Bệnh sởi và những biến chứng không ngờ mà bạn cần phải biết

Phiên bản để inGửi EmailPhiên bản PDF
Bệnh sởi và những biến chứng không ngờ mà bạn cần phải biết

Dù phổ biến nhất ở trẻ em nhưng mọi đối tượng vẫn có thể mắc bệnh sởi và nếu không kiểm soát kịp thời, dịch sởi bùng phát có thể gây ra những hậu quả vô cùng nghiêm trọng.

Thời gian gần đây, Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và các tỉnh, thành khu vực phía Nam nói chung đang ghi nhận sự quay trở lại của bệnh sởi.

Đáng lo ngại, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tỷ lệ tiêm chủng vaccine sởi trong cộng đồng đang rất thấp, tạo nên những “khoảng trống miễn dịch” khiến nguy cơ sởi bùng phát là rất lớn.

Không chỉ tại Việt Nam, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo số ca bệnh sởi đang gia tăng khắp châu Âu trong năm thứ hai liên tiếp và sẽ sớm vượt quá con số được ghi nhận vào năm 2023. WHO kêu gọi các nước tăng cường nỗ lực tiêm chủng.

Bệnh sởi do virus gây ra và dễ lây lan qua trò chuyện, ho hoặc hắt hơi. Bệnh này phổ biến nhất ở trẻ em, nhưng mọi đối tượng vẫn có thể mắc. Nếu không kiểm soát kịp thời, dịch sởi bùng phát có thể gây ra những hậu quả vô cùng nghiêm trọng, đặc biệt là với trẻ nhỏ. Vậy triệu chứng của sởi là gì? Cần cách ly bao nhiêu ngày để tránh lây lan bệnh?

1. Triệu chứng của bệnh sởi

Virus sởi có hình cầu, đường kính rất nhỏ Khi người bệnh nói chuyện, ho hoặc hắt hơi, virus gây bệnh có thể phát tán ra ngoài không khí. Người chưa có miễn dịch hít vào sẽ bị lây bệnh. Chính vì tốc độ lây lan nhanh chóng mà sởi trở thành một trong những bệnh truyền nhiễm đáng lưu ý. Dịch sởi bùng phát rất khó kiểm soát, dễ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm.

Các triệu chứng của sởi bao gồm sốt cao từ 39-40 độ C, người nhức mỏi, mắt đỏ do viêm kết mạc, mũi chảy dịch, chảy máu cam, ho, hắt hơi, đau họng, chán ăn, người xuất hiện các nốt phát ban đỏ li ti.

Các nốt phát ban thường mọc ở mặt, vùng vai gáy trước rồi lan dần ra khắp cơ thể. Trong quá trình phát ban, người bệnh sẽ sốt, đau mỏi cơ liên tục cho đến khi các nốt ban phủ kín từ đầu đến chân.

Sau vài ngày, các nốt ban sẽ bay dần đi tạo thành các vết thâm da. Khoảng 1-2 tuần sau các vết thâm mới biến mất. Thông thường, bệnh sởi kéo dài khoảng từ 7-10 ngày.

Trong thời gian bị bệnh, sức đề kháng của cơ thể suy giảm nhanh chóng, người bệnh dễ gặp phải các biến chứng như tiêu chảy cấp, viêm tai giữa, viêm phổi, viêm phế quản, thậm chí là viêm não, mù lòa, viêm cơ tim... Phụ nữ mang thai mắc bệnh sởi có thể bị sảy thai, sinh non hoặc gây dị tật thai nhi.

(Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)

2. Bệnh sởi lây truyền như thế nào?

Sởi là bệnh truyền nhiễm rất nguy hại mà bất cứ ai chưa được gây miễn dịch đều có thể mắc phải, đặc biệt là trẻ em. Hơn 90% người dưới 20 tuổi đã bị mắc bệnh sởi, nhất là lứa tuổi trước thời kỳ tiêm chủng. Đây là một trong những căn bệnh gây tử vong hàng đầu cho trẻ nhỏ dưới 5 tuổi.

Bệnh sởi có thời gian ủ bệnh kéo dài từ 12-15 ngày, có trường hợp lên đến 20 ngày. Thời gian bệnh dễ lây truyền nhất là khoảng 4 ngày trước khi phát ban cho đến 4-5 ngày sau khi phát ban. Trong đó 4 ngày trước khi phát ban là thời kỳ lây truyền mạnh mẽ nhất, do chính bản thân người bệnh không biết mình đang mắc bệnh, vẫn tiếp xúc bình thường với mọi người xung quanh.

(Ảnh: Getty)

3. Cách điều trị

Do bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao nên việc phòng ngừa bệnh, tránh tình trạng lây lan trong cộng đồng là điều bố mẹ cần chú ý. Mọi người cần giữ vệ sinh cá nhân, vệ sinh nhà cửa và môi trường chung quanh, giữ gìn nơi sinh hoạt thông thoáng, sạch sẽ.

