Ngay sau khi bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát bị bắt, nhà thầu xây dựng tại khu biệt thự cổ nằm ở góc đường Bà Huyện Thanh Quan và Võ Văn Tần đã rút đi.
Có mặt tại công trường này chúng tôi được bảo vệ ở đây cho biết, ngay sau khi bà Trương Mỹ Lan bị bắt, công an đã đến nơi này làm việc và sau đó nhà thầu đã thông báo đóng cửa công trình, ngưng thi công.
Quan sát cho thấy, bên trong đã không còn công nhân nhưng vật tư vật liệu, máy móc vẫn còn ngổn ngang. Tại đây có vài bảo vệ được giữ lại để bảo vệ công trình. Bên ngoài tòa nhà gần như đã hoàn thiện. Bức tường bao bọc tòa nhà, các công trình phụ bên ngoài cũng đã được xây dựng gần xong.
Bà Trương Mỹ Lan từng gây sốc khi mua lại căn biệt thự với giá khoảng 700 tỉ đồng vào năm 2015 - NGỌC DƯƠNG
Năm 2015, bà Trương Mỹ Lan thông qua Công ty CP MINERVA mua lại căn biệt thự cổ này với giá 35 triệu USD, tương đương khoảng 700 tỉ đồng khi đó. Được biết, Công ty CP MINERVA thành lập ngày 28.7.2015, có vốn điều lệ 200 tỉ đồng.
Bên trong công trường vẫn còn ngổn ngang - ĐÌNH SƠN
Căn biệt thự này trước đây có tên biệt thự Phương Nam do hai cụ Đặng Kim Chi (sinh năm 1938) và Nguyễn Kim Sa Dang (sinh năm 1934) là chủ sở hữu. Cụ Nguyễn Kim Sa Dang quốc tịch Mỹ, còn cụ Đặng Kim Chi sống tại chính căn nhà trên.
Căn nhà được xây dựng trên khu đất 2.819m2 theo kiến trúc Pháp cổ, là nhà cấp 2, 3 gồm 2 tầng, với tổng diện tích sàn xây dựng là hơn 2.000m2. Khi thị trường bất động sản sôi động, căn nhà trên đã được rao bán với giá 47 triệu USD.
Ngay sau khi mua lại căn biệt thự này, bà Trương Mỹ Lan đã cho trùng tu lại theo nguyên bản vào năm 2019. Sở Xây dựng TP.HCM đã cấp phép xây dựng cho Công ty Stonewest Limited của Singapore là nhà thầu của công trình. Do căn biệt thự cổ nằm trong danh sách được bảo tồn nên chủ công trình chỉ được trùng tu, sửa chữa nguyên trạng mà không được xây dựng mới.
Căn biệt thự rộng gần 3.000m2 nằm 3 mặt tiền đường Nguyễn Thị Diệu, Bà Huyện Thanh Quan và Võ Văn Tần quận 3 - ĐÌNH SƠN
Kiến trúc sư người Pháp Nicolas Viste, là trưởng nhóm trùng tu căn biệt thự 110 - 112 Võ Văn Tần, cho rằng khó khăn nhất của công trình là phải trùng tu tòa nhà sát với phiên bản gốc nhất có thể. Do đó, để sửa chữa căn biệt thự này, đội ngũ của ông phải tìm ra được những vật liệu phù hợp, lựa chọn những nguyên vật liệu quý, hiếm rất khó tìm như gạch ceramic được thiết kế tại Việt Nam và sản xuất ở Pháp. Khung sắt ở lan can đặt tại Pháp, Đức và vận chuyển đường biển về Việt Nam lắp đặt. Kính thông gió, cửa kính được sản xuất từ những năm 20 của thế kỷ trước từ châu Âu. Tranh tường do họa sĩ chuyên nghiệp vẽ...
Công trình hiện cửa đóng then cài và được bảo vệ khá nghiêm ngặt - ĐÌNH SƠN
Để trùng tu căn biệt thự này, ông đã phải nhờ đến các chuyên gia và người lớn tuổi tại Huế, Đức, Ý để nghiên cứu về nước sơn, tranh tường cũng như phương pháp sơn, vẽ được sử dụng tại căn biệt thự. Ông cũng nhờ ông Sebastian, một bậc thầy về đồ sắt người Pháp hỗ trợ về các họa tiết trang trí bằng sắt được sử dụng trong căn biệt thự. Các chuyên gia đã cùng nhau nghiên cứu, khảo sát trong khoảng thời gian gần 3 năm. Dự kiến tòa nhà sẽ được hoàn thành vào cuối năm nay. Tuy nhiên, khi gần hoàn thành thì dự án phải dừng thi công./.
Nguồn: Đình Sơn/thanhnien.vn