Dự thảo Thông tư về Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2025 có nhiều điểm mới, trong đó quy định bỏ quy đổi điểm 10 ngoại ngữ đang nhân được nhiều sự quan tâm.
Điểm mới trong Dự thảo Thông tư về Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2025
Ngày 28/8, Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) vừa thông tin về nhiều điểm mới dự kiến trong Dự thảo Thông tư mới về quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2025.
Cụ thể, dự kiến Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 rút ngắn thời gian tổ chức thi từ 4 buổi như hiện nay xuống còn 3 buổi thi.
Số môn thi, đề thi như công bố trong phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, cụ thể:
Bổ sung thêm môn Tin học, Công nghệ (Công nghiệp, Nông nghiệp) đây là những môn thi lần đầu tiên được tổ chức thi trong kỳ thi.
Bổ sung thêm một số dạng thức câu hỏi thi mới đối với các môn thi trắc nghiệm (trước đây chỉ có một dạng thức câu hỏi thi trắc nghiệm).
Tăng cường tính phân hóa của đề thi tất cả các môn để đạt được các mục tiêu của kỳ thi như đã công bố trong phương án thi.
Nhiều điểm mới dự kiến trong Dự thảo Thông tư mới về quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2025.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 cũng sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số mạnh hơn trong công tác tổ chức thi, nổi bật như:
Tất cả các đối tượng tham dự kỳ thi đều có thể đăng ký dự thi theo hình thức trực tuyến (giai đoạn trước đây, thí sinh tự do phải nộp hồ sơ theo hình thức trực tiếp), xác thực thông tin cá nhân và các ưu tiên cộng điểm kỳ thi qua cơ sở dữ liệu số.
Việc truyền tải đề thi có thêm phương thức mới, qua hệ thống của Ban Cơ yếu Chính phủ bảo đảm nhanh, bảo mật, tiết kiệm thời gian, chi phí.
Việc sắp xếp điểm thi, phòng thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 theo nguyên tắc hỗ trợ tối đa cho thí sinh, không phải di chuyển phòng thi. Theo đó, cho phép trộn học sinh ở các cơ sở giáo dục gần nhau để tổ chức các điểm thi tiện ích cho thí sinh. Thí sinh chỉ dự thi tại một phòng thi duy nhất trong suốt kỳ thi, ưu tiên sắp xếp theo cùng bài thi của 2 môn tự chọn.
Trong việc xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông: Tăng tỷ lệ sử dụng kết quả đánh giá quá trình học tập ở cả lớp 10, 11 và 12 lên 50% (trước đây là 30% và chỉ sử dụng kết quả lớp 12) nhằm mục đích đánh giá toàn diện các năng lực của học sinh học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, tăng hiệu quả đạt được nhiều mục tiêu của kỳ thi như đã công bố.
Thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ đáp ứng theo quy định được miễn thi môn Ngoại ngữ nhưng không quy thành 10 điểm trong xét công nhận tốt nghiệp như quy định hiện nay.
Bổ sung quy định để thí điểm thi trên máy tính khi có đủ điều kiện theo lộ trình như đã công bố trong phương án thi, thí điểm dần từ năm 2027 và khi đủ điều kiện triển khai đại trà sau năm 2030.
Quan điểm của giáo viên về dự kiến bỏ quy đổi điểm ngoại ngữ
Trong số những điểm mới dự kiến trong Dự thảo Thông tư mới về quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2025, việc bỏ quy đổi điểm 10 thi tốt nghiệp với chứng chỉ ngoại ngữ nhận được sự quan tâm từ dư luận, học sinh cũng như các thầy cô.
Nêu quan điểm trên báo Thanh niên, ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1, TP.HCM) bày tỏ ý kiến ủng hộ.
Ông Phú cho hay việc miễn thi môn ngoại ngữ nếu các em đạt các chứng chỉ đúng quy định sẽ giúp kích thích và động viên học sinh tăng cường rèn luyện năng lực ngoại ngữ cũng là mục tiêu lâu dài cho định hướng tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai, phù hợp với xu thế hội nhập.
