Đức tắt đèn, khoá nước nóng ở các thành phố để đối phó với khủng hoảng khí đốt

Phiên bản để inGửi EmailPhiên bản PDF
Đức tắt đèn, khoá nước nóng ở các thành phố để đối phó với khủng hoảng khí đốt

Hanover là thành phố lớn đầu tiên của Đức áp dụng các biện pháp tiết kiện năng lượng để đối phó với cuộc khủng hoảng khí đốt hiện nay.

Các thành phố ở Đức đã bắt đầu áp dụng các biện pháp tiết kiệm năng lượng như khoá đài phun nước, tắt bớt đèn chiếu sáng ở các đài tưởng niệm công cộng và ngắt nước nóng ở các bể bơi và trung tâm thể thao để đối mặt với nguy cơ khủng hoảng khí đốt. 

Ngày 27/7 (giờ địa phương), Hanover đã trở thành thành phố lớn đầu tiên thông báo các biện pháp tiết kiệm năng lượng bao gồm tắt nước nóng ở các toà nhà và trung tâm giải trí do thành phố điều hành. 

Các tòa nhà thành phố ở thủ phủ bang Lower Saxony sẽ chỉ được sưởi ấm từ ngày 1/10 đến ngày 31/3, ở nhiệt độ phòng không quá 20 độ C. Đồng thời, thành phố cũng cấm sử dụng các thiết bị điều hòa không khí di động và quạt sưởi. Các nhà trẻ, trường học, trung tâm chăm sóc người già và bệnh viện là các cơ sở được miễn trừ, không phải áp dụng các biện pháp tiết kiệm năng lượng.

duc tiet kiem dien

Phần lớn đèn ở khu vực Nhà thờ lớn Berlin đã được tắt bớt để tiết kiệm điện. Ảnh: EPA 

Ông Belit Onay, thị trưởng thành phố, chia sẻ: "Tình hình hiện rất khó đoán trước. Mỗi kW đều có giá trị và các cơ sở hạ tầng quan trọng phải được ưu tiên".

Theo đó, Hanover đã đặt mục tiêu tiết kiệm 15% năng lượng. Mục tiêu này được cho là phù hợp với các khoản cắt giảm mà Uỷ ban châu Âu (EC) đang hối thúc các nước thành viên thực hiện trong tuần qua để đảm bảo rằng toàn khối có khả năng đương đầu với nguy cơ Nga đột ngột cắt toàn bộ nguồn cung khí đốt. Đức là nước phụ thuộc vào năng lượng Nga nhiều hơn cả và đang phải chịu áp lực trong việc dẫn đầu nỗ lực của Liên minh châu Âu (EU) trong vấn đề cắt giảm khí đốt Nga.

Ở thủ đô Berlin của Đức, khoảng 200 đài tưởng niệm lịch sử đã bị "bao trùm" trong bóng tối từ đêm 27/7 khi thành phố tắt bớt đèn chiếu sáng tại các địa điểm này để tiết kiêm điện. 

Thượng nghị sĩ Bettina Jarasch ở Berlin chia sẻ: "Để đối phó với chiến dịch quân sự ở Ukraine và cảnh báo năng lượng Nga, điều quan trọng cần làm là chúng ta phải xử dụng năng lượng của mình một cách cẩn thận nhất có thể". 

Được biết, Đức sử dụng phần lớn lượng khí đốt để giữ ấm nhà cửa và cung cấp điện cho nền công nghiệp khổng lồ của họ. Nhưng trong khi kế hoạch khẩn cấp về năng lượng được khởi xướng vào tháng 6 cho phép các công ty tiện ích chuyển giá khí đốt cao cho khách hàng, hầu hết các hộ gia đình tư nhân ở Đức thanh toán hóa đơn khí đốt của họ bằng các khoản thanh toán trước và vẫn chưa trực tiếp chịu tác động từ giá khí đốt tăng mạnh.

Hôm 28/7, chính phủ Đức xác nhận rằng một khoản phụ phí khí đốt theo kế hoạch đối với khách hàng có thể cao hơn nhiều so với dự kiến trước đó, đây là động thái nhằm giữ cho các công ty năng lượng khỏi phá sản trong những tháng tới.

Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck cho biết: "Chúng tôi vẫn chưa thể nói giá xăng sẽ là bao nhiêu trong tháng 11, nhưng tin tức đáng tiếc là nó chắc chắn là vài trăm euro cho mỗi hộ gia đình".

Thành phố Munich, miền Nam nước Đức, tuần này thông báo họ sẽ tắt đèn chiếu sáng trên tòa thị chính trên quảng trường Marienplatz, nơi thường được thắp sáng đến 23h mỗi ngày. Ngoài ra, các toà nhà trong thành phố cũng sẽ ngắn nước nóng và chỉ có nước lạnh. Các vòi nước cũng sẽ được tắt vào ban đêm.

Nguồn: Minh Hạnh (Theo The Guardian)/doisongphapluat.com