Mới đây, Chính phủ vừa có tờ trình Quốc hội về dự án Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, đề xuất người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm, nếu không rút một lần, có thể được hưởng trợ cấp hàng tháng ngay khi đủ tuổi nghỉ hưu.
Đề xuất được khá nhiều người lao động đóng bảo hiểm xã hội chuẩn bị đến tuổi nghỉ hưu ủng hộ và mong sớm được thông qua.
Đề xuất người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm nếu không rút một lần, có thể được hưởng trợ cấp hằng tháng ngay khi đủ tuổi nghỉ hưu được nhiều người ủng hộ. Ảnh minh hoạ: VGP.
Ông Nguyễn Văn Quang (51 tuổi) - công nhân đã nghỉ việc tại Thái Bình cho biết - nếu đề xuất này thông qua, trong 1 hoặc 2 năm tới, ông sẽ không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện nữa. Bởi hiện tại ông Quang không đi làm do sức khỏe yếu nhưng đã đóng bảo hiểm được 14 năm, ở nhà hưởng bảo hiểm thất nghiệp.
Ông Quang đồng tình với đề xuất nhận trợ cấp hằng tháng nếu mức hưởng hấp dẫn hơn lãi suất ngân hàng khi gửi tiết kiệm. Ảnh: NVCC.
Ông Quang chia sẻ, bản thân đang cân nhắc giữa việc rút bảo hiểm một lần hay đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện đủ 20 năm để nhận lương hưu. Nếu để lại nhận trợ cấp hàng tháng theo đề xuất thì mức trợ cấp phải lớn hơn lãi suất ngân hàng khi rút bảo hiểm xã hội 1 lần gửi tiết kiệm.
Theo ông Quang, sau khi nhờ con cái tính hộ số tiền rút một lần, ông sẽ nhận được khoảng 132 triệu đồng cho 14 năm đi làm. Nếu gửi với kỳ hạn 1 năm lãi suất 7% như hiện tại, mỗi tháng, ông nhận được gần 800.000 đồng.
Theo đề xuất, nếu lao động đóng bảo hiểm xã hội 5 năm, không rút một lần thì có thể hưởng trợ cấp hàng tháng khi về hưu với mức thấp nhất bằng trợ cấp hưu trí xã hội đang được đề xuất là 500.000 đồng/tháng. Ông Quang khẳng định sẽ không rút một lần, đồng thời cũng không đóng thêm bảo hiểm xã hội tự nguyện nữa.
“Bây giờ để hưởng lương hưu 3 triệu/tháng, tôi phải đóng thêm 6 năm, mỗi năm khoảng 14 triệu đồng. Con cái có ngỏ ý đóng giúp nhưng tôi không muốn phiền chúng nó, nếu đề xuất được thông qua, tôi sẽ để nguyên rồi hưởng trợ cấp hằng tháng” - ông Quang cho hay.
Theo ông Quang, đề xuất này khá thiết thực, giúp những người đóng bảo hiểm xã hội thiếu năm về hưu có bảo hiểm y tế và một khoản nhỏ an hưởng tuổi già. Ông cũng cho biết đóng 5 năm nhưng được nhận tối thiểu 500.000 đồng/tháng rất hợp lý với những người đóng bảo hiểm xã hội thấp như bản thân.
Tuy nhiên, ông Quang cũng đề xuất nên có cách tính công bằng hơn với những người đóng bảo hiểm mức cao hằng tháng. “Nếu có thể, nên cộng đều số tiền đóng bảo hiểm rồi chia cho tổng số tháng. Như thế sẽ đảm bảo quyền lợi hơn cho họ, tránh khiến họ thiệt thòi dẫn đến suy nghĩ rút bảo hiểm một lần.
Đi làm, đóng bảo hiểm xã hội được 7,5 năm, bà Nguyễn Thị Phượng (46 tuổi) - công nhân giày gia tại Nam Định - cũng đồng tình với đề xuất thay lương hưu bằng trợ cấp hàng tháng khi chưa đóng đủ 15 năm bảo hiểm xã hội.
“Tuổi lao động của công nhân ngắn lắm, qua 50 tuổi đã không còn đủ sức khỏe để làm việc. Người nào cố lắm cũng chỉ được 55, 56 tuổi là về bế cháu. Bản thân tôi dự kiến làm khoảng 5 hoặc 6 năm nữa sẽ xin nghỉ. Mà chưa biết có làm được đến lúc đó không hay sức khỏe yếu, công ty cho nghỉ sớm cũng nên” - bà Phượng chia sẻ.
Theo bà Phượng, nếu nghỉ việc hoặc mất việc ở tuổi 50 thì chẳng nơi nào nhận nữa. Nếu lúc đó không có việc gì cần đến tiền, bản thân sẽ để lại nhận trợ cấp hằng tháng nhưng nếu phải cần tiếp gấp thì ưu tiên vẫn là rút bảo hiểm một lần.
Tuy nhiên, bà Phượng cũng trăn trở làm công nhân sức khỏe yếu dần theo thời gian, nếu có thể, Nhà nước nên cân nhắc hạ tuổi nghỉ hưu về 55 tuổi cho nữ, 60 tuổi cho nam như trước để người lao động có cuộc sống tuổi già thảnh thơi sớm nhất có thể./.
Nguồn: Mạnh Cường/laodong.vn