Liên quan đến dự án 39-39B Bến Vân Đồn, Bộ Công an cho rằng bà Nguyễn Thị Như Loan, tổng giám đốc Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai, đã có dấu hiệu thông đồng, biến đất công sang đất tư không qua đấu giá.
Có dấu hiệu thông đồng mua bán đất công
Diễn biến mới liên quan đến vụ án xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam là cơ quan công an xác định bà Nguyễn Thị Như Loan (tổng giám đốc Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai) có dấu hiệu thông đồng với Lê Y Linh (chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Retro Harvest Finance), Đặng Phước Dừa (nguyên chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư thương mại Việt Tín) và một số người thuộc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, Công ty Cao su Đồng Nai, Công ty Cao su Bà Rịa ký kết các văn bản thỏa thuận, hợp tác đầu tư, chuyển nhượng vốn góp để thâu tóm 100% vốn góp tại khu đất từ Tập đoàn Cao su Việt Nam.
Theo cơ quan công an, quy trình chuyển nhượng không qua đấu giá, trái với quy định của pháp luật để bán dự án cho Công ty CP bất động sản Thịnh Vượng đã gây thiệt hại cho Nhà nước hàng trăm tỉ đồng.
Hiện Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đang củng cố tài liệu, chứng cứ đối với sai phạm của các bị can đã khởi tố, đồng thời tiếp tục mở rộng điều tra vụ án, áp dụng các biện pháp theo luật định để thu hồi triệt để tài sản cho Nhà nước.
Bà Nguyễn Thị Như Loan có dấu hiệu thông đồng gây thiệt hại cho Nhà nước hàng trăm tỉ đồng liên quan đến việc chuyển nhượng dự án 39-39B Bến Vân Đồn - Ảnh: HIẾU GIANG
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, quá trình "biến" đất công thành đất tư với khu đất 39-39B Bến Vân Đồn (quận 4, TP.HCM) diễn ra trong nhiều năm.
Song sự tham gia của Quốc Cường Gia Lai trong thương vụ này chỉ rõ nét trong sổ sách vào năm 2014 và việc mua bán dự án hàng trăm tỉ này chỉ diễn ra trong vài tháng.
Hồ sơ các nghị quyết của Quốc Cường Gia Lai thể hiện vào ngày 4-8-2014, HĐQT của Quốc Cường Gia Lai đã ra nghị quyết về việc nhận chuyển nhượng và cử người đại diện phần vốn góp tại Công ty TNHH Phú Việt Tín.
Vỏn vẹn một tháng sau, Quốc Cường Gia Lai lại có nghị quyết chuyển nhượng phần vốn góp này cho bà Lại Thị Hoàng Yến vào ngày 3-9.
Đáng chú ý, bà Lại Thị Hoàng Yến là con gái của ông Lại Thế Hà (thành viên HĐQT của Quốc Cường Gia Lai) và bà Yến cũng có cổ phiếu tại doanh nghiệp này.
7 ngày sau, Quốc Cường Gia Lai có nghị quyết nhận chuyển nhượng từ Công ty TNHH MTV Tổng công ty Cao su Đồng Nai và Công ty TNHH MTV Cao su Bà Rịa tại Công ty TNHH Phú Việt Tín.
Đến ngày 14-11-2014, doanh nghiệp này đã có nghị quyết chuyển nhượng phần vốn góp tại Công ty TNHH Phú Việt Tín sang cho Công ty CP Bất động sản Thịnh Vượng và Công ty CP Biệt thự Thành Phố, tức là Quốc Cường Gia Lai đã nhanh chóng "sang tay chốt lời" đối với thửa đất công chỉ sau 2 tháng mua bán thể hiện trên giấy tờ.
"Chốt lời" 382 tỉ đồng trong sổ sách
Liên quan đến thương vụ này, hợp đồng mua bán vào ngày 5-9-2014 cho thấy Quốc Cường Gia Lai đã chuyển nhượng toàn bộ khoản đầu tư của mình trong Công ty TNHH Phú Việt Tín (doanh nghiệp được giao khu đất tại số 39-39B Bến Vân Đồn để làm dự án) cho Công ty CP Bất động sản Thịnh Vượng (do ông Bùi Đạt Chương làm đại diện pháp luật) với số tiền 830 tỉ đồng, lãi gần 382 tỉ đồng.
Như vậy, Quốc Cường Gia Lai của bà Nguyễn Thị Như Loan đã mua đứt khu đất công này và bán lại ngay cho doanh nghiệp khác.
Sau đó, pháp nhân mới là Công ty TNHH Đầu tư và phát triển bất động sản Nova Phúc Nguyên (đây là thành viên của hệ sinh thái Novaland) trở thành chủ đầu tư khu đất 39-39B Bến Vân Đồn.
Sau khi sở hữu khu đất này, chủ đầu tư đã xin thay đổi chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất, đóng thêm tiền sử dụng đất và sau đó xây dựng dự án.
Tại khu đất này đã mọc lên dự án căn hộ The Tresor do Novaland phát triển, đến nay vẫn chưa có sổ hồng cho cư dân do cơ quan chức năng đang điều tra quá trình chuyển nhượng đất./.
Nguồn: Hiếu Giang/tuoitre.vn