Là tượng đài nhan sắc của màn ảnh Việt một thời, NSƯT Lê Vân ghi dấu ấn qua nhiều tựa phim kinh điển, trong đó có "Bao giờ cho đến tháng Mười".
Vẻ đẹp trong phim kinh điển
"Bao giờ cho đến tháng Mười" là bộ phim của đạo diễn - NSND Đặng Nhật Minh, ra mắt lần đầu năm 1984. Đây được xem là một trong những tựa phim kinh điển của điện ảnh cách mạng Việt Nam. Năm 2008, tác phẩm được CNN đánh giá là một trong 18 bộ phim châu Á xuất sắc nhất châu Á mọi thời đại.
"Bao giờ cho đến tháng Mười" kể về những thân phận, nỗi đau, mất mát của con người thời chiến và cách họ chia sẻ, đồng cảm với nhau để vượt qua nghịch cảnh.
Lê Vân trong “Bao giờ cho đến tháng Mười“. Ảnh: Nhà sản xuất
Trong phim, NSƯT Lê Vân vào vai Duyên, một người vợ đi thăm chồng ở biên giới Tây Nam. Đến nơi, chị bàng hoàng hay tin chồng đã hi sinh.
Trên đường về nhà, Duyên đau đớn đến ngất đi. Chị ngã xuống sông, may mắn được thầy giáo Khang cứu giúp. Duyên nhờ Khang giấu kín chuyện chồng mình qua đời, đồng thời thi thoảng giả danh chồng, viết thư thăm hỏi để gia đình yên tâm.
Suốt thời gian dài, Duyên phải dằn vặt, chịu đựng nỗi đau chồng mất. Đồng thời, chị cũng phải nhận lời dị nghị của người thân, hàng xóm về mối quan hệ với Khang.
Lê Vân đóng "Bao giờ cho đến tháng Mười" năm 26 tuổi, khi nhan sắc đang ở thời điểm đỉnh cao. Chị mang vóc dáng của một diễn viên múa, khuôn mặt thuần Việt và đôi mắt ướt long lanh.
Nhắc đến vẻ đẹp của Lê Vân khi ấy, nghệ sĩ Đặng Lưu Việt Bảo vào vai Nam - chồng của Duyên phải xuýt xoa. Anh nói, ai nhìn thấy Lê Vân cũng sững người, gần như bất động.
Với Duyên trong "Bao giờ cho đến tháng Mười", Lê Vân khắc họa hình ảnh mang tính biểu tượng của người phụ nữ Việt Nam lúc bấy giờ. Duyên mang vẻ đẹp của đức hi sinh, sự cam chịu âm thầm, hết lòng vì gia đình, chồng con.
Sinh ra trong gia đình có truyền thống làm nghệ thuật, Lê Vân không chỉ có nhan sắc mà còn sở hữu khả năng diễn xuất tốt. Nỗi đau và diễn biến tâm lý của Duyên trong phim được chị khắc họa đầy chân thật, chạm đến trái tim khán giả.
Vai diễn giúp chị mang về giải Bông sen Vàng tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 7 vào năm 1985. Đồng thời, đây cũng là một trong những tác phẩm kinh điển trong sự nghiệp của Lê Vân.
Nhan sắc đi cùng năm tháng
"Bao giờ cho đến tháng Mười" không phải tác phẩm duy nhất giúp nhan sắc Lê Vân trở thành huyền thoại một thời. Trong gần 2 thập kỷ diễn xuất, vẻ đẹp tượng trưng cho hình ảnh người phụ nữ Việt xưa được chị khắc họa qua nhiều tác phẩm, tiêu biểu như "Chị Dậu", "Thương nhớ đồng quê", "Tọa độ chết", "Thằng Bờm", "Kiếp phù du", "Đêm hội Long Trì"...
"Chị Dậu" do đạo diễn Phạm Văn Khoa chuyển thể từ tiểu thuyết "Tắt đèn" của nhà văn Ngô Tất Tố, phim sản xuất năm 1980. Thưởng thức tác phẩm, khán giả hẳn còn nhớ mãi hình ảnh nhân vật nữ chính do Lê Vân thủ vai.
Trong bối cảnh nghèo khó, nợ nần, trước người chồng bệnh tật và lũ con nheo nhóc, người phụ nữ vốn dịu dàng, yếu đuối lại phải gồng mình chống chọi nghịch cảnh của số phận.
Chị Dậu sẵn sàng làm lụng vất vả để chăm chồng, nuôi con, gồng gánh sưu cao, thuế nặng, chống trả lũ cường hào, ác bá trong làng, hay thậm chí phải dứt ruột bán đứa con gái mang nặng đẻ đau để bảo vệ tính mạng của chồng.
Vẻ đẹp của Lê Vân từng khuynh đảo màn ảnh Việt. Ảnh: Nhà sản xuất
Hình ảnh người phụ nữ nông thôn lam lũ, chìm nổi trong nỗi lo cơm áo gạo tiền của Lê Vân đem đến cho khán giả một góc nhìn khác về người phụ nữ Việt thời xưa. Không còn là vẻ đẹp của đức hi sinh thầm lặng, chị Dậu đã biết đứng lên, chiến đấu để bảo vệ gia đình, những người yêu thương.
Trong các tác phẩm "Thương nhớ đồng quê", "Thằng Bờm", "Tọa độ chết"..., Lê Vân liên tục thay đổi với những hình tượng nhân vật khác nhau, từ người phụ nữ dịu dàng, cam chịu đến mạnh mẽ, hiện đại... Kinh nghiệm diễn xuất bồi đắp theo thời gian khiến mỗi vai diễn của chị càng trở nên sâu sắc, ghi dấu ấn trong lòng khán giả.
Giã từ sự nghiệp sớm nhưng Lê Vân có nhiều tác phẩm kinh điển, đi cùng năm tháng. Ảnh: Nhà sản xuất, Facebook nhân vật
Lê Vân giã từ sự nghiệp điện ảnh vào năm 1996, khi chị còn khá trẻ. Nhưng trong suốt gần 2 thập kỷ đóng phim, chị đã cống hiến những vai diễn để đời, để nhan sắc và nhiều nhân vật chị khắc họa trở thành kinh điển, trường tồn theo năm tháng./.
Nguồn: Chí Long/laodong.vn