Nhiều giáo viên bày tỏ quan điểm đồng tình với dự kiến bỏ quy đổi điểm 10 thi tốt nghiệp với chứng chỉ ngoại ngữ. Ảnh minh họa
Theo ông Phú, Bộ GD&ĐT cần nghiên cứu thang điểm quy đổi sao cho hợp lý để thúc đẩy quá trình tự rèn luyện của học sinh, không cào bằng như trước đây.
Đồng quan điểm về dự kiến bỏ quy đổi điểm 10 thi tốt nghiệp với chứng chỉ ngoại ngữ, Hiệu phó trường THPT tại TP.Thủ Đức phân tích hiện IELTS 4.0 hay tương đương là mức điểm rất thấp so với trình độ học sinh hiện nay. Đồng thời đó còn là mức cào bằng với những mức điểm cao hơn, như vậy không có giá trị khuyến khích cao.
"Theo tôi, nên phân khúc mức điểm để quy đổi tương ứng với mức quy đổi điểm ở bậc ĐH, như vậy học sinh sẽ có sự phấn đấu. Nếu học sinh nào không chấp nhận thì có thể đăng ký thi để đạt kết quả như mong muốn và năng lực của mình", báo Thanh niên dẫn lời vị lãnh đạo trường học nói.
Tương tự, giáo viên tiếng Anh Đặng Trần Ngọc Khuyên, Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1), cho rằng ở mỗi giai đoạn quy định cần điều chỉnh sao cho phù hợp.
Nếu như cách đây khoảng 5 năm, việc học sinh phổ thông tiếp cận với các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế còn khá mới, cần khuyến khích học sinh nên đặt ra yêu cầu tương thích.
Ở thời điểm hiện tại, chứng chỉ tiếng Anh quốc tế đã trở nên phổ quát. Đặc biệt, chỉ cần cách nhau 0,5 điểm đã là một khoảng cách về kiến thức, kỹ năng.
Chính vì vậy việc xóa bỏ việc cào bằng trong việc quy đổi điểm 10 là điều cần thiết. Điều này vừa tạo sự công bằng cho học sinh, tạo thử thách để các em có động lực hơn, có nỗ lực để nâng cao kết quả không chỉ trong kỳ thi tốt nghiệp THPT mà còn trong xét tuyển ĐH, du học.
Năm 2025 là thời điểm lứa học sinh đầu tiên theo chương trình giáo dục phổ thông mới (chương trình 2018) thi tốt nghiệp.
Kỳ thi sẽ gồm 4 môn. Trong đó, 2 môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn; 2 môn lựa chọn nằm trong các môn học sinh được học, gồm Hóa học, Vật lý, Sinh học, Ngữ văn, Địa lý, Lịch sử, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ và Ngoại ngữ (Anh, Đức, Nga, Nhật, Pháp, Trung, Hàn). Đây là lần đầu tiên môn Tin học, Công nghệ (Công nghiệp, Nông nghiệp) trở thành môn thi tốt nghiệp.
Đề môn Ngữ văn vẫn theo hình thức tự luận. Những môn còn lại theo dạng trắc nghiệm. Bộ GD&ĐT cho biết sẽ tăng cường tính phân hóa trong đề thi tất cả môn.
Kỳ thi được tổ chức trong hai ngày với 3 buổi thi, thay vì 4 buổi như trước. Để hạn chế việc thí sinh phải di chuyển nhiều, Bộ cho phép các điểm thi ghép học sinh ở những trường gần nhau. Thí sinh chỉ dự thi tại một phòng trong suốt kỳ thi. Tất cả thí sinh đều phải đăng ký thi tốt nghiệp bằng hình thức trực tuyến.
Nguồn: Thủy Tiên/doisongphapluat.com.vn