Bầu cử 'siêu chủ nhật' ở châu Âu

Phiên bản để inGửi EmailPhiên bản PDF
Bầu cử 'siêu chủ nhật' ở châu Âu

Hôm qua, cử tri 21 quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu (EU) đã đến các phòng phiếu để chọn ra các nghị sĩ đại diện nước họ tham gia Nghị viện Châu Âu nhiệm kỳ mới, theo Reuters.

Mùa bầu cử năm nay bắt đầu ngày 6.6 ở Hà Lan và một số nước trong hai ngày 7 - 8.6, nhưng hôm 9.6 mới là ngày quyết định, với Pháp, Đức, Ba Lan, Tây Ban Nha mở cửa phòng phiếu và Ý tiến hành bỏ phiếu ngày thứ hai. Cuộc bầu cử năm nay sẽ định hình cơ quan quyền lực của EU là Ủy ban Châu Âu nhiệm kỳ kế tiếp, trong bối cảnh EU đối mặt với những thách thức toàn cầu đầy khó khăn, như sức ép gia tăng từ Nga, áp lực cạnh tranh công nghiệp đến từ Trung Quốc và Mỹ, biến đổi khí hậu và di dân.

Cử tri Thụy Điển đi bỏ phiếu ngày 9.6 - Reuters

Nghị viện Châu Âu cho biết kết quả thăm dò tại các phòng phiếu trên toàn khối được công bố vào khoảng 1 giờ 30 sáng hôm nay (10.6). Kết quả tạm thời đầu tiên được công bố sau 4 giờ sáng khi Ý hoàn tất vòng bỏ phiếu. AFP dẫn các cuộc khảo sát ý kiến dự đoán sự trỗi dậy của cánh cực hữu, trong khi thế đa số của phe trung hữu và trung tả bị giảm sút. Tại Hà Lan, cuộc thăm dò ở các phòng phiếu hôm 6.6 đã cho thấy đảng Tự do chống di dân của chính khách cực hữu Geert Wilders dự kiến giành được 7 trong số 29 ghế nghị sĩ ở Nghị viện Châu Âu, trong khi không được ghế nào vào năm bầu cử 2019.

So với năm 2019, hiện các đảng dân túy hoặc cực hữu đang dẫn đầu chính phủ ở 3 quốc gia thành viên EU là Hungary, Slovakia và Ý, hoặc là một phần của liên minh cầm quyền ở Thụy Điển, Phần Lan và sắp tới là Hà Lan. Các cuộc khảo sát cũng ghi nhận phong trào dân túy đang tận hưởng lợi thế ở Pháp, Bỉ, Áo và Ý. Nguyên nhân chính là nhiều cử tri châu Âu sau thời gian chật vật vì sinh kế do chi phí sinh hoạt đắt đỏ cảm thấy được thuyết phục bởi những luận điểm của phe dân túy. Làn sóng di dân đến châu Âu gia tăng do xung đột cũng góp phần vào tâm lý lo ngại của không ít cử tri./.

Nguồn: Thụy Miên/thanhnien.vn