Vì sao TP.HCM nắng nóng gay gắt giữa mùa mưa ?

Phiên bản để inGửi EmailPhiên bản PDF
Vì sao TP.HCM nắng nóng gay gắt giữa mùa mưa ?

Đây là câu hỏi của người dân thành phố cũng như nhiều tỉnh thành Nam bộ trong những ngày qua.

Nắng nóng rát da

Cuối tuần trước, anh Hoàng Nguyễn ở Đắk Lắk về TP.HCM vì công việc. Cứ nghĩ thời tiết ở TP cũng mát mẻ giống như trên Buôn Ma Thuột nên anh mặc đồ đơn giản. Không ngờ, cứ chỗ nào không có quần áo che chắn thì nắng nóng rát cả da thịt. "Sao TP mình nắng nóng dữ vậy, không phải đang trong mùa mưa sao?", anh hỏi. Anh Long, người giữ xe cho một quán cà phê ở Q.1, nhận xét cứ tưởng mùa này mưa nhiều sẽ bớt nóng nhưng thực tế cũng nóng không kém gì giai đoạn sau tết. Công việc của anh ở ngoài trời suốt ngày, phơi nắng đến chóng mặt và cảm nhận sâu sắc sự thay đổi thời tiết ở TP.HCM nói riêng và khu vực phía nam nói chung.

Bám trụ vỉa hè để mưu sinh, chị Thanh, bán nước giải khát ở Q.3, đồng cảm: "Mùa này buôn bán rất cực. Hôm nào mưa nhiều thì không bán được, ngược lại như mấy hôm nay nắng nóng quá cũng ế vì ít người lân la hàng quán. Nguyên nhân là không khí oi bức khiến cho nhiều người dễ đổ mồ hôi nên ngại ra đường, thành ra hàng quán rong ế ẩm. Bán ế, tôi chỉ ngồi yên một chỗ cũng ra mồ hôi. Thời tiết bây giờ ngày càng nóng".

TP.HCM vẫn nắng nóng gay gắt dù đang giữa mùa mưa - Thịnh Nguyễn

Là người gốc Bắc vào TP.HCM làm việc hơn 20 năm nay, chị N.K (Q.4) từng mê mẩn thời tiết phía nam, dù ban ngày nắng bao nhiêu thì cứ 5 giờ chiều trời sẽ mát dịu, nếu có gió còn cảm giác hơi lạnh. Thế nhưng mấy năm gần đây, cái nóng kéo dài sâu vào buổi tối. "Đợt này nóng tới đêm, ngồi trong nhà cũng đổ mồ hôi. Thời tiết TP.HCM thay đổi một trời một vực so với thời tôi mới vào đây", chị N.K nói, không giấu vẻ tiếc nuối.

Cảm nhận của người dân là hoàn toàn chính xác. Theo Th.S Lê Đình Quyết, Trưởng phòng Dự báo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, những ngày đầu tháng 8, thời tiết các tỉnh thành Nam bộ ít mưa và nhiệt độ khá cao, không khí oi bức. Tính từ ngày 1 - 14.8, trên khu vực TP.HCM và các tỉnh Đông Nam bộ trung bình có 8,4 ngày mưa, tổng lượng mưa thấp hơn năm 2020 nhưng phổ biến cao hơn các năm khác. Cụ thể như ngày 14.8, nhiệt độ khu vực Nam bộ duy trì ở mức 34 - 36 độ C; ở TP.HCM cao nhất là tại Nhà Bè 35,3 độ C; ở Biên Hòa (Đồng Nai) đặc biệt đạt tới 36,1 độ C. Dù so với giá trị lịch sử thì vẫn chưa phải con số cao nhất nhưng đây là nhiệt độ khí tượng còn nhiệt độ cảm nhận tùy địa điểm cụ thể có thể cao hơn, đặc biệt là ở một đô thị như TP.HCM.

Dù vậy theo ông Lê Đình Quyết, giai đoạn này ít mưa cũng không phải là điều quá bất thường vì tháng 8 các năm trước vẫn diễn ra những đợt giảm mưa, mỗi đợt kéo dài từ 5 - 10 ngày. Nắng tăng, độ ẩm trong không khí cao gây nên cảm giác oi bức rất khó chịu. Nguyên nhân chính của tình trạng nắng nóng thời gian vừa qua do ở tầng thấp chịu tác động của vùng áp thấp nóng phía tây phát triển và mở rộng về phía đông nam, gây ra hiện tượng nắng nóng, nắng nóng gay gắt cho các tỉnh Bắc bộ, Trung bộ. Cùng với đó, trên cao có áp cao cận nhiệt đới lấn tây. Hai hình thái thời tiết này tạo ra hiện tượng nắng nóng cho nhiều vùng ở nước ta, trong đó có khu vực Nam bộ. Ngoài ra, ở Nam bộ gió mùa tây nam hoạt động với cường độ yếu hoặc trung bình nên mưa ít và nắng nóng tăng.

