Phản biện xã hội xung quanh đề xuất tăng mức phí xử phạt vi phạm giao thông tại TP.HCM

Phiên bản để inGửi EmailPhiên bản PDF
Phản biện xã hội xung quanh đề xuất tăng mức phí xử phạt vi phạm giao thông tại TP.HCM

Là đô thị lớn, lại có vị trí trọng yếu cả về giao thông và kinh tế, TP.HCM hiện quản lý hơn 800.000 xe ô tô, 9 triệu xe mô tô. Con số này gia tăng 5% mỗi năm, chưa kể 1 triệu phương tiện tại các địa phương khác lưu thông trên địa bàn thành phố. Ngoài vấn đề hạ tầng thì ý thức chấp hành Luật giao thông được TP.HCM đánh giá là một trong những nguyên nhân cơ bản khiến các bất cập giao thông chưa được cải thiện. Ùn tắc giao thông vẫn diễn ra thường xuyên, số người thiệt mạng do tai nạn giao thông liên tục tăng. Chính vì vậy, HĐND TP.HCM đã chủ trì soạn thảo nghị quyết để tăng mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông theo cơ chế đặc thù. Dự thảo nghị quyết đang trong quá trình được MTTQ Việt Nam, TP.HCM phản biện xã hội trước khi được trình HĐND dự kiến trong kỳ họp cuối cùng của năm 2022.

Năm 2020: TP.HCM ghi nhận 563 trường hợp tử vong do tai nạn giao thông, năm 2021 con số này là 483 dù có thời gian giãn cách dài ngày do dịch bệnh covid – 19. Còn trong vòng 10 tháng của năm 2022, số người tử vong do tai nạn giao thông trên địa bàn đã là 519. Ngoài vấn đề về hạ tầng thì nguyên nhân của tai nạn giao thông có đến 13 – 17% do hành vi đi không đúng làn đường của người điều khiển phương tiện, 18% do hành vi đi ngược chiều, lưu thông vào đường cấm. Thượng tá Trần Quốc Thới, Phó trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt, công an TP.HCM đưa ra những con số làm cơ sở để xây dựng dự thảo nghị quyết tăng mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông theo yêu cầu của HĐND TP.HCM. Bởi đây đều là những hành vi mà ai cũng biết là vi phạm luật giao thông nhưng vẫn cứ liên tục tái diễn. Mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông theo nghị định 100/2019 của chính phủ dù có được điều chỉnh tăng mức xử phạt tại nghị định 123/2021 thì vẫn chưa đủ mạnh để có tác dụng răn đe, phòng ngừa hiệu quả để kéo giảm tai nạn giao thông.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, phó chủ nhiệm hội Luật sư TP.HCM - Ảnh Bích Thủy

 

Cần có thêm ý kiến từ người dân 

Đưa ra 4 yếu tố để thấy sự cần thiết khi ban hành nghị quyết đặc thù cho siêu đô thị đặc thù như TP.HCM, luật sư Nguyễn Văn Hậu, phó chủ nhiệm hội Luật sư TP.HCM bày tỏ sự đồng thuận với chủ trương này của HĐND. Tuy nhiên, trong hồ sơ của nghị quyết, theo luật sư Nguyễn Văn Hậu là chưa có 1 phần được xem là quan trọng và đã được quy định trong luật. Đó là người dân, đối tượng chịu tác động trực tiếp của nghị quyết khi ban hành, lại chưa được lấy ý kiến. Mặt khác, để có tính thuyết phục tạo sự đồng thuận cao cho mức tăng đến 2 lần số tiền phạt cho 1 số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông, thì cơ quan soạn thảo cần phải làm rõ: thời gian dự kiến HĐND thông qua, thời hiệu áp dụng, nguồn lực thi hành nghị quyết cũng như các báo cáo đánh giá tác động của nghị quyết khi triển khai, báo cáo tổng kết thi hành xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông thời gian qua. Vì đây là nghị quyết có ảnh hưởng trực tiếp đến người dân nên cũng cần lắng nghe ý kiến cư dân để xem xét liệu có phù hợp khi ban hành nghị quyết trong thời điểm này?

Đồng tình với quan điểm này, một số đại biểu tham dự hội nghị phản biện còn cho rằng nên chăng thì tạm hoãn thông qua nghị quyết. Bởi với 1 nghị quyết có tác động trực tiếp đến túi tiền của người dân thì bối cảnh chưa phục hồi hoàn toàn sau đại dịch, không phải là thời điểm thích hợp để áp dụng. Ngoài ra, bà Thi Thị Tuyết Nhung, nguyên trưởng Ban Văn hóa – Xã hội, HĐND TP.HCM cho rằng, cũng nên lấy ý kiến từ Hiệp hội vận tải thành phố về mức phạt tiền được đề xuất trong dự thảo; ông Phạm Hiếu Nghĩa, nguyên Phó trưởng Ban Pháp chế, HĐND TP.HCM cũng đề nghị xem xét để mức phạt mới đưa ra thì thực hiện được, tránh tình trạng người vi phạm không thi hành, làm giảm hiệu quả răn đe, giảm thiểu tai nạn giao thông do thiếu ý thức tuân thủ luật.

Không đặt mục tiêu thu nhiều mà thu cho đúng để phát huy hiệu quả răn đe

Luật sư Trương Thị Hòa, ông Đồng Văn Khiêm, thành viên hội đồng tư vấn Khoa học – Kỹ thuật – Môi trường, MTTQ Việt Nam TP.HCM, bà Võ Thị Kim Hồng, chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM đồng quan điểm khi tách bạch tiền xử phạt vi phạm với tiền thu làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Bởi đây chỉ là thu của những người vi phạm Luật, những vi phạm mang tính cố ý bởi quy định đã có từ lâu và đã được tuyên truyền rộng rãi.

Luật sư Trương Thị Hòa - Ảnh Bích Thủy

Ông Đồng Văn Khiêm, thành viên hội đồng tư vấn Khoa học – Kỹ thuật – Môi trường, MTTQ Việt Nam TP.HCM - Ảnh Bích Thủy

Ai cũng biết đi ngược chiều, đi vào đường cấm, dừng đậu xe sai quy định sẽ bị xử phạt. Vì vậy, nâng mức xử phạt chắc chắn sẽ phát huy mục tiêu răn đe để phòng trừ tái vi phạm. Tuy nhiên, các đại biểu cũng đề xuất, cần có giải pháp đồng bộ cải thiện hạ tầng giao thông như việc phân tuyến, đồng bộ biển báo để khi áp dụng mức xử phạt mới người dân mới bị thuyết phục và ủng hộ. Bà Võ Thị Kim Hồng còn đề xuất “Nếu bây giờ các đồng chí làm kịp, HĐND TP kỳ này thông qua được thì chúng ta đề nghị là có 6 tháng để tuyên truyền vận động cho ngấm, cho thấm sau đó sẽ áp dụng”./.

Nguồn: Bích Thủy/kenhcongdong.com