS Tô Thanh My cho rằng mối liên kết giữa phụ huynh và nhà trường cũng quan trọng không kém, tất nhiên không phải "quản" các bạn quá mức như thời cấp III, nhưng cần nắm được và chủ động thông báo từ sớm.
Mỗi lớp hiện tại đều có các cố vấn học tập, theo dõi về tình hình học tập, đóng học phí của sinh viên. Nếu có tình trạng sinh viên bỏ học hoặc bỏ đóng học phí một thời gian, cố vấn học tập thường tìm hiểu và thông báo về cho gia đình.
"Ngược lại, các phụ huynh ở xa cũng cần lưu số các cố vấn học tập này và liên hệ sớm nhất khi cảm nhận được những bất thường từ con" - ông My nói.
Theo ThS Võ Văn Trọng, để có thể tránh gặp phải những cạm bẫy "việc nhẹ lương cao" hay những sự cố tương tự thì điều quan trọng là sự sẵn sàng mở lòng từ phía con cái. Càng lớn, nhiều bạn có xu hướng ít chia sẻ. Đôi khi các bạn gặp khó khăn về tài chính nhưng không chia sẻ với gia đình, đến khi nói ra thì đã lún sâu vào một số vụ lừa đảo.
Theo ông Trọng, sự mở lòng ở đây phải từ hai chiều, ở cả cha mẹ lẫn con cái. Điều này cũng tùy vào hoàn cảnh và tính cách của mỗi người, nhưng các bạn trẻ có thể nhớ rằng gia đình sẽ là một trong những nơi tin cậy nhất, an toàn nhất để bày tỏ những gì mình gặp phải trong quá trình học tập, sinh hoạt ở nơi xa.
Vấn đề xã hội
TS Dương Ngọc Dũng - phó trưởng khoa Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Hoa Sen - cho rằng để giúp con cái tránh rơi vào những trường hợp lừa đảo đòi hỏi cha mẹ cũng cần có một trình độ giáo dục nhất định.
Ở đây, lại thấy rõ sự khác biệt giữa phụ huynh nông thôn và thành thị. Đôi khi, phụ huynh ở các vùng quê, vì còn nghèo nên nghe con vừa đi học vừa làm thêm ở TP lương khoảng 10 triệu/tháng cũng đã thấy mừng. Họ thường ít nghi ngờ gì cho tới một ngày bỗng dưng không liên lạc được với con.
Vì vậy, theo ông Dũng, nếu để ý sẽ thấy phần lớn vụ lừa đảo "việc nhẹ lương cao" thường xảy ra với những trường hợp từ quê vào các thành phố lớn.
"Cần khẳng định rằng các gia đình không đáng trách, bởi nhiều gia đình ở quê nghèo khó, ít có điều kiện. Theo tôi, nhìn rộng ra đây không chỉ là vấn đề của gia đình, mà là vấn đề xã hội.
Cần có những chương trình để nâng cao nhận thức về lừa đảo cho người dân ở quê, từ đó họ mới có thể nhắc nhở hay hướng dẫn cho con cái của mình", ông Dũng nói.
Ngày 12-6, Công an phường 13, quận Bình Thạnh, TP.HCM cho biết đã tiếp nhận tin trình báo của ông Nguyễn Văn Hương (53 tuổi, ngụ thôn Tuyết Diêm, xã Xuân Bình, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên) về việc gia đình bị mất liên lạc với con gái tên Nguyễn Thị Thu Ngọc (16 tuổi) từ 7 ngày qua sau khi Ngọc vào TP.HCM.
Theo ông Hương, chiều 5-6, Ngọc đón xe khách của nhà xe Minh Cường từ thị xã Sông Cầu vào TP.HCM. Sáng 6-6, khi xe đến bãi tại số 537 Phạm Văn Đồng, phường 13, quận Bình Thạnh thì Ngọc xuống xe. Đến chiều cùng ngày, Ngọc gọi điện về gia đình và cho biết đã tìm được việc. Sau cuộc gọi trên thì Ngọc mất liên lạc cho đến nay.
"Ngọc lấy lý do vào TP.HCM làm việc cùng bạn học nên nói gia đình yên tâm rồi xếp quần áo, cầm 2 triệu đồng cùng vali lên xe vào TP.HCM để làm việc" - ông Hương kể. Ông Hương cho biết thêm để tạo lòng tin, người lạ trên mạng đã gửi tiền, quần áo... cho con gái ông để rủ rê vào TP.HCM làm việc.
Nhiều "bẫy" việc làm chực chờ người trẻ
Bạn trẻ từ miền Bắc vào TP.HCM tìm hiểu thông tin về tuyển dụng tại KCX Tân Thuận - Ảnh: T.T.D
Ông Trần Thanh Thưởng - trưởng phòng tuyển sinh và công tác sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM - cho biết hiện nay có rất nhiều cách câu dẫn sinh viên để lừa đảo. Phần lớn là các thông báo tuyển dụng cộng tác viên làm việc bán thời gian, lương cao.
Khi sinh viên đã tham gia sẽ được hướng dẫn tải các ứng dụng đầu tư tài chính để thực hiện các nhiệm vụ với mức hoa hồng rất cao. Sinh viên đóng tiền theo yêu cầu và phần lớn không thể nào lấy lại được.
Khi sinh viên kẹt tiền, các ứng dụng cho vay luôn sẵn sàng "chào đón" bằng thủ tục đơn giản, giải ngân nhanh. Nhưng khi dính vào rồi thì sinh viên sẽ phải trả khoản lãi cao và cuối cùng cả nợ gốc và lãi sẽ rất lớn.
"Khi cần tìm việc làm thêm, sinh viên cần kiểm tra thông tin của đơn vị mình dự tuyển hoặc tìm việc ở những trung tâm giới thiệu việc làm có pháp nhân. Những quảng cáo tuyển dụng nhân viên "việc nhẹ, lương cao, không cần đặt cọc" thì sinh viên cần hết sức cảnh giác.
Nếu gặp khó khăn tài chính, sinh viên có thể liên hệ trường để được hỗ trợ hoặc bàn bạc với gia đình tìm cách giải quyết, không tự ý vay tiền từ các app tài chính" - ông Thưởng đưa ra lời khuyên.
Theo ông Thưởng, trường có quỹ 10 tỉ đồng để hỗ trợ khó khăn đột xuất cho sinh viên. Ngoài ra, trường cũng huy động được 16 tỉ đồng từ doanh nghiệp để hỗ trợ sinh viên gặp khó khăn./.
Nguồn: Trọng Nhân-Minh Giảng/tuoitre.vn