Nhiều thí sinh tự tin giành suất vào đại học sau khi tham dự kỳ thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia TP HCM ngày 27/3.
Hơn 79.000 thí sinh, chiếm 96,4% số lượng đăng ký, đã dự thi đánh giá năng lực đợt một do Đại học Quốc gia TP HCM tổ chức tại 80 điểm, ở 17 tỉnh thành. Kỳ thi được đánh giá diễn ra an toàn, hiệu quả.
Nhiều thí sinh tự tin giành được 600-700 trên thang điểm 1.200 để vào các đại học top giữa. Tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đức Thuận (TP Dĩ An, Bình Dương) rời điểm thi với vẻ mặt rạng rỡ. Thuận cho biết, đề thi có tính phân loại cao hơn so với các đề minh họa nhưng không quá khó hay đánh đố.
Thuận làm tốt nhất phần Toán học, tư duy logic nhưng bối rối trước một số câu hỏi ngôn ngữ, lịch sử. Hoàn thành bài thi trong 130 phút, dành 20 phút còn lại rà bài, nam sinh nhẩm tính có thể giành ít nhất 700 điểm.
Năm nay, Thuận nhắm tới ba ngành Công nghệ kỹ thuật Điện - Điện tử, Công nghệ kỹ thuật cơ điện tử, Công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa của Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP HCM. Điểm chuẩn đánh giá năng lực ba ngành này những năm trước là 650. "Em khá tự tin với một suất vào đại học. Bây giờ, có thể thoải mái, tập trung ôn thi tốt nghiệp THPT", Thuận cho biết.
Thí sinh tại điểm thi đánh giá năng lực ở Khu đô thị Đại học Quốc gia TP HCM, TP Thủ Đức, sáng 27/3. Ảnh: Mạnh Tùng
Tại điểm thi Đại học Quốc tế, Mỹ Uyên (huyện Tân Biên, Tây Ninh) ước tính giành trên 800 điểm. Uyên cho biết, trả lời được hầu hết câu hỏi về ngôn ngữ, địa lý, lịch sử và khoa học tự nhiên. Một số câu hỏi khó với em nằm ở phần Toán học, tư duy logic.
Nếu đạt số điểm này, Uyên đoán mình đã "chạm tay" vào cánh cửa Đại học Công nghiệp TP HCM ngành Tài chính - Ngân hàng, Marketing - có điểm chuẩn 800 những năm trước. Tuy nhiên, số điểm này không đảm bảo để Uyên đỗ vào Đại học Kinh tế TP HCM ở những ngành tương ứng, bởi trường này lấy điểm chuẩn xấp xỉ 900.
"Em nghĩ mục tiêu vào Đại học Công nghiệp TP HCM có thể đạt 80% nên sẽ tự tin, thoải mái để ôn tập tốt nghiệp THPT, hướng đến một trường cao hơn. Em cũng dự kiến xét tuyển bằng học bạ vào một số đại học tư thục", Uyên cho biết.
Tại điểm thi Đại học Khoa học Tự nhiên, quận 5, Nguyên Anh (trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP HCM) cho biết đề thi năm nay khá khó, có nhiều câu vượt qua khả năng của bản thân. Nguyên Anh tự tin ở các câu hỏi tiếng Anh, Toán, giải quyết vấn đề.
Nguyên Anh dự đoán có thể đạt được 800 điểm kỳ thi này, đủ để vào một số đại học top trên ở TP HCM. "Ngoài thi đánh giá năng lực, xét học bạ, em còn lựa chọn xét chứng chỉ IELTS để vào đại học, nên cơ hội rất rộng mở", nữ sinh cho biết.
Thí sinh trước giờ thi tại điểm thi Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP HCM, ngày 27/3. Ảnh: Mạnh Tùng
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm nay có khoảng 20 phương thức tuyển sinh đại học. Trong đó, gần 70% trong tổng số 240 trường đại học, học viện trên cả nước xét tuyển bằng các kỳ thi đánh giá tư duy, đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP HCM, Đại học Bách khoa Hà Nội và Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức.
Các đợt thi, tùy từng trường, được tổ chức rải rác từ tháng 2 tới tháng 8. Thí sinh có thể tham dự nhiều đợt và sử dụng kết quả cao nhất để xét tuyển. Nếu đạt điểm chuẩn đầu vào đại học bằng kỳ thi đánh giá năng lực, tư duy, thí sinh đã "đặt một chân" vào trường đại học mơ ước, chỉ còn cần vượt qua kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Một số thí sinh không kỳ vọng vào được các trường tốt, nhưng vẫn coi đây là cuộc tập dượt quan trọng. Minh Hoàn (quận 5, TP HCM) cho biết, đề thi bao quát toàn bộ kiến thức ở cả chương trình THPT, nhiều câu hỏi vận dụng, đòi hỏi suy luận. Do đó, thí sinh phải nắm chắc kiến thức suốt ba năm học mới có thể làm tốt.
"Dù sao, đợt thi này cũng giúp em rút ra kinh nghiệm để chuẩn bị tốt hơn cho đợt hai và kỳ thi tốt nghiệp THPT", Hoàn nói. Năm nay, nữ sinh nhắm đến hai trường top đầu khối kinh tế ở TP HCM là Đại học Ngoại thương cơ sở 2 và Kinh tế TP HCM.
TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo (Đại học Quốc gia TP HCM) cho biết, điểm đổi mới của kỳ thi năm nay là cho phép thí sinh được đăng ký số lượng nguyện vọng không giới hạn. Các nguyện vọng được xếp theo thứ tự ưu tiên, từ cao xuống thấp. Sau khi kết quả thi đợt một được công bố ngày 5/4, thí sinh có thể đăng ký bổ sung và sắp xếp lại thứ tự nguyện vọng xét tuyển.
Theo ông Chính, với thí sinh đã đăng ký thi đợt một nhưng không thể tham gia vì dịch bệnh, các em được dự thi đợt hai, dự kiến tổ chức ngày 22/5 tại TP HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa và An Giang.
Hiện, 84 trường đại học, cao đẳng sử dụng kết quả kỳ thi này để tuyển sinh, trong đó có 10 trường, khoa thành viên của Đại học Quốc gia TP HCM. Số ngành học sử dụng kết quả kỳ thi để xét tuyển là 1.266.
Nhóm thí sinh trường THPT chuyên Lê Hồng Phong trao đổi tại điểm thi Đại học Khoa học Tự nhiên. Ảnh: Thu Hương
Năm nay, quy mô kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TP HCM tổ chức mở rộng hơn nhiều. Số lượng thí sinh đăng ký hơn 82.000, tăng 14.000 em so với 2021, tăng hơn 20.000 so với 2020. Số tỉnh, thành tổ chức là 17, tăng gấp ba lần các năm trước./.
Nguồn: Mạnh Tùng-Thu Hương/vnexpress.net