Biến động trái chiều giữa tiền gửi của người dân và doanh nghiệp

Phiên bản để inGửi EmailPhiên bản PDF
Biến động trái chiều giữa tiền gửi của người dân và doanh nghiệp

Tiền gửi của người dân trong năm 2021 chỉ tăng khoảng 3,08% so với cùng kỳ, trong khi đó tiền gửi của các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế vẫn giữ đà tăng trưởng mạnh ở mức 15,73% so cuối năm 2020.

Trong khoảng chục năm trở lại đây, số dư tiền gửi của người dân luôn được ghi nhận ở mức cao hơn so với tiền gửi của doanh nghiệp, tổ chức kinh tế. Tuy nhiên, số liệu thống kê mới nhất của Ngân hàng Nhà nước trong năm qua đã cho thấy sự thay đổi đáng kể.

Cụ thể, tiền gửi của người dân trong năm 2021 chỉ tăng khoảng 3,08% so với cùng kỳ, trong khi đó tiền gửi của các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế vẫn giữ đà tăng trưởng mạnh ở mức 15,73% so cuối năm 2020.

Đáng chú ý, với số dư 5,64 triệu tỷ đồng, tiền gửi của của nhóm khách hàng doanh nghiệp đã vượt qua số dư tiền gửi của nhóm khách hàng cá nhân (5,3 triệu tỷ đồng).

Trước đó, chênh lệch giữa tiền gửi ngân hàng của người dân và tiền gửi của doanh nghiệp luôn ở mức từ vài trăm nghìn tỷ đồng cho tới cả triệu tỷ đồng. Tuy nhiên, khoảng cách này liên tục thu hẹp trong 3 năm trở lại đây, nhất là từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát.

Nhìn lại năm 2019, chênh lệnh tiền gửi giữa 2 nhóm khách hàng là hơn 867 nghìn tỷ đồng, giảm khoảng 16% so với năm trước đó. Đến năm 2020, chênh lệch này chỉ còn gần 264 nghìn tỷ đồng, tiếp tục giảm sâu đến gần 70% so với cuối năm 2019.

Kết thúc năm 2021, chênh lệch đã đảo chiều, lượng tiền gửi ngân hàng của người dân ít hơn gần 345 nghìn tỷ đồng so với nhóm khách hàng doanh nghiệp.

Ảnh minh họa. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Theo giới phân tích, dòng tiền đã có sự dịch chuyển và nguyên nhân chủ yếu do lãi suất ngân hàng neo thấp trong một thời gian dài.

Phó Giáo sư-Tiến sỹ Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính nhìn nhận do ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19, thu nhập của nhiều người dân bị ảnh hưởng. Mặt khác, lãi suất ngân hàng trong 2 năm qua luôn được giữ ổn định ở mức thấp nhằm tạo điều kiện hỗ trợ giảm lãi suất cho vay. 

"Thu nhập giảm, tiền lãi gửi 1 năm chưa đến 7%, nhiều người dân không còn mặn mà gửi tiền vào ngân hàng. Thay vào đó họ tìm đến những kênh đầu tư khác sinh lời cao hơn như: chứng khoán, bất động sản..." - Phó Giáo sư-Tiến sỹ Đinh Trọng Thịnh cho biết.

Thực tế cho thấy, không khó để quan sát sự dịch chuyển này khi trong năm 2021, có tới hơn 1,5 triệu tài khoản chứng khoán được nhà đầu tư trong nước mở mới, bằng 4 năm trước cộng lại.

Đặc biệt, chỉ trong 2 tháng đầu năm 2022, nhà đầu tư nội đã mở mới hơn 405.000 tài khoản chứng khoán, lớn hơn tổng lượng tài khoản mở mới trong cả năm 2020. Như vậy, tổng số tài khoản chứng khoán nhà đầu tư trong nước hiện đạt hơn 4,7 triệu, tương đương khoảng 4,8% dân số.

Đối với các doanh nghiệp, đại dịch COVID-19 trong hơn 2 năm qua đã khiến chuỗi cung ứng đứt gãy, hoạt động sản xuất kinh doanh bị gián đoạn. Do đó, thay vì đầu tư mở rộng kinh doanh, nhiều chủ doanh nghiệp có tâm lý tích lũy chờ thời cơ phục hồi.

Ông Hoàng Anh, chủ của 2 nhà hàng ăn uống tại quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết: "Dịch bệnh phải giãn cách nhiều tháng khiến 2 nhà hàng của công ty thường xuyên trong trạng thái đóng cửa hoặc nếu mở thì cũng rất ít khách. Vì vậy, chúng tôi ưu tiên gửi tiền vào ngân hàng, thay vì mở rộng hoạt động để đề phòng rủi ro và cũng để dành vốn tái đầu tư khi tình hình dịch bệnh ổn định."

Theo chia sẻ của một lãnh đạo ngân hàng thương mại, lượng tiền gửi của doanh nghiệp tăng nhanh chủ yếu dưới dạng tiền gửi thanh toán, tiền gửi không kỳ hạn, giúp ngân hàng có chi phí vốn thấp hơn, tạo điều kiện hạ mặt bằng lãi suất cho vay và tăng khả năng cạnh tranh. Nhưng cũng chính vì tiền gửi không kỳ hạn nên ngân hàng cũng phải nâng cao quản trị, cân đối nguồn vốn để đảm bảo tuân thủ chặt chẽ các quy định về an toàn vốn.

Bộ phận phân tích của Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research) cho rằng, dự báo trong năm 2022, chênh lệch số dư tiền gửi ngân hàng của người dân và các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế sẽ được cải thiện khi mặt bằng lãi suất huy động dự kiến tăng nhẹ trong nửa cuối năm nay, mức tăng vào khoảng 0,2-0,25 điểm %.

Thực tế từ sau Tết Nguyên đán đến nay, một số ngân hàng đã tăng lãi suất huy động tại nhiều kỳ hạn. Lãi suất cao nhất hệ thống hiện lên tới 7,6%/năm tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), 7,1%/năm tại Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), 7%/năm tại Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB).

Một số ngân hàng khác cũng có lãi suất tiết kiệm tương đối cạnh tranh như: Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) 6,99%/năm, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) 6,9%/năm, Ngân hàng TMCP Việt Á (Viet A Bank) 6,9%/năm, Ngân hàng TMCP Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank) 6,85%/năm...

Tuy vậy, các ngân hàng đều có điều kiện riêng về số tiền gửi tối thiểu và kỳ hạn gửi cho các mức lãi suất này chứ không cào bằng với mọi khoản tiền gửi.

Trước những diễn biến lạc quan trong kiểm soát dịch bệnh và khả năng phục hồi của nền kinh tế, giới chuyên gia kỳ vọng lượng tiền gửi dồi dào của các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế và người dân sẽ giúp nâng cao tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng và là động lực thúc đẩy, hỗ trợ phục hồi sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới./.

Nguồn: Lê Phương/vietnamplus.vn