Năm 2016, tổng cộng 11,5 triệu tệp dữ liệu từ công ty Mossack Fonseca được tiết lộ với tờ Sueddeutsche Zeitung của Đức và báo này đã chia sẻ với Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế.
Ngày 28/6, Thẩm phán Baloisa Marquinez của Panama đã tuyên trắng án cho 28 người bị buộc tội rửa tiền trong vụ bê bối mang tên "Hồ sơ Panama" liên quan đến công ty luật Mossack Fonseca của nước này.
Trong số những người được tuyên trắng án có 2 đồng sáng lập công ty luật Mossack Fonseca, là ông Jurgen Mossack và ông Ramon Fonseca. Ông Ramon Fonseca đã qua đời tháng 5 vừa qua tại một bệnh viện ở Panama.
Trước đó, trong phiên tòa được tổ chức tại thành phố Panama vào tháng 4, cơ quan công tố đã yêu cầu mức án 12 năm tù cho hai nhân vật này, tức là mức án tối đa cho tội rửa tiền.
Tuy nhiên, thẩm phán Marquinez nhận thấy rằng bằng chứng từ máy chủ của công ty luật đã không được thu thập theo đúng quy trình, làm dấy lên nghi ngờ về "tính xác thực và tính toàn vẹn" của các dữ liệu.
Thẩm phán cũng ra phán quyết rằng “các bằng chứng còn lại không đủ để xác định trách nhiệm hình sự của các bị cáo."
Văn phòng công ty luật Mossack Fonseca tại Panama City, Panama, ngày 30/3/2017. (Ảnh: AFP/ TTXVN)
Năm 2016, tổng cộng 11,5 triệu tệp dữ liệu từ công ty Mossack Fonseca được tiết lộ với tờ Sueddeutsche Zeitung của Đức và báo này đã chia sẻ với Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế.
Những dữ liệu rò rỉ này liên quan hàng loạt nhân vật danh tiếng và quan chức cấp cao của nhiều nước, làm rung chuyển các chính phủ, dẫn tới hàng loạt cuộc điều tra trên khắp thế giới và giáng một đòn mạnh vào danh tiếng của Panama như một trung tâm tài chính hải ngoại.
Năm 2018, Mossack Fonseca thông báo đóng cửa do "thiệt hại không thể khắc phục" đối với danh tiếng của công ty.
Sau vụ bê bối trên, Panama đã thông qua luật mới nhằm minh bạch tài chính, nhưng quốc gia Trung Mỹ này vẫn nằm trong danh sách đen của Liên minh châu Âu (EU) liên quan đến trốn thuế./.
Nguồn: Bích Liên/vietnamplus.vn