Thả tim bức tranh đồng quê khổng lồ được 'phù phép' như thật

Phiên bản để inGửi EmailPhiên bản PDF
Thả tim bức tranh đồng quê khổng lồ được 'phù phép' như thật

Mới đây, mạng xã hội chia sẻ hình ảnh một bức tranh đồng quê khổng lồ trên tường nhà chỉ bằng xi măng và cát. Bức tranh sinh động, có hồn đến độ nhiều người phải thốt lên “đẹp không tưởng”.

Ưng ý nhất

Theo tìm hiểu của Thanh Niên, tác giả của bức tranh nói trên là anh Hoàng Văn Huân (29 tuổi, ngụ Bắc Giang). Anh Huân bật mí bức tranh được anh thực hiện trong 2 tuần tại một căn biệt thự của khách ở H.Lạng Giang (Bắc Giang). Nhìn rất kỳ công nhưng theo anh chia sẻ: “Tôi làm nghề đắp phù điêu hơn 7 năm nay rồi nên việc vẽ những bức tranh như vậy trên tường bằng cát và xi măng cũng quen thuộc. Nhưng đây là một trong những bức ưng ý nhất từ trước đến giờ nên tôi quyết định chia sẻ lên mạng xã hội để mọi người cùng chiêm ngưỡng. May sao được cộng đồng mạng thích và ủng hộ khiến tôi vừa bất ngờ vừa vui không nói nên lời”, anh Huân hạnh phúc nói.

Bức tranh được anh Huân làm hoàn toàn bằng xi măng và cát

Theo mô tả của tác giả, bức tranh này được tạo nên trên bức tường có chiều ngang 5 m và cao 4 m. Nội dung bức tranh đặc tả khung cảnh sinh hoạt làng quê Bắc bộ ngày xưa, quen thuộc với hình ảnh cây đa, bến nước, sân đình. Tác phẩm được anh Huân lấy cảm hứng từ những bức họa trước đó của các đồng nghiệp làm cùng, thêm vào đó với sự góp ý của chủ nhà giúp anh “vẽ” nên một bức tranh sống động và tinh tế.

Tác phẩm tỉ mỉ đến từng chi tiết được nhiều cư dân mạng trố mắt và yêu thích - NVCC

Toàn bộ tác phẩm từ khâu chuẩn bị nguyên liệu đến khâu đắp xi măng, lên màu đều do anh Huân làm chính cùng với sự hỗ trợ của một thợ phụ. Theo bật mí sau khi bức tranh được hoàn thành, anh được trả công 96 triệu đồng. Trung bình trong nghề anh lấy tiền công tầm 6 triệu đồng/m2.

Ông Nguyễn Văn Thán (47 tuổi, ngụ Bắc Giang) chính là người đã thuê anh Huân tạo nên bức tranh này ở nhà mình. Ông cho biết trước đó đã biết anh thợ đắp phù điêu này là người có hoa tay, làm việc uy tín nên đã chủ động liên hệ và trình bày ý tưởng của tác phẩm. Trước khi quyết định thuê anh Huân làm bức tranh, ông Thán cũng đã có một chuyến về quê để trải nghiệm và lấy cảm hứng để có thể trình bày ý tưởng của mình một cách trọn vẹn nhất.

Tình yêu với làng quê Việt Nam

“Sau khi làm xong, tôi cực kỳ thích, đúng như ý tưởng ban đầu của tôi luôn. À, mà ngay từ lúc mới đắp lên thôi, chưa lên màu gì hết là đã quá thích rồi. Hơn 3 tháng trôi qua rồi mà nó vẫn nguyên vẹn. Nhiều khách khi đến nhà của tôi ai cũng trầm trồ vì vẻ đẹp và sự chân thực của bức tranh, còn hỏi ai là người làm để có dịp thuê nữa”, ông Thán nói.

Chia sẻ về nghề tay ngang của mình, anh Huân cho biết trước khi là một thợ đắp phù điêu, anh học về điện - điện tử, tuy nhiên không tìm thấy một công việc phù hợp. Từ nhỏ vốn đã có năng khiếu về hội họa, thẩm mỹ, anh quyết định thử sức với công việc này và nhận ra mình rất có duyên cùng niềm cảm hứng làm nghề. “Hồi xưa tôi có đến Thiền viện Trúc lâm Phượng Hoàng ở Bắc Giang và có quen một sư thầy ở đó. Biết tôi có hoa tay nên có nhờ tôi đắp một con phượng hoàng lên tường thử xem sao. Sau khi xem mẫu, tôi đã đắp đúng y hệt và được mọi người khen. Có động lực, tôi quyết định gắn bó với nghề đắp phù điêu luôn. Tôi cũng thường đắp ở các nhà thờ, đình, chùa ở địa phương”, anh kể.

Anh Huân cho biết các bức phù điêu anh làm thường theo mẫu có sẵn ở các đình chùa, nhà thờ, chủ yếu tạo các hình như công, phượng... Tuy nhiên anh có niềm yêu thích đặc biệt với việc đắp những chủ đề khung cảnh làng quê Việt Nam. “Phần vì tôi thích những khung cảnh làng quê yên bình như thế. Phần vì những bức tranh tôi làm về làng quê rất có hồn, được nhiều người khen. Trước giờ tôi chỉ làm những bức nhỏ nhỏ, chỉ riêng lần này là “chơi lớn” làm một bức thật to, đầy đủ những chi tiết nhất từ trước đến giờ”, anh nói.

Nhờ công việc tay ngang này, anh Huân có thu nhập để nuôi vợ và 2 con nhỏ. Đó cũng là lý do anh quyết định gắn bó với nó đến khi nào không còn làm được nữa thì thôi. “Tôi cũng có giao lưu thêm với nhiều anh em trong nghề để học hỏi, nâng cao kỹ năng của mình. Làm nghề này, năng khiếu thôi chưa đủ, quan trọng là mình phải có tâm, có sự tỉ mỉ và chỉn chu thì mới làm nên tác phẩm trọn vẹn”, anh Huân bày tỏ./.

Nguồn: Cao An Biên/thanhnien.vn