Dự án cao tốc TPHCM - Mộc Bài và mở rộng Quốc lộ 22 có tổng vốn gần 27.000 tỉ đồng sắp triển khai giúp tăng kết nối TPHCM và Tây Ninh.
Cao tốc TPHCM – Mộc Bài
Dự án cao tốc TPHCM – Mộc Bài (Tây Ninh) vừa được Hội đồng thẩm định liên ngành thông qua báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và trình Chính phủ thông qua chủ trương đầu tư.
Sau khi dự án được Chính phủ phê duyệt, UBND TPHCM dự kiến lựa chọn nhà đầu tư và giải phóng mặt bằng, tái định cư trong năm 2024 - 2025; khởi công dự án vào tháng 6.2025; thi công xây dựng 3 năm từ 2025 - 2027.
Cao tốc TPHCM - Mộc Bài có điểm đầu giao với đường Vành đai 3 TPHCM đoạn qua huyện Củ Chi (TPHCM), điểm cuối kết nối Quốc lộ 22 ở huyện Bến Cầu (tỉnh Tây Ninh).
Toàn tuyến dài khoảng 51km, trong đó đoạn qua TPHCM dài 24,6km, còn lại thuộc địa phận Tây Ninh.
Dự án giải phóng mặt bằng một lần theo quy mô hoàn chỉnh 6 làn xe, tổng diện tích thu hồi hơn 409 ha, hơn 566 hộ dân bị ảnh hưởng.
Toàn tuyến được xây dựng trước 4 làn xe, rộng 25,5 m trong giai đoạn một, vận tốc thiết kế 120km/h.
Tổng mức đầu tư cao tốc TPHCM - Mộc Bài giai đoạn 1 là hơn 19.600 tỉ đồng theo hình thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao).
TPHCM sẽ chi 7.100 tỉ đồng mở rộng Quốc lộ 22 lên 8 làn xe. Ảnh: Anh Tú
Trong đó, chi phí xây dựng và thiết bị hơn 9.270 tỉ đồng, bồi thường giải phóng mặt bằng 6.770 tỉ, còn lại là dự phòng, lãi vay,… Phần vốn nhà nước chiếm hơn 49% tổng mức đầu tư dự án, phần vốn nhà đầu tư chiếm gần 51%.
Cao tốc TPHCM – Mộc Bài giúp tăng năng lực khai thác đường liên vận quốc tế nối TPHCM với Campuchia. Công trình phá thế độc đạo, tạo tuyến đường mới kết nối TPHCM qua Tây Ninh, giảm tải cho Quốc lộ 22.
Mở rộng Quốc lộ 22
Quốc lộ 22 nằm ở cửa ngõ Tây Bắc và là tuyến quốc lộ duy nhất nối TPHCM với cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh) - cửa ngõ quốc tế tới các nước trong khu vực ASEAN.
Tuy nhiên, tuyến đường này mỗi bên chỉ có 2 làn ôtô và 1 làn xe máy. Những năm gần đây, vận chuyển hàng hóa từ khu vực TPHCM và tỉnh Tây Ninh tăng nhanh dẫn đến ùn tắc và gia tăng tai nạn giao thông.
Quốc lộ 22 hiện quá tải, thường xuyên ùn tắc. Ảnh: Minh Quân
Hơn 10 năm trước, TPHCM đã có kế hoạch mở rộng Quốc lộ 22 nhưng chưa thể triển khai do thiếu vốn và vướng cơ chế. Sau khi Nghị quyết 98 cho phép TPHCM áp dụng hình thức BOT với các công trình nâng cấp đường hiện hữu, dự án mở rộng Quốc lộ 22 nằm trong nhóm ưu tiên thực hiện.
Quốc lộ 22 (từ nút giao An Sương đến Vành đai 3 TPHCM) dài 9,1km sẽ được mở rộng lên 60m đáp ứng 8 làn xe, trên tuyến xây dựng một số cầu vượt tại nút giao Nguyễn Ảnh Thủ, nút giao Nguyễn Văn Bứa…
Tổng mức đầu tư dự án hơn 7.100 tỉ đồng, trong đó chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng khoảng 2.409 tỉ đồng. Ngân sách TPHCM sẽ tham gia dự án với tỉ lệ 50% chủ yếu để giải phóng mặt bằng, 50% còn lại do nhà đầu tư thu xếp để thi công phần xây lắp.
Hiện Sở Giao thông Vận tải TPHCM đang thuê tư vấn lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án để chuẩn bị triển khai. Quốc lộ 22 sẽ được khởi công mở rộng năm 2025, hoàn thành năm 2028./.
Nguồn: Minh Quân/laodong.vn