Theo chuyên gia, sở dĩ nhà mạng không quyết liệt xử lý vấn đề sim rác bởi nguồn thu từ cuộc gọi rác, tin nhắn rác rất lớn.
Khổ sở vì sim rác
Mỗi lần nhắc tới sim rác, cuộc gọi rác, anh H.C (quận Bình Thạnh, TPHCM) chỉ biết lắc đầu ngao ngán khi số lượng cuộc gọi rác, tin nhắn rác tới thuê bao điện thoại của anh nhiều hơn cả giao dịch chính thức.
Nhiều người dễ dàng có được số sim rác mà không cần có giấy tờ như CCCD, CMND. Ảnh: Như Quỳnh
Anh chia sẻ: “Số điện thoại của mình khá đẹp nên đủ các thể loại gọi đến, nhắn đến tư vấn từ đề nghị mua sim, tư vấn nhà đất, chứng khoán, mua sắm… Có ngày, tôi nhận được cả chục cuộc gọi, tin nhắn như vậy. Vô cùng bực mình” - anh C chia sẻ.
Vấn đề chống số điện thoại rác, chống sim rác không phải là mới nhưng dù trước đó Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các nhà mạng đã đưa ra nhiều biện pháp, nhiều chế tài nhưng vấn đề không được giải quyết triệt để.
Trong báo cáo hồi tháng 9.2022, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, đã thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc các nhà mạng tuân thủ về quản lý thuê bao; xử phạt 7 doanh nghiệp viễn thông với số tiền gần 3 tỉ đồng về vi phạm trong hoạt động quản lý thông tin thuê bao.
Tin nhắn rác liên tục gửi tới số điện thoại của anh H.C.
Tuy nhiên, vấn nạn sim rác, cuộc gọi rác vẫn diễn biến phức tạp. Trong 7 tháng đầu năm 2022, số lượng cuộc gọi rác lên đến 23 triệu, tăng 2,3 lần so với trung bình 7 tháng đầu năm 2021 (khoảng 9,5 triệu). Bộ Thông tin và Truyền thông mới đây phát hiện có tới 5.710 cá nhân sở hữu hơn 100 sim mỗi người và có 261 cá nhân sở hữu hơn 1.000 sim mỗi người.
Trong 9 tháng đầu năm 2022, chỉ riêng Tổng đài phản ánh tin nhắn rác, cuộc gọi rác qua tin nhắn (Tổng đài 5656) đã tiếp nhận 202.949 lượt phản ánh. Trong đó, có 177.473 cuộc gọi rác, tăng 34,2%.
Cần mạnh tay với các nhà mạng
Trao đổi với Lao Động, ông Võ Đỗ Thắng - Giám đốc Trung tâm an ninh mạng Athena - cho rằng, sim rác, cuộc gọi rác sở dĩ tồn tại dai dẳng bởi vì các nhà mạng có động lực về kinh tế, nguồn thu từ việc bán sim và phát sinh doanh thu từ cuộc gọi hay tin nhắn.
“Tôi cho rằng, do các quy định chế tài xử phạt chưa đủ mạnh, chưa áp đặt một cách chặt chẽ và có sự răn đe. Sim rác cũng là một nguồn doanh thu rất lớn cho nhà mạng. Chúng ta gọi là rác, nhưng với nhà mạng khi có cuộc gọi phát sinh là họ có doanh thu. Khi doanh thu lớn, họ sẵn sàng chấp nhận phạt” - ông Thắng nói.
Ông Thắng phân tích, mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có quy định sau ngày 31.3, thuê bao di động chưa chuẩn hóa thông tin cá nhân sẽ bị khóa. Đây không phải lần đầu tiên mốc thời gian được bộ yêu cầu các đơn vị thực hiện nhưng sau đó đâu lại vào đấy, sau đó sim rác vẫn còn. Đây là trách nhiệm thuộc về nhà cung cấp dịch vụ mạng./.
Nguồn: Huyên Nguyễn/laodong.vn