Chi phí phá dỡ 12 ụ bê tông tại sân bay Tân Sơn Nhất sẽ được giảm bớt do các bên thống nhất không phá dỡ kết cấu nền móng.
Trong báo cáo gửi Bộ GTVT, Ban quản lý dự án Mỹ Thuận cho biết nhà thầu thực hiện công tác phá dỡ 12 ụ bê tông tại sân bay Tân Sơn Nhất đã làm việc với đơn vị quản lý sân bay để triển khai tiếp cận hiện trường.
Về phương án thi công, các bên thống nhất chỉ phá dỡ phần vách nổi, không phá dỡ nền bê tông và móng ngầm do phần này không cản trở việc di chuyển của máy bay. Việc phá dỡ thân ụ phải đảm bảo cao độ sau phá dỡ bằng cao độ nền xung quanh, có mặt bằng chuyển tiếp êm thuận.
Trước đó, hệ thống mương thoát nước thuộc dự án cải tạo đường băng cũng được thiết kế vòng tránh qua phần móng ụ bê tông.
Nhà thầu đang phối hợp với sân bay Tân Sơn Nhất để chuẩn bị phá dỡ 12 ụ bê tông. Ảnh: Ngọc Tân.
Về chi phí phá dỡ 12 ụ bê tông, các bên đã thống nhất để Bộ Quốc phòng lựa chọn nhà thầu phá dỡ và thông báo lại chi phí. Bộ GTVT sẽ dùng nguồn tiền từ dự án cải tạo, nâng cấp đường băng sân bay Tân Sơn Nhất để chuyển trả cho Bộ Quốc phòng.
Vấn đề đặt ra là số tiền dành cho hạng mục phá dỡ 12 ụ bê tông trong dự án cải tạo đường băng chỉ có 8,4 tỷ đồng, trong khi Quân chủng Phòng không Không quân ước tính chi phí phá dỡ 12 ụ bê tông lên tới 15,8 tỷ đồng (bao gồm 1,4 tỷ đồng dự phòng).
PMU Mỹ Thuận cho biết sau khi thống nhất cắt giảm hạng mục phá dỡ, chi phí ước tính sẽ giảm. đơn vị đang chờ Quân chủng Phòng không Không quân tính toán lại chi phí.
Do tiến độ phá dỡ cần thực hiện gấp, PMU kiến nghị Bộ GTVT chuyển trước cho Bộ Quốc phòng 8,4 tỷ đồng. Trường hợp chi phí sau tính toán nhỏ hơn 8,4 tỷ đồng, phần tiền dư sẽ được chuyển trả lại cho dự án. Trường hợp chi phí lớn hơn 8,4 tỷ đồng, PMU Mỹ Thuận kiến nghị Bộ GTVT điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu tư dự án cải tạo đường băng để có đủ kinh phí chuyển cho Bộ Quốc phòng.
12 ụ bê tông tại sân bay Tân Sơn Nhất được thiết kế hình chữ U, có chức năng làm nơi trú ẩn cho máy bay chiến đấu để tránh pháo kích. Công trình được xây dựng từ trước năm 1975. Sau Giải phóng, quân đội tiếp quản các hạng mục này nhưng không sử dụng nhiều.
Từ tháng 7/2020, Chính phủ đã đầu tư 2.000 tỷ đồng để nâng cấp đường băng Tân Sơn Nhất, xây dựng thêm 1 đường lăn song song để tăng tốc độ giải tỏa máy bay.
Tuy nhiên, một đoạn đường lăn xây mới bị vướng 12 ụ bê tông của quân đội nên chưa thể đưa vào khai thác các máy bay code E trở lên (code E gồm các loại Boeing 787, Airbus 330 hoặc tương đương)./.
Nguồn: Ngọc Tân/zingnews.vn