Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết phương án thi Tốt nghiệp THPT từ năm 2025 với 4 môn bắt buộc là Toán, Văn, Ngoại Ngữ, Lịch sử chỉ là dự kiến và đang được nghiên cứu, xin ý kiến chuyên gia.
Tờ Tiền phong đưa tin, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, phương án thi Tốt nghiệp THPT từ năm 2025 dự kiến, học sinh sẽ thi 4 môn bắt buộc là Toán, Văn, Ngoại Ngữ, Lịch sử.
Đây là thông tin được Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết chiều nay, ngày 18/2, trong buổi làm việc với Trường Nguyễn Siêu về triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.
Lịch sử là môn thi bắt buộc trong kỳ thi Tốt nghiệp THPT từ năm 2025? Ảnh minh họa: Thanh niên
Theo đó, tại buổi làm việc, trước những băn khoăn của học sinh, giáo viên về kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, ông Độ chia sẻ: "Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, 2024 về cơ bản vẫn ổn định theo chương trình học cũ. Đến năm 2025, khi học sinh học theo chương trình mới thi tốt nghiệp thì đề thi sẽ thay đổi".
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT chia sẻ thêm: "Đến năm 2025 sẽ có sự điều chỉnh nhưng các thầy, cô yên tâm, Bộ sẽ đưa ra phương thức lựa chọn đảm bảo, dù học 8 môn bắt buộc là Toán, Ngoại ngữ, Văn, Sử, Giáo dục quốc phòng an ninh, Thể chất, Hoạt động trải nghiệm và Nội dung giáo dục địa phương. Thi tốt nghiệp sẽ tập trung vào 4 môn bắt buộc là Toán, Văn, Lịch Sử và Ngoại ngữ".
Tuy nhiên, Thứ trưởng Độ cũng lưu ý đây chỉ là phương án dự kiến, đang được nghiên cứu và xin ý kiến các chuyên gia. Hiện phương án chưa được thống nhất và chưa được phê duyệt.
Ngoài ra, đại diện ngành giáo dục cho biết trong các môn học lựa chọn, bộ sẽ cân nhắc một số môn thi phù hợp để các cơ sở giáo dục đại học có thể dùng tuyển sinh.
Theo Vietnamplus, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh việc đổi mới kiểm tra, đánh giá sẽ thực hiện theo đúng tinh thần của Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng với yêu cầu đổi mới hình thức thi, kiểm tra đánh giá, thi tốt nghiệp trên cơ sở giảm áp lực, giảm chi phí tốn kém nhưng vẫn phải đảm bảo trung thực, đánh giá đúng năng lực của học sinh, làm cơ sở xét tốt nghiệp cũng như để các cơ sở giáo dục đại học có thể sử dụng kết quả để xét tuyển.
Ông Độ cho biết thêm rằng lộ trình đổi mới sẽ thực hiện theo từng giai đoạn tương ứng với mức độ tiếp cận chương trình giáo dục phổ thông mới của từng nhóm đối tượng học sinh. Cụ thể, sẽ chia làm 3 giai đoạn: từ năm 2025 đến 2026 là những học sinh học chương trình mới 3 năm bậc trung học phổ thông; từ năm 2027 đến 2031 là những học sinh học chương trình mới từ lớp 6 và giai đoạn từ năm 2032 với đối tượng là những học sinh học chương trình mới từ lớp 1./.
Nguồn: Hoa Vũ (T/h)/doisongphapluat.com