TPHCM thu phí ôtô vào trung tâm có giảm được ùn tắc?

Phiên bản để inGửi EmailPhiên bản PDF
TPHCM thu phí ôtô vào trung tâm có giảm được ùn tắc?

Sở Giao thông vận tải (GTVT) TPHCM mới đây tiếp tục đề xuất UBND TPHCM thực hiện lập dự án "Thu phí ôtô lưu thông vào trong khu vực trung tâm thành phố" để giảm ùn tắc giao thông. Nội dung này đã được đưa ra bàn thảo hơn 10 năm qua nhưng chưa triển khai do nhiều ý kiến trái chiều.

Kế hoạch ấp ủ suốt 12 năm

Từ hồi năm 2010, UBND TPHCM chấp thuận đề xuất của công ty Cổ phần Công nghệ Tiên Phong (ITD) về dự án tổ chức thu phí ôtô vào khu trung tâm.

Theo đề án lúc đó, 36 cổng thu phí tự động sẽ được xây xung quanh khu vực hạn chế trên các tuyến đường bao quanh quận 1, 3 và vùng giáp ranh với quận 5, 10. Tại cổng sẽ lắp các thiết bị tính phí và camera chuyên dụng để nhận dạng các loại xe. Tổng mức đầu tư của toàn dự án khoảng 1.200 tỉ đồng, trong đó mua sắm thiết bị là hơn 1.000 tỉ đồng.

Tuy  nhiên, nhiều sở ngành không đồng tình vì cho rằng, không có hiệu quả kinh tế xã hội và làm giá cả hàng hóa tăng cao, gây ùn tắc ở các cổng thu phí. Ngoài ra, theo tính toán của đơn vị nghiên cứu, nếu áp dụng thu phí thì xe gắn máy sẽ tăng 13% và ôtô giảm gần 70% nên nhiều ý kiến lo ngại xe máy sẽ tràn ngập trung tâm thành phố... Suốt 4 năm sau đó, đề án không được nhắc tới.

TPHCM quản lý gần 8,4 triệu phương tiện, với hơn 806.000 ôtô. Ảnh: Minh Quân

Đến năm 2016, trước tình hình ùn tắc giao thông ngày một nghiêm trọng, Sở GTVT làm việc với ITD để tái khởi động đề án này. Đề xuất lần này của ITD cơ bản dựa trên nghiên cứu trước đó về phạm vi thu phí, chỉ khác tổng mức đầu tư tăng lên 1.500 tỉ đồng. Nhà đầu tư tự bỏ vốn thực hiện theo hình thức BLT (xây dựng - thuê dịch vụ - chuyển giao) trong 15 năm, từ năm 2020. Song cũng như lần trước, đề xuất lại đối diện với những phản biện về tính khả thi nên kế hoạch thu phí ôtô vào trung tâm lại tạm dừng.

Đến giữa năm 2019, Sở GTVT TPHCM một lần nữa đề xuất thu phí ôtô vào trung tâm. Phương án lần này sử dụng ngân sách đầu tư, với kinh phí khoảng 250 tỉ đồng (giảm nhiều lần so với đề án trước đó), dự kiến triển khai giai đoạn 2019-2021.

Đến 10.2021, Công ty ITD gửi đề xuất lập dự án thu phí ôtô vào trung tâm theo hợp đồng BLT. Phương án lần này không thay đổi nhiều về vành đai, phạm vi áp dụng, chỉ tăng vốn đầu tư và mức phí. Doanh nghiệp dự kiến toàn dự án cần gần 2.280 tỉ đồng. Trong đó, gần 480 tỉ đồng vốn đầu tư ban đầu, 1.800 tỉ đồng cho chi phí vận hành 10 năm sau đó.

Sở GTVT TPHCM sau đó đã 3 lần kiến nghị UBND TPHCM xem xét đề xuất của Công ty ITD nhưng chưa được chấp thuận.

Muốn thu thì giao thông công cộng phải tốt

Trong đề án trước đó của công ty ITD, đơn vị tư vấn tính toán, trong năm đầu tiên áp dụng thu phí, lượng ôtô vào trung tâm giờ cao điểm sẽ giảm tới 49%, nhường đường cho xe buýt tăng từ 9% lên 15%. Việc này giúp thay đổi hành vi sử dụng xe cá nhân, chuyển sang sử dụng phương tiện giao thông công cộng.

Kẹt xe đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh) - cửa ngõ phí Đông vào trung tâm TPHCM.  Ảnh: Chân Phúc

Kẹt xe đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh) - cửa ngõ phía Đông vào trung tâm TPHCM. Ảnh: Chân Phúc

TS Vũ Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giao thông vận tải Việt Đức - cho rằng, thu phí ôtô vào nội đô chỉ là giải pháp hỗ trợ chứ không phải giải pháp trọng điểm để hạn chế ùn tắc giao thông. Giải pháp cốt lõi để giảm ùn tắc giao thông đô thị phải là các hệ thống giao thông công cộng, cụ thể là metro.

"Các thành phố trên thế giới thu phí xe vào nội đô khi giao thông công cộng đáp ứng được hơn 30% nhu cầu đi lại. TPHCM muốn triển khai thu phí được, phải có hệ thống metro, xe buýt đáp ứng cho người đi xe cá nhân chuyển đổi nhu cầu. TPHCM chưa có tuyến metro nào mà triển khai thu phí xe vào nội đô vẫn không giải quyết được ùn tắc giao thông. Nếu giao thông công cộng chưa đáp ứng đủ thì thu phí cao người dân đi xe cá nhân, lúc đó có thể gây bức xúc xã hội" - ông Tuấn nhận định.

Tuy vậy, theo thạc sĩ Vũ Anh Tuấn, việc nghiên cứu lộ trình thu phí hạn chế xe vào nội đô vẫn phải thực hiện. Nhưng triển khai thực tế cần tùy theo điều kiện. Nếu tiến độ thực hiện metro chậm, việc thu phí xe vào nội đô sẽ chậm lại. "Nếu giao thông công cộng chưa đáp ứng đủ thì thu phí cao người dân vẫn đi xe cá nhân, lúc đó có thể gây bức xúc xã hội" - ông Tuấn nói.

Sở GTVT TPHCM cho hay, vấn đề gây nhiều băn khoăn nhất trong đề án của ITD trước đây là việc thu phí ôtô vào trung tâm chưa có trong Luật phí và lệ phí. Nhưng hiện nay, TPHCM đã được quyết định một số loại phí mới - theo Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội về thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù.

Ông Ngô Hải Đường - Trưởng phòng quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ (Sở GTVT TPHCM) - cho biết, đề xuất thu phí ôtô vào trung tâm TPHCM là một hạng mục trong tổng thể của đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn TPHCM đã được HĐND TPHCM thông qua.

Hiện nay, các giải pháp này đều được nghiên cứu thực hiện song song để đảm bảo rằng khi tổ chức thu phí vào trung tâm thì vận tải hành khách công cộng, kể cả metro cũng như các không gian đi bộ, cơ bản đáp ứng nhu cầu người dân.

Ông Đường cho hay, Sở GTVT TPHCM chỉ mới xin chủ trương lập dự án. Các thông tin đưa ra như lập vành đai xung quanh các tuyến đường khu vực quận 1, 3, 5, 10 cũng như tổ chức 34 cổng thu phí không dừng... chỉ là những thông tin ban đầu. Khi UBND TPHCM chấp thuận chủ trương thì sẽ tiến hành nghiên cứu, đề xuất các giải pháp triển khai cụ thể hơn nữa./.

Nguồn: Minh Quân/laodong.vn