Tiền cọc đất quá cao tiềm ẩn nguy cơ thông đồng, móc nối để dìm giá

Phiên bản để inGửi EmailPhiên bản PDF
Tiền cọc đất quá cao tiềm ẩn nguy cơ thông đồng, móc nối để dìm giá

Bộ Tư pháp vừa có báo cáo số 46 gửi Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát, nghiên cứ sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất. Việc này được tiến hành trước thực tế các doanh nghiệp liên tiếp bỏ cọc sau khi trúng đấu giá quyền sử dụng đất tại khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP.HCM.

 

Tiềm ẩn nguy cơ thông đồng, móc nối để dìm giá

Theo báo cáo, các vấn đề phát sinh qua vụ đấu giá quyền sử dụng đất tại Thủ Thiêm liên quan trực tiếp tới giá khởi điểm, điều kiện và năng lực tài chính của người tham gia đấu giá.

Cụ thể, theo khoản 2, khoản 2 Điều 8 Luật Đấu giá tài sản, việc xác định giá khởi điểm của quyền sử dụng đất do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tổ chức thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

Đối với quyền sử dụng đất, Luật Đất đai và nghị định liên quan của Chính phủ quy định cụ thể cách thức xác định giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất. Do đó, việc xác định giá khởi điểm không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu giá tài sản.

Về điều kiện, năng lực tài chính của người tham gia đấu giá, Bộ Tư pháp cho biết Luật Đấu giá tài sản chỉ quy định mang tính nguyên tắc về những loại tài sản bắt buộc phải bán thông qua đấu giá. Tài sản cụ thể phải bán thông qua đấu giá, điều kiện đối với tài sản bán đấu giá, điều kiện đối với người được mua tài sản… do pháp luật trong từng lĩnh vực quy định.

Liên quan đến tiền đặt cọc, luật quy định người tham gia đấu giá phải nộp trước với mức 5% đến 20% so với giá khởi điểm của tài sản đấu giá.

Tiền đặt trước sau khi trúng đấu giá được chuyển thành tiền đặt cọc để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ thanh toán tiền trúng đấu giá.

Qua thực tiễn triển khai, Bộ Tư pháp nhận định mức tiền đặt trước tối đa mà Luật Đấu giá tài sản quy định là phù hợp, tạo điều kiện thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia. Nếu nâng mức này lên quá cao, sẽ có ít doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia, tiềm ẩn nguy cơ thông đồng, móc nối để dìm giá.

Thông lệ tại một số nước, doanh nghiệp tham gia không phải nộp khoản tiền đặt trước mà chủ yếu dựa vào uy tín. Nhưng pháp luật có chế tài nghiêm khắc đối với trường hợp trúng đấu giá mà không thực hiện nghĩa vụ thanh toán, ví dụ cấm doanh nghiệp đó tham gia đấu giá trong một thời gian nhất định.

Song ở Việt Nam, pháp luật về đất đai hiện hành chưa có quy định cấm dạng này.

 

Đã có doanh nghiệp bỏ cọc đấu giá đất Thủ Thiêm. Ảnh: Duy Quang

Thiếu thống nhất giữa quy định của pháp luật đất đai và quản lý thuế

Qua rà soát, Bộ Tư pháp còn cho biết hoạt động đấu giá đất còn vướng mắc khi thiếu sự thống nhất giữa quy định của pháp luật đất đai và quản lý thuế. Việc này dẫn đến cách hiểu và áp dụng khác nhau, gây khó khăn, lúng túng cho nhiều địa phương cũng như tiềm ẩn việc khiếu nại, tố cáo.

Ví dụ, mỗi địa phương quy định việc nộp tiền trúng đấu giá theo thời hạn khác nhau, như Thanh Hóa, Ninh Bình... là trong 30 ngày, Vĩnh Phúc quy định 20 ngày... Một số nơi khác lại quy định thời hạn nộp tiền là 90 ngày như Hà Nội, Nghệ An, TP.HCM (trong đó vụ đấu giá đất ở Thủ Thiêm áp dụng thời hạn 90 ngày).

Nhằm khắc phục tình trạng trả giá quá cao nhưng không thực hiện nghĩa vụ, gây nhiều bất ổn cho thị trường như vụ đấu giá đất ở Thủ Thiêm, Bộ Tư pháp kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tăng cường quản lý Nhà nước đối với hoạt động đấu giá tài sản.

Trong đó, Bộ Tư pháp đề nghị chú trọng rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện quy định về giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất, điều kiện, yêu cầu về năng lực tài chính của doanh nghiệp tham gia đấu giá, chế tài đối với doanh nghiệp trúng đấu giá đất nhưng không thực hiện nghĩa vụ thanh toán.

Bộ Tư pháp đề xuất các địa phương chỉ đạo tăng trách nhiệm trong lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản, phê duyệt phương án đấu giá, xác định giá khởi điểm, xây dựng quy chế đấu giá. Cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi vi phạm trong lĩnh vực đấu giá tài sản. Tăng cường sự giám sát của cơ quan tư pháp tại các địa phương, kịp thời xử lý các kiến nghị, tố cáo về hoạt động đấu giá tài sản./.

Nguồn: Vương Trần/laodong.vn