Bộ GTVT thông tin về tiến độ đầu tư trạm dừng nghỉ trên các tuyến cao tốc

Phiên bản để inGửi EmailPhiên bản PDF
Bộ GTVT thông tin về tiến độ đầu tư trạm dừng nghỉ trên các tuyến cao tốc

Bộ GTVT vừa có văn bản trả lời chất vấn của đại biểu Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM về tiến độ đầu tư trạm dừng nghỉ trên các tuyến cao tốc.

Theo Văn bản số 3736/TTKQH-GS ngày 29/5/2024 của Tổng thư ký Quốc hội chuyển đến Bộ GTVT, Đại biểu Quốc hội Hà Phước Thắng chất vấn Bộ trưởng Bộ GTVT với nội dung như sau:

“Luật Giao thông đường bộ 2008 (khoản 1 Điều 65) và các văn bản hướng dẫn thi hành có quy định thời gian làm việc của người lái xe ô tô không được quá 10 giờ/ngày và không được lái xe liên tục quá 4 giờ, nếu vi phạm sẽ bị phạt nghiêm (phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng và bị tước bằng lái xe từ 1 tháng đến 3 tháng). Tuy nhiên, hiện nay có những tuyến cao tốc dài hàng trăm cây số nhưng thiếu trạm dừng chân; bên cạnh đó, còn có tuyến cao tốc thiếu làn đường dừng khẩn cấp, có biển báo bị che khuất tầm nhìn ... tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông".

Đối với nội dung chất vấn trên, Bộ GTVT cho biết, về chủ trương đầu tư trạm dừng nghỉ trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, trong bước trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư Dự án xây dựng cao tốc Bắc - Nam phía Đông, để giảm áp lực cho vốn đầu tư công, Chính phủ đã định hướng tổ chức đầu tư xây dựng hệ thống trạm dừng nghỉ theo hình thức xã hội hóa. Tuy nhiên, do các quy định của pháp luật về xã hội hóa đầu tư, kinh doanh trạm dừng nghỉ chưa đầy đủ nên đã gặp một số vướng mắc dẫn đến việc đầu tư xây dựng trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 chưa hoàn thành đồng bộ với tuyến đường.

Trong giai đoạn 2 (2021-2025), Bộ GTVT đã kịp thời phê duyệt mạng trạm dừng nghỉ, hoàn thiện hành lang pháp lý, cập nhật bổ sung trong dự án và tổ chức triển khai xã hội hóa đầu tư đồng bộ trên toàn tuyến, hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm 2025 theo tiến độ chung.

Trước mắt, để giải quyết nhu cầu của người tham gia giao thông trên cao tốc Bắc - Nam phía Đông, trong thời gian chờ hoàn thành việc đầu tư xây dựng các trạm dừng nghỉ theo quy định, Bộ GTVT đã chỉ đạo Chủ đầu tư dự án đường cao tốc tổ chức một số điểm dừng nghỉ tạm trên tuyến (khoảng cách trung bình 70 - 80km/1 vị trí), đồng thời thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin để lái xe có thể chủ động hành trình khi di chuyển trên cao tốc. Như vậy, đến nay các tuyến cao tốc cơ bản đã có giải pháp đáp ứng nhu cầu dừng nghỉ của người tham gia giao thông và thời gian làm việc của lái xe theo quy định.

Trạm dừng nghỉ tạm trên cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45

Trạm dừng nghỉ tạm trên cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45

Về vị trí các trạm dừng nghỉ trên cao tốc, Bộ GTVT đã phê duyệt mạng trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông gồm 36 (cặp) trạm dừng nghỉ, trong đó gồm 9 trạm đã đưa vào khai thác và đang đầu tư xây dựng 27 trạm (gồm 24 trạm do Bộ GTVT đầu tư, 1 trạm do địa phương đầu tư; 2 trạm do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam đầu tư).

Về công tác đầu tư xây dựng 24 trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông do Bộ GTVT quản lý, hiện 8 trạm đã tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư và 8 trạm đã phê duyệt thông tin dự án và công bố kêu gọi các nhà đầu tư, 5 trạm đang thỏa thuận về quy mô vị trí với địa phương để tiến tới phê duyệt công bố, 3 trạm đang khẩn trương hoàn thiện các thủ tục pháp lý theo quy định.

Sau khi lựa chọn được nhà đầu tư, các trạm dừng nghỉ sẽ được khẩn trương xây dựng và hoàn thành trong năm 2025 đồng bộ với các dự án cao tốc giai đoạn 2 để phục vụ đi lại của người và phương tiện tham gia giao thông.

Về nội dung phân kỳ đầu tư các dự án đường bộ cao tốc, Bộ GTVT cho biết Đại hội XIII của Đảng đã xác định phát triển kết cấu hạ tầng là một trong ba đột phá chiến lược, tạo không gian phát triển mới, động lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và đã đề ra mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc. Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã rất quyết liệt chỉ đạo triển khai các dự án xây dựng đường bộ cao tốc.

Đến nay, cả nước đã đưa vào khai thác hơn 2.000 km đường bộ cao tốc và đang nỗ lực phấn đấu để đến năm 2025 có trên 3.000 km đường bộ cao tốc.

Nhu cầu vốn cho đầu tư hệ thống đường bộ cao tốc rất lớn, trong khi nguồn lực còn hạn chế; nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, Chính phủ, Bộ GTVT và các địa phương đã nghiên cứu, đề xuất đầu tư một số tuyến đường bộ cao tốc theo quy mô phân kỳ phù hợp với nhu cầu vận tải và khả năng cân đối nguồn vốn. Việc sớm đưa vào khai thác các tuyến đường bộ cao tốc đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. 

Ngày 21/2/2024, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 16/CĐ-TTg chỉ đạo Bộ GTVT, Bộ Kế hoạch và đầu tư , UBND các tỉnh Thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan liên quan “... khẩn trương nghiên cứu phương án đầu tư, nâng cấp các tuyến đường bộ cao tốc đã được đầu tư phân kỳ đạt quy mô cao tốc hoàn chỉnh, phù hợp với tiêu chuẩn thiết kế, nhu cầu vận tải theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các văn bản nêu trên; trong đó tập trung đầu tư sớm nhất đối với các tuyến đường bộ cao tốc quy mô 2 làn xe”.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT và các cơ quan đang tập trung xây dựng phương án mở rộng và phối hợp cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nguồn vốn phù hợp để sớm triển khai đầu tư mở rộng các tuyến cao tốc đầu tư phân kỳ theo quy mô, quy hoạch được phê duyệt.

Đối với nội dung một số tuyến cao tốc có biển báo bị che khuất, Bộ GTVT cho biết tiếp thu ý kiến của Đại biểu, Bộ GTVT đã yêu cầu Cơ quan quản lý đường bộ tiếp tục nghiên cứu việc tổ chức giao thông trên các tuyến cao tốc đã đưa vào khai thác; tăng cường công tác kiểm tra hệ thống an toàn giao thông, trong đó chú trọng việc rà soát, chỉnh trang hệ thống biển báo còn chưa phù hợp đảm bảo an toàn cho người lái xe khi tham gia giao thông./.

Nguồn: Nguyễn Lâm/doisongphapluat.com