Bão Mặt trời quét qua Trái đất trong hôm nay

Phiên bản để inGửi EmailPhiên bản PDF
Bão Mặt trời quét qua Trái đất trong hôm nay

Trái đất nằm trên đường đi của cơn bão Mặt trời và sẽ bị các từ trường của Mặt trời quét qua trong ngày hôm nay 10.3.

Bão Mặt trời hay còn gọi là các vụ phun trào nhật hoa (CME), nếu đủ mạnh có thể tàn phá các hệ thống điện trên Trái đất bằng cách tương tác với từ trường của hành tinh chúng ta. Tuy nhiên, CME quét qua Trái đất vào ngày 10.3 dự kiến ​​sẽ không gây ra bất kỳ vấn đề nào.

Trước đó Spaceweather.com đưa tin, bão Mặt trời "có thể lướt qua từ trường của Trái đất vào ngày 10.3" sau khi phun trào khỏi bề mặt Mặt trời hôm 7.3. Nó có thể gây ra một cơn bão địa từ cấp G1.

Tính đến sáng 9.3, Trung tâm Dự báo Thời tiết Không gian Mỹ (SWPC), trực thuộc Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia, đã không đưa ra cảnh báo về ảnh hưởng của CME và cũng không cảnh báo về một cơn bão G1.

Bão G1 là loại bão địa từ ở mức nhỏ nhất - sự kiện thời tiết không gian xảy ra khi từ trường của Trái đất bị nhiễu loạn bởi năng lượng mặt trời. Cơn bão G1 có thể ảnh hưởng chút ít đến hoạt động của vệ tinh và làm hệ thống lưới điện biến động không đáng kể. Ngoài ra, nó cũng gây ra hiện tượng cực quang ở khu vực phía bắc nước Mỹ.

Bão mặt trời dự kiến sẽ quét qua Trái đất trong ngày hôm nay 10.3. Ảnh: NASA

Trong khi đó, bão G5 là loại nghiêm trọng nhất. Bão G5 có khả năng gây mất kiểm soát điện áp trên diện rộng, thậm chí hệ thống lưới điện có thể bị sập hoàn toàn. Các tàu vũ trụ sẽ gặp khó khăn trong việc định hướng và trao đổi dữ liệu. Việc truyền sóng vô tuyến tần số cao sẽ bị gián đoạn trong nhiều ngày. 

Rất may, những sự kiện cực đoan như bão địa từ G5 là rất hiếm, nhưng những cơn bão lớn xảy ra thường xuyên hơn. Vào năm 2021, SWPC đã ban hành cảnh báo theo dõi bão địa từ G3 trong khoảng thời gian từ ngày 30.10 đến ngày 31.10 sau một vụ CME xảy ra vào 28.10.

Cơn bão địa từ dữ dội nhất trong lịch sử, được gọi là sự kiện Carrington, xảy ra vào năm 1859 đã làm cháy nhiều trạm điện báo, khuếch đại cực quang trên toàn cầu.

CME xảy ra khi từ trường của Mặt trời bị xoắn lại bởi sự chuyển động ở bên trong. Cuối cùng thì năng lượng tích tụ này được giải phóng, từ trường nổ tung và phun một lượng lớn ra ngoài không gian. CME là những đám mây khổng lồ gồm các hạt từ, được giải phóng sau vụ nổ đó, và nó chỉ mất vài ngày để đi từ Mặt trời đến Trái đất./.

Nguồn: Cúc Phương/laodong.vn