Từ ngày 15.3, Việt Nam chính thức mở cửa đón khách du lịch quốc tế, để phục vụ tốt nhu cầu di chuyển của hành khách, các hãng hàng không Việt Nam đã lên kế hoạch tăng chuyến.
Đồng loạt tăng chuyến
Theo kịch bản dự báo tăng trưởng hàng không trong năm 2022 của Cục Hàng không Việt Nam, trung bình, hàng không Việt Nam dự kiến đón 42 - 43 triệu khách, đạt hơn 50% so với năm 2019; trong đó có khoảng 8 triệu khách quốc tế, bao gồm 6 triệu khách du lịch. Cùng đó, dự báo nhu cầu thị trường hàng không của Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA) năm 2022 đạt 61% so với năm 2019.
Đại diện Bamboo Airways cho biết, hãng đã lên kế hoạch mở rộng quy mô lên 40 đường bay quốc tế. Tại khu vực Châu Âu và Australia, Bamboo Airways đã đưa vào khai thác các đường bay TPHCM/Hà Nội - Melbourne, Hà Nội - Frankfurt.
Dự kiến từ ngày 22.3.2022 hãng sẽ triển khai thêm các đường bay thường lệ mới như Hà Nội - London, TP.Hồ Chí Minh - Sydney với tần suất dự kiến 2 chuyến khứ hồi/tuần. Tại khu vực Đông Bắc Á, Bamboo Airways của triển khai tăng tần suất khai thác các đường bay thường lệ Hà Nội - Tokyo, Hà Nội - Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc) và Hà Nội - Incheon (Hàn Quốc) lên 2 chuyến khứ hồi/tuần trên mỗi chặng. Hãng cũng chuẩn bị mở các chặng bay từ TPHCM đi Nhật Bản, Đài Bắc, Hàn Quốc và tại khu vực Đông Nam Á hãng này đã mở bán vé các đường bay tới Thái Lan, Singapore trong tháng 3.2022…
Đại diện Vietnam Airlines cho biết, từ cuối tháng 3.2022 sẽ tăng lên 97 chuyến bay mỗi tuần. Từ ngày 15.4.2022 sẽ mở rộng khai thác thêm các đường bay du lịch đến Singapore từ Đà Nẵng với tần suất 3 chuyến/tuần, từ Phú Quốc, Nha Trang đến Singapore với mỗi tuần một chuyến.
Dự kiến đến tháng 7.2022, VNA sẽ tiếp tục khôi phục khai thác thị trường Trung Quốc với tần suất 6 chuyến/tuần, Indonesia 3 chuyến/tuần và các đường bay du lịch đến Đà Nẵng, Nha Trang từ các thị trường lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc, nâng tổng số chuyến bay quốc tế lên hơn 160 chuyến mỗi tuần.
Khách quốc tế làm thủ tục lên chuyến bay VN650 đến TPHCM tại Singapore. Ảnh VNA
Nắm bắt cơ hội mở lại thị trường
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam - ông Bùi Doãn Nề, quyết định mở lại các đường bay quốc tế, phục hồi giao thương, du lịch đã tạo điều kiện để ngành hàng không Việt Nam tiến dần tới bình thường hóa hoàn toàn các hoạt động, không bị chậm chân trong cuộc cạnh tranh với các hãng hàng không trong khu vực và thế giới. Tuy nhiên, việc mở lại đường bay quốc tế cũng đặt ra những thách thức lớn đối với Việt Nam nói chung và với ngành hàng không, du lịch nói riêng.
Theo văn bản 1265/BYT-DP của Bộ Y tế người nhập cảnh theo đường hàng không, phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (trừ trẻ em dưới 2 tuổi) trước khi xuất cảnh trong vòng 72 giờ nếu sử dụng phương pháp RT-PCR/RT-LAMP; hoặc trong vòng 24 giờ nếu sử dụng phương pháp xét nghiệm nhanh kháng nguyên với vi rút SARS-CoV-2 và được cơ quan có thẩm quyền của nước thực hiện xét nghiệm cấp chứng nhận… Trẻ dưới 2 tuổi không bắt buộc phải xét nghiệm SARS-CoV-2, chưa được tiêm vaccine phòng COVID-19 hoặc chưa từng nhiễm SARS-CoV-2 đều được nhập cảnh, tham gia các hoạt động ở ngoài nơi lưu trú cùng bố, mẹ, người thân. Đối với việc khai báo y tế và kiểm dịch y tế tại cửa khẩu, người nhập cảnh phải thực hiện khai báo y tế trước khi nhập cảnh và sử dụng ứng dụng khai báo y tế (PC-COVID) trong thời gian lưu trú tại Việt Nam theo quy định.
TS Lương Hoài Nam (chuyên gia hàng không) cho hay, trước đây, cứ hai tuần Việt Nam thu được khoảng 1 tỉ USD doanh thu từ du lịch quốc tế, trong khi hai năm vừa qua, hoạt động này bị đình trệ. Do đó, việc mở lại hàng không và du lịch quốc tế càng sớm càng tốt, càng rộng càng tốt, điều kiện mở càng thoáng càng tốt. Theo TS Lương Hoài Nam, một trong những điều kiện để phát triển du lịch quốc tế là phục hồi chính sách miễn thị thực (visa) cho một số nước như đã thực hiện trước khi có dịch COVID-19.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) - ông Hà Văn Siêu cho rằng, sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát sẽ là những cơ hội mới và động lực mới cho sự phát triển, phân chia lại thị trường, nhưng thị phần của Việt Nam có lớn lên hay không phụ thuộc vào việc nắm bắt cơ hội...
Ông Bùi Minh Đăng - Phó Trưởng phòng Vận tải Hàng không (Cục Hàng không VN) - cho biết, trong kịch bản trung bình, năm 2022, thị trường hàng không Việt Nam dự kiến đón 42-43 triệu hành khách, con số này mới chỉ được hơn 50% so với 2019 nhưng vẫn là khá ấn tượng khi so với 2 năm dịch vừa qua. Trong số hơn 40 triệu lượt này, Cục Hàng không dự báo Việt Nam sẽ đón khoảng 8 triệu khách quốc tế, trong đó có 6 triệu khách du lịch./.
Nguồn: Đặng Tuấn/laodong.vn