Vụ chìm cano ở Hội An: Dấu hiệu vi phạm khi thuyền trưởng tháo "hộp đen"?

Phiên bản để inGửi EmailPhiên bản PDF
Vụ chìm cano ở Hội An: Dấu hiệu vi phạm khi thuyền trưởng tháo "hộp đen"?

Sau khi cano chở khách khiến 17 người tử vong bị chìm, việc thuyền trưởng quay lại hiện trường lấy thiết bị vô tuyến điện thì luật sư cho rằng, cần làm rõ động cơ của ông này.

Như Lao Động đưa tin, cơ quan điều tra đang làm rõ vụ chìm cano chở 39 người khiến 17 người tử vong ở Cửa Đại, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam.

Hôm 2.3, Cục Đường thuỷ - Bộ Giao thông vận tải đã có báo cáo chi tiết, trong đó chỉ ra một số sai phạm liên quan đến vụ tai nạn.

Lãnh đạo Cục Đường thuỷ cho biết, cano xảy ra tai nạn được cấp giấy chứng nhận đăng ký phương tiện đường thuỷ nội địa vào tháng 1.2020.

Thời điểm đăng kiểm, phương tiện có đủ thiết bị liên lạc vô tuyến VHF và thiết bị giám sát hành trình AIS để giám sát tọa độ, tốc độ di chuyển.

Tuy nhiên, thiết bị AIS tại thời điểm đăng kiểm vẫn đầy đủ nhưng từ tháng 12.2020 đến nay, Trung tâm kiểm soát hoàn toàn không bắt được tín hiệu AIS của phương tiện này. Đặc biệt, trong thời điểm xảy ra vụ tai nạn cũng không bắt được tín hiệu.

Đây là các thiết bị rất quan trọng trong công tác tìm kiếm cứu nạn, cũng như xác định vị trí, tốc độ của phương tiện khi xảy ra tai nạn.

Đáng chú ý, sau khi cano bị chìm, người dân phát hiện thuyền trưởng đã quay lại hiện trường lấy thiết bị vô tuyến điện khỏi phương tiện.

Thuyền trưởng Lê Sen khẳng định cano bị lật không phải do mắc cạn. Ảnh: Thanh Chung

Theo dõi vụ việc, ông Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng, để có căn cứ xác định nguyên nhân vụ tai nạn trên cần phải đợi kết quả điều tra từ cơ quan công an.

Tuy nhiên, luật sư Thơm cho hay, quá trình điều tra cần thiết phải trưng cầu giám định thiết bị liên lạc vô tuyến VHF và thiết bị giám sát hành trình AIS trên cano để làm căn cứ xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Thông tin AIS thu được là rất quan trọng cho điều tra tai nạn vì nó cung cấp dữ liệu chính xác về thời gian, nhận dạng, vị trí theo bản đồ GPS, định hướng la bàn, khoảng cách với đáy biển, tốc độ (log/SOG) và tần suất đổi hướng.

Nắm đầy đủ thông tin về hệ thống VTS sử dụng AIS giúp thuyền trưởng chủ động trong hoạt động điều động tàu, nâng cao công tác bảo đảm an toàn hàng hải. Đồng thời, giúp người quản lý chủ động trong công tác giám sát thông tin tàu, chủ động điều chỉnh kế hoạch hoạt động các phương tiện trên biển đạt hiệu quả cao, nâng cao chất lượng phục vụ, an toàn và phát triển.

"Như vậy, sẽ có cơ sở xác định nguyên nhân ca nô bị chìm làm 17 người tử vong có lỗi của người điều khiển phương tiện hay không hay do rủi ro" - ông Thơm nói.

Liên quan đến việc thuyền trưởng tháo thiết bị quan trọng trên, luật sư cho rằng, cơ quan điều tra cần làm rõ động cơ, mục đích này. Bởi lẽ, thiết bị hành trình sẽ làm rõ được lái tàu có tuân thủ đúng tốc độ di chuyển cho phép, có đi đúng luồng quy định hay không. 

Đây cũng là cơ sở để xác định thuyền trưởng có dấu hiệu không tuân thủ đúng các quy tắc giao thông đường thủy, đi quá tốc độ cho phép... để dẫn tới cano bị lật, chìm hay không.

Nếu đủ cơ sở xác định, lái tàu sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội "Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy", theo khoản 3 Điều 272 Bộ luậ Hình sự với khung hình phạt từ 7-15 năm.

Ngoài ra, luật sư Thơm cũng cho rằng, cơ quan điều tra cần làm rõ việc cho phép chiếc cano hoạt động trong thời tiết không đủ điều kiện có đúng quy định hay không.

Bởi sáng sớm (26.2) trước khi chiếc cano gặp nạn, Đài Khí tượng thuỷ văn tỉnh Quảng Nam phát cảnh báo vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có gió Đông Bắc cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7. Biển động, sóng biển cao 2-3m.

Theo đó, phương tiện trên chỉ được hoạt động trong điều kiện thời tiết gió không quá cấp 5 Beaufort, chiều cao sóng không quá 2,5m.

"Như vậy, cơ quan điều tra sẽ làm rõ có hay không hành vi thiếu trách nhiệm khi để chiếc cano vẫn hoạt động trong điều kiện thời tiết này" - luật sư Thơm cho hay./.

Nguồn: Quang Việt/laodong.vn