Bầu cử Tổng thống Mỹ 2024: Ông Trump bất ngờ giành lợi thế, bà Harris gặp khó ở chặng nước rút

Phiên bản để inGửi EmailPhiên bản PDF
Bầu cử Tổng thống Mỹ 2024: Ông Trump bất ngờ giành lợi thế, bà Harris gặp khó ở chặng nước rút

Số lượng cử tri Cộng hòa bỏ phiếu sớm tăng vọt so với cách đây 4 năm, tạo lợi thế bất ngờ cho ứng viên Cộng hòa Donald Trump trước thềm bầu cử.

Theo số liệu thống kê của Đại học Florida, hơn 23 triệu cử tri Mỹ đã đi bỏ phiếu sớm bằng hình thức trực tiếp hoặc qua thư điện tử. Con số này tăng vọt so với năm 2020. Đặc biệt, số lượng cử tri Cộng hòa bỏ phiếu sớm tăng vọt so với cách đây 4 năm, một lợi thế đối với ứng viên Cộng hòa Donald Trump trước thềm bầu cử.

Tại Nevada, số cử tri Cộng hòa bỏ phiếu sớm trực tiếp chiếm 52% tính đến cuối ngày 21/10, trong khi đảng Dân chủ là 28%. Ở Arizona, khoảng nửa triệu cử tri đã bỏ phiếu tính đến cuối tuần qua. Lượng bỏ phiếu của cử tri Cộng hòa tương đương cách đây 4 năm, trong khi đảng Dân chủ thấp hơn nhiều.

Tại Pennsylvania, hơn 1 triệu cử tri bỏ phiếu qua thư tính đến sáng 22/10. Trong đó, 650.000 phiếu của cử tri Dân chủ, 300.000 phiếu của đảng Cộng hòa. Năm 2020, bang này có hơn 2,6 triệu cử tri bỏ phiếu qua thư. "Đảng Cộng hòa đang quay trở lại với thành tích truyền thống của họ, hoặc đảng Dân chủ đang hoạt động kém hơn đáng kể. Nhưng còn quá sớm để đưa ra kết luận", cố vấn của đảng Cộng hòa Paul Bentz nói.

Ông Trump bất ngờ chiếm ưu thế nhờ bỏ phiếu sớm. Ảnh: Reuters

Ông Trump bất ngờ chiếm ưu thế nhờ bỏ phiếu sớm. Ảnh: Reuters

Theo Hiến pháp, công dân Mỹ từ đủ 18 tuổi trở lên đều có thể tham gia bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử. Tuy nhiên trong mỗi kỳ bầu cử luôn có một bộ phận lớn người dân không muốn đi bỏ phiếu, do không quan tâm tới chính trị hay đơn giản là không thích các ứng cử viên.

Sức mạnh của việc bỏ phiếu sớm sẽ rất quan trọng đối với chiến dịch tranh cử của cả cựu Tổng thống Donald Trump và Phó Tổng thống Kamala Harris năm nay. Khoảng 2 tuần trước ngày bầu cử, cả ông Trump và bà Harris đều dốc sức vận động tranh cử tại các bang chiến trường với hy vọng thuyết phục những cử tri còn do dự tại đây.

Năm nay, 7 bang được xem là sẽ chi phối cục diện bầu cử tổng thống ở Mỹ gồm Wisconsin, Michigan, Pennsylvania, Nevada, Arizona, Georgia và North. Trong khi đó, Phó Tổng thống Kamala Harris đang đối mặt với những thách thức ngày càng lớn trong việc khẳng định vị thế chính trị của mình.

Tại một sự kiện ở vùng ngoại ô Milwaukee, cùng với cựu nghị sĩ đảng Cộng hòa Liz Cheney, Phó Tổng thống Harris đã có những phát biểu gay gắt chỉ trích cựu Tổng thống Donald Trump. Tuy nhiên, những gì bà Harris thể hiện không đủ để chinh phục những cử tri còn lưỡng lự.

Một khảo sát của Pew Research vào đầu năm 2024 cho thấy 65% cử tri đã quyết định không ủng hộ cựu Tổng thống Trump chủ yếu vì những vụ bê bối liên quan đến cá nhân ông. Nhưng điều đó không có nghĩa là họ sẽ bỏ phiếu cho một ứng cử viên đảng Dân chủ. Các cử tri trung lập mong đợi một chương trình hành động rõ ràng hơn.

Bà Harris không chỉ thiếu những cam kết về chính sách cụ thể mà còn không đề cập đến những lĩnh vực mà bà sẵn lòng hợp tác với đảng Cộng hòa. Ví dụ, vấn đề kinh tế và đối ngoại, những lĩnh vực mà sự hợp tác lưỡng đảng có thể tạo ra khác biệt lớn, đã hoàn toàn bị bỏ qua. Nhiều đảng viên Dân chủ đã bắt đầu lo ngại về chiến lược của bà Harris./.

Nguồn: Phương Uyên/doisongphapluat.com.vn