‘Bóng đè’: Phim kinh dị vừa đủ để… giải trí

Phiên bản để inGửi EmailPhiên bản PDF
‘Bóng đè’: Phim kinh dị vừa đủ để… giải trí

Đánh dấu sự trở lại của đạo diễn Lê Văn Việt sau thành công ấn tượng của 'Hai Phượng', 'Bóng đè' được kỳ vọng sẽ mang đến cú đột phá cho dòng phim kinh dị Việt. Nhưng dù có nhiều nỗ lực, phim mới dừng lại ở mức kinh dị vừa đủ để giải trí.

Khởi chiếu từ 18-3, phim kinh dị "Bóng đè" đang thu hút đông đảo khán giả ra rạp cuối tuần này - Ảnh Đoàn phim cung cấp

Sau 2 ngày công chiếu, Bóng đè đang đứng top 1 phòng vé, vượt mặt The Batman với doanh thu hơn 11 tỉ đồng (theo Box Office Vietnam). Đây là tín hiệu đáng mừng cho Bóng đè, bất chấp nhiều luồng dư luận trái chiều và những điểm trừ không thể phủ nhận về mặt kịch bản.

Kinh dị vừa đủ, kết thúc nửa vời

Bóng đè xoay quanh câu chuyện Thành (Quang Tuấn) đưa hai con gái là Linh (Lâm Thanh Mỹ) và Yến (Mai Cát Vi) chuyển về quê sống để tìm lại bình yên sau cái chết của vợ, nhưng chào đón họ lại là hàng loạt hiện tượng kỳ bí. Bác sĩ tâm lý Hạnh (Diệu Nhi) được mời đến trị liệu chứng bóng đè cho Yến, nhưng cũng bị cuốn vào vòng xoáy của những bí ẩn đáng sợ.

Chọn khai thác một hiện tượng tâm lý khá phổ biến là "bóng đè", đạo diễn Lê Văn Việt đã có được một ý tưởng đầy sức hút. Thế mạnh về hình ảnh của anh cũng giúp Bóng đè có được những thước phim dàn dựng chỉn chu, có chất điện ảnh, dù tông màu khá cũ và không sáng tạo.

Trên nền bối cảnh nhà quê quen thuộc ở Hội An, phim xây dựng được một bầu không khí ngột ngạt, đè nén và bất ổn kéo dài. Những cảnh hù dọa (jump-scare) được xử lý khá khéo léo, vài chỗ tạo được bất ngờ và khiến khán giả giật mình, nhưng vẫn chưa đủ "nặng đô" để gây ám ảnh cho những ai là fan ruột của dòng phim kinh dị.

Phim khai thác khá tốt bối cảnh là một ngôi nhà cổ ba gian quen thuộc trong tâm trí của người Việt

Bóng đè cũng tận dụng được một số hình ảnh thuần Việt như chiếc võng, căn nhà cổ, dàn sào phơi đồ… để lồng ghép tình tiết kinh dị, gợi nỗi bất an cho khán giả từ những yếu tố thực tế của đời sống xung quanh. Tuy nhiên, càng về sau, phim càng khiên cưỡng khi đưa vào một số môtip kinh dị thường thấy.

Sự tham lam đó khiến Bóng đè sa đà vào những phân cảnh lê thê hù dọa khán giả, đẩy mạch phim dần chệch ra khỏi cốt truyện ban đầu.

Không xử lý nổi quá nhiều tình tiết nhét vào, nên càng về cuối, Bóng đè càng đuối sức và dẫn đến một cái kết vội vã, chỉ toàn những giải thích bằng lời thoại. Cách xử lý "nửa vời" này khiến Bóng đè không thoát khỏi tình trạng "đầu voi đuôi chuột" thường thấy của phim Việt.

Là tuyến nhân vật quan trọng trong đường dây kịch bản, nhưng vai bác sĩ kiêm nhà nghiên cứu tâm lý Hạnh của Diệu Nhi lại là nhân tố gây ức chế nhất khi được xây dựng khá hời hợt, vai trò không rõ ràng và hoàn toàn bị "bỏ rơi" ở kết phim.

Sự lạc lõng của nhân vật này khiến khán giả ngơ ngác: rốt cuộc, chứng bóng đè của 3 cha con đã được giải quyết nhờ đâu? Yếu tố kinh dị của phim là do tâm lý nhân vật, hay từ thế lực tâm linh? Và cái kết nào cho bác sĩ Hạnh, khi cô đã nỗ lực điều trị cho những người khác?

Có thể tạm giải thích đây là một kết thúc mở, nhưng cách kết thúc này chỉ gây thêm hụt hẫng cho khán giả.

Vai bác sĩ Hạnh của Diệu Nhi dễ gây hụt hẫng cho khán giả bởi không được xây dựng hợp lý

Điểm cộng diễn xuất bù trừ cho kịch bản

Gỡ gạc cho những thiếu hụt về kịch bản, Bóng đè giữ chân được khán giả nhờ màn thể hiện thuyết phục của hai diễn viên nhí. Lâm Thanh Mỹ thể hiện tốt vai cô chị cả Linh vừa mới dậy thì đã phải gồng mình thay mẹ quán xuyến mọi việc trong nhà, vừa chăm em vừa chăm ba.

"Nữ diễn viên nhí đáng sợ nhất Việt Nam" nay đã dần lớn và có được những diễn giải sâu sắc cho vai diễn của mình.

Một phân cảnh kinh dị khá ấn tượng của Lâm Thanh Mỹ (đóng vai Linh) trong phim "Bóng đè"

Ngược lại với vai Linh của Thanh Mỹ, Mai Cát Vi cuốn hút khán giả với những chuyển biến tâm lý phức tạp trong nhân vật Yến, cô em gái sinh động, lém lỉnh nhưng cũng là nhân vật "bị" hù dọa nhiều nhất phim.

Hai chị em đều có thế giới nội tâm phức tạp, dễ tổn thương nhưng luôn nỗ lực đối mặt với những tai họa đang ập đến. Diễn xuất của cả hai được khán giả ví von là điểm sáng "gánh team" cho cả phim Bóng đè.

Diễn viên nhí Mai Cát Vi có màn thể hiện ấn tượng với vai cô em gái Yến nghịch ngợm nhưng chuyên bị bóng đè

Nhìn chung, dù vẫn còn nhiều hạt sạn và chưa thể xem là một phim hay, nhưng Bóng đè đã trội hơn nhiều so với mặt bằng chung trong thể loại phim kinh dị của Việt Nam.

Ý tưởng gần gũi cuốn hút, diễn xuất chắc tay của các diễn viên cùng yếu tố hình ảnh chỉn chu là 3 điểm nhấn giúp cứu lại phần nội dung chưa được trọn vẹn của Bóng đè. Có lẽ nhờ vậy mà phim vẫn đang thu hút rất nhiều khán giả ra rạp cuối tuần này.

Nếu không phải là một fan đam mê phim kinh dị và đòi hỏi khắt khe, công chúng vẫn có thể chọn Bóng đè như một bộ phim tâm lý có yếu tố giật gân để giải trí, và ủng hộ cho những nỗ lực của các nhà làm phim Việt dám mạo hiểm với… kinh dị.

Trước khi ra rạp Việt ngày 18-3, “Bóng đè” đã được mua bản quyền công chiếu tại 25 quốc gia./.

Nguồn: Huỳnh Vy/tuoitre.vn