Trong 67 mẫu bệnh phẩm nhiễm Omicron tại TP HCM được giải mã gene virus, có 24 mẫu là chủng BA.1 và 43 mẫu BA.2 còn gọi là chủng tàng hình.
Giám đốc Sở Y tế thành phố Tăng Chí Thượng cho biết thông tin trên tại cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 và phục hồi kinh tế, sáng 9/3.
"TP HCM hiện có mặt cả hai chủng và BA.2 chiếm ưu thế, điều này giải thích được tại sao dịch lây lan rất nhanh. Chúng ta không nên quá lo lắng vì biến chủng mới đã có tại thành phố rồi", ông Thượng nói.
Cũng theo ông Thượng, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khẳng định vaccine vẫn có khả năng bảo vệ cơ thể khi nhiễm biến chủng BA.2 nhưng không đủ sức để giúp cơ thể không bị lây nhiễm. Do vậy, chiến dịch tiêm chủng vaccine vẫn cần được đẩy mạnh.
Đây là lần đầu tiên chủng phụ Omicron BA.2 được ghi nhận tại Việt Nam. BA.2 được gọi là biến chủng tàng hình vì nó không chứa đột biến đặc trưng của Omicron, có thể phát hiện trong xét nghiệm PCR, được cho là có khả năng lẩn tránh test nhanh.
Theo các nghiên cứu trên thế giới, BA.2 không gây triệu chứng nghiêm trọng hơn chủng Omicron gốc BA.1, song lây truyền nhanh hơn. BA.2 khác với BA.1 ở trình tự di truyền, có sự thay đổi về axit amin trong protein gai và các protein khác. Nghiên cứu cho thấy BA.2 có lợi thế tăng trưởng hơn BA.1. Các nhà khoa học đã ghi nhận một số ca tái nhiễm BA.2 sau khi nhiễm BA.1, tức là mắc Omicron hai lần, tuy nhiên miễn dịch tự nhiên từ BA.1 đủ mạnh mẽ chống BA.2.
Giám đốc Sở Y tế TP HCM Tăng Chí Thượng báo cáo tại cuộc họp sáng nay. Ảnh: Hữu Công
Theo lãnh đạo Sở Y tế, tính đến sáng nay thành phố ghi nhận hơn 93.000 F0, phần lớn điều trị tại nhà. 4.815 ca đang điều trị ở bệnh viện tầng 2 và 552 ca điều trị ở bệnh viện tầng 3; 63 ca thở máy xâm lấn. Các trường hợp nặng tập trung vào nhóm trên 65 tuổi, chưa tiêm vaccine, nhiều bệnh nền.
Từ ngày 1-7/3, TP HCM ghi nhận gần 37.500 ca nghi nhiễm trong trường học, gần gấp đôi so với tuần liền kề trước đó. 454 trường xuất hiện F0. Số ca nghi nhiễm tăng đều ở các khối, trong đó cao nhất là khối tiểu học.
Lý do F0 tăng trong trường học, theo Sở Y tế, là do các trường chủ động tầm soát học sinh, giáo viên, người lao động có triệu chứng; xét nghiệm định kỳ F1, gia đình tự test nhanh cho học sinh...
Ghi nhận tại 3 bệnh viện Nhi, hiện có 20 ca cần hỗ trợ hô hấp (12 ca ở tỉnh); 5 ca thở máy xâm lấn (4 ca tỉnh)...
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi nói rằng các chuyên gia dự báo thành phố sẽ có thêm một làn sóng dịch nữa. Do đó, Sở Y tế cần phân tích, đánh giá để nhận định đúng tình hình dịch bệnh và đưa ra giải pháp phù hợp.
Bên cạnh đó, sau 3 tuần tổ chức học trực tiếp phát sinh nhiều ca lây nhiễm dù thành phố đã có sự chuẩn bị, các đơn vị liên quan cần cập nhật và điều chỉnh các giải pháp như thế nào để đảm bảo an toàn cho học sinh. Tránh tình trạng một số nơi làm cực đoan, nơi làm lơ là./.
Nguồn: Hữu Công/vnexpress.net