TP.HCM đang ấm lên

 

Trao đổi vấn đề này với PGS-TS Lê Anh Tuấn, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường ĐH Cần Thơ), ông lý giải từ đầu mùa mưa đến nay, Nam bộ có những trận mưa rất lớn nhưng không đồng đều giữa các khu vực. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của "hạn Bà chằn" nên mưa ít và nắng nóng nhiều hơn. Tuy nhiên, ông Lê Anh Tuấn đồng tình rằng không chỉ TP.HCM mà ngay cả như ở Cần Thơ và một số tỉnh thành khác ở ĐBSCL cũng đúng như cảm nhận của nhiều người về mức độ nắng nóng tăng hơn so với những năm trước. 

"Về nguyên lý chung thì chúng ta có thể giải thích là do tác động kéo dài của hiện tượng El Nino hay sự ấm lên toàn cầu của trái đất. Tuy nhiên, cũng phải có nghiên cứu thật sự khoa học và bài bản trước khi đưa ra kết luận vì ngoài những nguyên nhân từ tự nhiên cũng có những tác động đáng kể từ các hoạt động kinh tế - xã hội của con người", PGS-TS Lê Anh Tuấn nhận định.

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, đến thời điểm hiện tại hiện tượng ENSO vẫn duy trì trạng thái trung tính chứ chưa hoàn toàn chuyển qua La Nina. Dự báo từ tháng 9 - 10, ENSO mới chuyển sang trạng thái La Nina với xác suất 60 - 70%. Đáng chú ý là nhiệt độ trung bình nhiều nơi trên cả nước phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,5 - 1 độ C.

Trong khi đó, Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cho biết tháng 7.2024 là tháng thứ 14 liên tiếp nhiệt độ toàn cầu đạt mức cao kỷ lục, phá vỡ chuỗi kỷ lục cũ kéo dài từ tháng 5.2015 - 5.2016. Tháng 7 cũng là tháng ghi nhận nhiệt độ trung bình ngày toàn cầu cao nhất lịch sử và có hơn 10 địa điểm ở nhiều quốc gia khác nhau ghi nhận nhiệt độ trên 50 độ C. Ấm lên toàn cầu là xu hướng không thể đảo ngược và đang gia tăng nhanh chóng, nó không chỉ xảy ra đối với bầu khí quyển và cả bề mặt các đại dương. Hệ quả là ngày càng xuất hiện nhiều hơn các hiện tượng thời tiết cực đoan.

Riêng với TP.HCM, do tốc độ đô thị hóa nhanh, lượng bê tông hóa nhiều tạo thành nơi hấp thu và lưu trữ nhiệt lượng khiến thời gian nóng kéo dài cả ngày lẫn đêm. Ngoài ra, những phương tiện sản xuất, giao thông và sinh hoạt cũng bổ sung vào nhiệt lượng chung của bầu không khí. Ngược lại, cây xanh và hồ nước ít khiến các biện pháp giải nhiệt tự nhiên bị hạn chế. Đó là những nguyên nhân tổng hợp khiến đa phần người dân TP.HCM cảm thấy luôn trong tình trạng nóng bức hay khi vừa dứt hạt mưa là nóng trở lại. Để giải quyết vấn đề này cần có một bài toán tổng thể từ quy hoạch đô thị đến hạ tầng giao thông và quy hoạch sản xuất. Đặc biệt, nên trồng nhiều cây xanh nhất có thể.

Từ đầu tuần sau mưa sẽ nhiều hơn

Từ 19.8, cường độ gió mùa tây nam tăng dần, trong khi đó áp cao cận nhiệt đới rút dần ra phía đông. Khoảng từ ngày 20 - 21.8 trở đi, khu vực Nam bộ mưa giông gia tăng đặc biệt về chiều tối. Sau những ngày nắng nóng cường độ cao rất dễ xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan, bà con cần chú ý trong cơn giông đề phòng gió giật mạnh, lốc, sét.

Th.S Lê Đình Quyết, Trưởng phòng Dự báo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ

Nguồn: Chính Nhân/thanhnien.vn