Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói cơ quan này chưa cấp phép cho doanh nghiệp nào và chính ông cũng chưa từng muốn thí điểm tiếp thuốc lá điện tử.
Tại phiên chất vấn chiều 11/11, nhiều đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi quanh việc quản lý mặt hàng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng với không chỉ Bộ Y tế mà nhắc tới cả Bộ Công Thương.
Theo báo Tuổi Trẻ, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chia sẻ vấn đề lo ngại của đại biểu về thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng.
Thuốc lá là ngành kinh doanh có điều kiện, được quy định rõ trong Luật Phòng chống tác hại thuốc lá và nghị định 67/2013 của Chính phủ, song thuốc lá thế hệ mới chưa được định nghĩa trong văn bản liên quan, gây nên khoảng trống pháp lý trong thời gian dài.
Ông Diên cho hay từ cuối nhiệm kỳ trước, do thiếu công cụ quản lý trong khi thuốc lá điện tử len lỏi và phát triển mạnh ở thị trường. Vì vậy, thời điểm đó Bộ Công Thương đề xuất và được Chính phủ khóa trước cho phép thí điểm quản lý loại hình thuốc lá thế hệ mới.
Tuy nhiên khi lấy ý kiến các bộ ngành, nhiều bộ ngành đồng thuận với đề xuất trên nhưng một số bộ ngành, đặc biệt là Bộ Y tế phản đối khi cho rằng đây là sản phẩm có hại cho sức khỏe. Vì vậy từ đầu nhiệm kỳ tới nay, ông Diên cho biết bộ đã thống nhất với quan điểm của Bộ Y tế rằng đây là sản phẩm có hại cho sức khỏe nên phải cấm.
“Chúng tôi kiên trì đề xuất là sớm ban hành khuôn khổ pháp lý cấm sản phẩm này, chứ chưa bao giờ Bộ Công Thương, trong đó cá nhân tôi đề xuất tiếp tục thí điểm đề án này cả. Đại biểu Hoàng Anh - Gia Lai nhớ hơi lâu nhưng chưa đúng bản chất và tình hình, chúng tôi không đề nghị như thế” - ông Diên nói.
Thời gian qua, Bộ Công Thương cũng từ chối và chưa cấp phép cho doanh nghiệp nào bán thuốc lá điện tử, ông nói thêm.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên. (Ảnh: Tuổi trẻ)
Trong phần trả lời chất vấn trước đó, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan nhiều lần nhấn mạnh quan điểm phải cấm thuốc lá điện tử, do những tác hại mà nó gây ra cho sức khoẻ.
Thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng là sản phẩm thế hệ mới, vận hành bằng cách làm nóng dung dịch các chất chứa nicotine hoặc hương vị, thường hòa tan thành propylene glycol hoặc glycerine. Có ít nhất 60 hợp chất hóa học đã được tìm thấy trong dung dịch thuốc lá điện tử (còn gọi là tinh dầu) và nhiều hợp chất khác có trong khí/khói tạo ra.
Loại này không có nguyên liệu thuốc lá mà chỉ sử dụng hương liệu, hóa chất nên không phải là thuốc lá theo định nghĩa của Luật Phòng chống tác hại thuốc lá và không thuộc phạm vi điều chỉnh.
Kết quả điều tra của Tổ chức Y tế Thế giới, Bộ Y tế cho thấy loại thuốc lá này gây nghiện do có chứa nicotine; gây các bệnh ung thư, tim mạch, hô hấp, gây tổn thương phổi cấp, ngộ độc và ảnh hưởng sức khỏe tâm thần.
Việt Nam ghi nhận sự gia tăng nhanh chóng tỷ lệ sử dụng thuốc lá mới, chủ yếu là thuốc lá điện tử, nung nóng. Ở nhóm 13-15 tuổi, tỷ lệ đã tăng gấp đôi từ 3,5% năm 2022 lên 8% năm 2023. Năm ngoái, hơn 1.200 người nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử, nung nóng, trong đó có nhiều trẻ vị thành niên.
Trong khi chưa có luật mới hoặc chưa sửa Luật Phòng chống tác hại thuốc lá, Bộ trưởng Công Thương cho hay tiếp tục chỉ đạo quản lý thị trường tăng kiểm tra trên thị trường, phối hợp cùng Ban chỉ đạo 389, lực lượng hải quan... Việc này nhằm xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân buôn bán, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, theo báo VnExpress.
Bộ trưởng Công Thương lưu ý, các vi phạm với thuốc lá truyền thống, thuốc lá thế hệ mới chủ yếu do nhập lậu, do đó ông cho rằng cần ngăn chặn từ cửa khẩu, biên giới.
Ông cũng đề nghị tăng trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương trong kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm liên quan tới quản lý mặt hàng này trên địa bàn, theo báo VnExpress.
Việt Hương (t/h)/doisongphapluat.com