Với trẻ đã nhiễm bệnh sởi, cần phải được ở phòng thoáng, đủ ánh sáng, nghỉ ngơi, ngủ đủ, vệ sinh răng miệng. Tuyệt đối tránh các tập tục kiêng nước, kiêng gió, kiêng ăn.

Trẻ mắc bệnh sẽ chán ăn, khi đó cha mẹ nên để trẻ ăn đồ ăn lỏng, dễ tiêu, kết hợp tăng cường dinh dưỡng bằng các thức ăn giàu vitamin A.

Nhỏ mũi, mắt bằng dung dịch nước muối sinh lý hoặc dung dịch nhỏ mắt mũi 3-4 lần/ngày.

Trẻ cũng cần uống đủ nước, nước oresol hoặc nước hoa quả. Khi trẻ tiêu chảy còn phải bổ sung nước hoặc cho bú nhiều hơn.

Khi phát hiện các dấu hiệu bệnh nặng như mệt, li bì, kém ăn, khó thở, tiêu chảy, ho nhiều, ban lặn nhưng vẫn sốt… bố mẹ cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để điều trị kịp thời.

Phụ nữ mang thai bị mắc sởi đến bệnh viện gần nhất để được tư vấn và có pháp đồ điều trị trong thời gian thai kỳ.

Các chuyên gia lo ngại về nguy cơ bệnh sởi có thể bùng phát khi tỷ lệ tiêm chủng vaccine vẫn rất thấp. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)

4. Biến chứng nguy hiểm của bệnh sởi

Thông thường, những người mắc bệnh sởi bắt đầu hồi phục ngay khi phát ban xuất hiện và cảm thấy bình thường trở lại sau khoảng hai đến ba tuần.

Nhưng có tới 40% bệnh nhân bị biến chứng do virus sởi, thường xảy ra ở trẻ nhỏ (trẻ em dưới 5 tuổi), ở người lớn trên 20 tuổi và ở bất kỳ ai khác nếu suy dinh dưỡng hoặc suy giảm miễn dịch. Trẻ em dưới 5 tuổi có xác suất tử vong cao nhất.

Bệnh sởi có thể gây ra cho bệnh nhân một số biến chứng nguy hiểm sau đây.

Biến chứng tai-mũi-họng, vùng khoang miệng: Thường gặp là viêm mũi họng bội nhiễm, viêm tai và viêm tai xương chũm. Viêm niêm mạc miệng hay xảy ra ở giai đoạn đầu của bệnh sởi là do virus sởi, thường hết cùng với ban. Biến chứng có thể xảy ra ở giai đoạn muộn của bệnh sởi, thường do bội nhiễm.

Biến chứng đường hô hấp thường là viêm phế quản, viêm phế quản phổi, viêm thanh quản: Các biến chứng này do bội nhiễm, thường xuất hiện sau thời kỳ hay cuối thời kỳ mọc ban. Diễn biến bệnh thường là ho, sốt, nghe phổi có ran phế quản, bạch cầu tăng, khó thở, tím tái.

Biến chứng viêm phổi: Bệnh nhân bị bội nhiễm các loại vi khuẩn khác, thời điểm xuất hiện biến chứng thường muộn sau khi phát ban hoặc có thể đồng thời trong khi phát ban.

Biến chứng thần kinh: Là biến chứng nguy hiểm của bệnh sởi.

Viêm não, màng não, tủy cấp: Đây là biến chứng nguy hiểm gây tử vong và di chứng cao, thường gặp ở trẻ lớn. Triệu chứng bệnh khởi phát đột ngột, người bệnh sốt cao vọt, có thể co giật, rối loạn ý thức như hôn mê, liệt nửa người hoặc một bên chi, liệt dây thần kinh số 3, 7.

(Ảnh: Getty)

Biến chứng mắt-loét giác mạc: Có thể gặp ở trẻ em bị suy dinh dưỡng, thiếu vitamin A, biến chứng này có thể để lại di chứng mù vĩnh viễn.

Ngoài ra, một số biến chứng khác có thể xảy ra như tiêu chảy và nôn ói, thường xảy ra cho trẻ nhỏ, nhất là trẻ từ 1 tháng đến 1 năm tuổi; suy dinh dưỡng nặng ở trẻ em hậu nhiễm sởi, làm ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ; phụ nữ có thai mắc bệnh sởi có thể bị sảy thai, sinh non hay sinh trẻ nhẹ cân.

5. Cách phòng tránh

- Cách ly, hạn chế tiếp xúc với người bệnh, người nghi bị nhiễm bệnh.
- Nếu có tiếp xúc với người bệnh cần rửa tay, sát khuẩn sạch sẽ.
- Giữ gìn vệ sinh cá nhân, nơi ở, nơi làm việc thoáng mát, sạch sẽ.
- Nếu dịch sởi bùng phát cần hạn chế đến nơi tập trung đông người.
- Tiêm phòng vaccine sởi./.

Nguồn: vietnamplus.vn