Tiệm sửa xe dễ thương 'có tiền cũng vá, không tiền cũng vá' ở TP.HCM

Phiên bản để inGửi EmailPhiên bản PDF
Tiệm sửa xe dễ thương 'có tiền cũng vá, không tiền cũng vá' ở TP.HCM

Tấm bảng dễ thương ở tiệm sửa xe tại TP.HCM: 'Sửa xe ngày và đêm: Có tiền cũng vá, không tiền cũng vá. Tự bơm miễn phí. Gọi đừng ngại' được lan tỏa trên mạng xã hội khiến nhiều người thấy mát lòng giữa những ngày nắng nóng.

Các trang mạng xã hội thay nhau chia sẻ tấm bảng dễ thương ở tiệm sửa xe của ông Võ Thanh Vinh (60 tuổi) trên đường Âu Cơ (Q.Tân Phú, TP.HCM), cùng câu nhận xét: “Sài Gòn mùa nắng nóng, nhưng đâu đó vẫn mát”.

Hàng ngàn lượt thả tim, bấm thích cùng nhiều lời khen từ dân mạng đã dành cho ông chủ tiệm. “Dễ thương”, “Chú rất dễ thương, lần nào xe hư cũng ráng chạy qua bên chú để sửa hết luôn á”, “Chỉ có ở Sài Gòn”... là những nhận xét của các Facebooker. Dưới bài đăng, nhiều người cũng vào kể các câu chuyện từng bị “chặt chém” khi đi sửa xe thế nào.

Tấm bảng dễ thương ở tiệm sửa xe của ông Vinh - VŨ PHƯỢNG

“Giúp được ai cứ giúp”

Chia sẻ với Thanh Niên, ông Võ Thanh Vinh cho biết, ông làm sửa xe hơn 30 năm nay. Bắt đầu là giỏ đồ nghề đơn giản ở vỉa hè để sửa xe đạp, sau đó ông mới chuyển sang sửa xe máy. Công việc này đã giúp ông nuôi hai con ăn học thành tài, có công ăn việc làm, nhà cửa cũng ổn định.

Khoảng 3 năm trước, sau khi chứng kiến nhiều người bị hư xe nhưng quên không mang tiền hoặc không có tiền, ông đã làm tấm bảng để mọi người chủ động ghé vào tiệm: “Tìm bạn không dính vào tiền. Cho vay mất bạn, cho nợ mất khách. Đòi suốt thì ngại, để lâu thì quên. Vui lòng không nợ, không tiền cũng vá. Đừng ngại”.

Nhìn khắp tiệm với bề ngang chừng 4 m, phóng viên đọc được tới 4 chữ “Đừng ngại” dán trên các bảng sửa xe. “Nhiều người rơi vào cảnh ngặt nhưng mà cứ bị ngại nên tôi phải dán như vậy để họ không ngại ngùng gì nữa. Gọi tôi nửa đêm dậy vá cũng được. Chủ nhà tôi thuê không tăng giá nhà mấy năm qua nên tôi không bị áp lực tiền bạc gì, giúp được ai cứ giúp, cái ruột xe mấy chục ngàn, bơm hơi cũng đâu đáng bao nhiêu tiền đâu. Chứ không lủng có 1 lỗ mà dắt đi đường xa là bỏ luôn cái ruột”, ông Vinh cười và cho biết thêm ông thường dặn các tài xế công nghệ quen biết hễ thấy ai dắt bộ xe không có tiền sửa cứ chỉ đến tiệm này.

Ông Vinh giữ lại những chiếc vỏ xe còn tốt để thay cho người khó khăn

Trao yêu thương, nhận lại thương yêu

Mặc bộ đồ lấm lem, tay chân cũng dính đầy nhớt nhưng trên gương mặt ông Vinh lúc nào cũng nở nụ cười hiền hậu. Ông nói, từ nhỏ tới giờ ông luôn nhìn mọi thứ lạc quan, tích cực nên không bao giờ gương mặt hiện nét u buồn. Chỉ lên những chiếc vỏ xe cũ đang xếp ngay ngắn, chủ tiệm cho biết đây là những vỏ của xe khác đến thay, nhưng ông thấy vỏ còn mới, có thể dùng được hơn 1 năm nữa thì đều giữ lại để thay cho những người khác vỏ hư nhưng không có điều kiện.

Theo ông Vinh, dù tấm bảng để tự bơm xe miễn phí, nhưng khi ông bơm cho mọi người ông cũng không lấy tiền.

Nhiều khi thay ruột xe xong thấy khách không đủ tiền ông cũng... tặng luôn

Có tật ở chân từ ngày còn nhỏ xíu, ông Vinh bước chậm hơn mọi người, ông càng thấu hiểu những bất tiện mà người khuyết tật đang phải gánh chịu. Ông luôn sửa, vá miễn phí cho người khuyết tật. Nhiều người kiên quyết nói không quay lại nếu ông cứ miễn phí, ông mới nhận.

“Tôi để bảng có tiền cũng vá, không tiền cũng vá nên có những người tới vá rồi nói đi rút tiền lát quay lại, mà sau đó họ không quay lại tôi cũng kệ thôi, không suy nghĩ. Ngoài những người trả tiền bình thường, có những người lúc đó họ không mang tiền thiệt, hôm sau về quê xách lên cho tôi ít trái cây, xúc động lắm. Có người thì muốn trả tiền mà còn vài chục trong người, tôi cũng không lấy, nói họ dằn túi đề phòng xe hết xăng”, ông Vinh tâm sự.

Gắn bó với công việc này hơn 30 năm, ông Vinh cho hay, niềm vui đơn giản của ông chỉ là khi sửa xong một chiếc xe để ai cũng được về nhà, không bị lỡ đường. Sắp tới, ông chủ tiệm sửa xe này sẽ làm một kệ sắt, xếp gọn vỏ xe cũ kèm bảng “Vỏ xe cho người nghèo” để ai cũng có thể đến thay vỏ./.

Nguồn: Vũ Phượng/thanhnien.vn