Dù bị ảnh hưởng nặng nề do dịch kéo dài nhưng theo khảo sát, nhiều doanh nghiệp đang xoay xở tìm mọi cách để đảm bảo người lao động vui Xuân đón Tết.
Rất khó khăn
Chỉ còn không lâu nữa là kết thúc năm 2021, một năm phải đối mặt với rất nhiều khó khăn của các doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Có không ít doanh nghiệp phải “đóng cửa” từ vài ba tháng cho đến nửa năm để phục vụ công tác phòng, chống dịch và cũng chỉ mới “mở cửa” sản xuất trở lại trong thời gian ngắn. Nhiều doanh nghiệp hiện mới chỉ hoạt động ở mức 50-70% công suất. Mặc dù sản xuất, kinh doanh gặp khó nhưng nhiều doanh nghiệp cho biết vẫn đang xây dựng phương án thưởng Tết cho người lao động.
Nhìn chung, mức thưởng Tết 2022 sẽ rất khó khăn, bởi mục tiêu của người lao động là trước mắt giữ được việc làm, thu nhập để bảo đảm cuộc sống và chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp.
Mức thưởng phổ biến sẽ là một tháng lương tùy theo thỏa thuận giữa người lao động và doanh nghiệp. Do dịch kéo dài nên một số ngành như du lịch, vận tải thậm chí không có thưởng Tết hoặc thưởng ở mức thấp để giữ lao động. Hiện, da giày, dệt may, hai ngành sử dụng nhiều lao động đang cố gắng bảo đảm thưởng Tết bằng 80% của năm ngoái.
Ông Nguyễn Xuân Dương - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam nhận định: Tình hình tài chính khó khăn do chi phí sản xuất tăng cao nhưng nhiều nhà máy thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam vẫn thu xếp để lao động có tháng lương 13. Những công nhân không tham gia sản xuất “ba tại chỗ” sẽ không được đánh giá thi đua, mức thưởng sẽ thấp. Các công ty ở phía Nam gặp khó khăn hơn các công ty ở phía Bắc do thời gian đóng cửa lâu hơn và thiếu lao động sau khi hoạt động trở lại.
Doanh nghiệp “đau đầu” lo tiền thưởng tết cho người lao động.
Trao đổi với báo chí, bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da-Giày-Túi xách Việt Nam cho biết: “Các doanh nghiệp cố gắng giữ mức thưởng cho người lao động như của năm 2020 hoặc có giảm hơn một chút”.
Theo VTV, ông Nguyễn Xuân Dương - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam nhận định: “Ở phía Nam, tôi tin chắc thưởng Tết không được như mọi năm nhưng vẫn sẽ có. Ở phía Bắc, các doanh nghiệp đều thông tin lại khả năng thưởng Tết cố gắng giữ như năm trước”.
Sau một năm đầy biến động nên doanh nghiệp cũng cố gắng xoay xở tiền thưởng Tết như một nguồn động viên đối với người lao động.
Tuy nhiên, đối với một số doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc các ngành bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh thì từ nay đến cuối năm, còn phụ thuộc vào việc hàng hoá được lưu thông, doanh nghiệp mới có doanh thu và lúc đó người lao động mới có thêm những khoản thưởng cho cái Tết đủ đầy.
Không để người lao động không có Tết
Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hiện đơn vị này đã ban hành kế hoạch tổ chức các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động nhân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Theo đó, dự kiến, nguồn tài chính Công đoàn sẽ trích khoảng 2.400 tỷ đồng để chăm lo Tết cho khoảng 8 triệu đoàn viên, người lao động. Đối với đoàn viên, người lao động tại đơn vị hành chính và sự nghiệp công lập, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị Công đoàn cơ sở chủ động cân đối nguồn tài chính để chăm lo, thăm hỏi.
Tuy nhiên, theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, việc thưởng Tết còn căn cứ vào tình hình tài chính, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nhưng để giữ chân người lao động thì vẫn nên cố gắng duy trì thưởng Tết.
"Hiện, tình hình hoạt động của doanh nghiệp đã có nhiều chuyển biến tốt. Trong khi đó, thời điểm dịch bệnh căng thẳng, người lao động đã cố gắng ở lại đồng hành cùng doanh nghiệp tham gia sản xuất, kinh doanh và cũng gặp nhiều khó khăn về tài chính. Do đó nếu không chú trọng giữ chân người lao động thì ra Tết, doanh nghiệp sẽ rất khó khăn trong tìm kiếm và đào tạo nguồn nhân lực", bà Trần Thanh Hà, Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chia sẻ với báo Công an nhân dân.
Ở góc độ khác, ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội cho rằng, năm nay tình hình dịch Covid-19 khiến hoạt động của doanh nghiệp khó khăn. Tuy vậy, doanh nghiệp cũng nên cố gắng cân đối tài chính để có chế độ lương, thưởng Tết phù hợp để đảm bảo cuộc sống của người lao động. Về phía người lao động cũng cần có sự chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp để có việc làm vì sự phát triển chung của kinh tế - xã hội.
Trong khi đó, ông Huỳnh Văn Tuấn - Chủ tịch Công đoàn các khu chế xuất- công nghiệp Tp.Hồ Chí Minh cho hay, qua khảo sát từ cơ sở, Covid-19 khiến nhiều nhà máy phải dừng hoạt động, số khác sản xuất cầm chừng, chi phí thực hiện phương án “vừa sản xuất vừa cách ly” tăng cao nên thưởng Tết năm nay sẽ thấp hơn năm ngoái. Một số doanh nghiệp đã báo cáo có chi tiền Tết cho lao động, trong đó một số công ty công bố mức thưởng một tháng lương, số còn lại giảm còn 50-70%.
Tp.Hồ Chí Minh có 17 khu công nghiệp, khu chế xuất với hơn 1.400 doanh nghiệp hoạt động, khi thành phố thực hiện các biện pháp giãn cách, chưa đến một nửa trong số này hoạt động với tổng số hơn 280 nghìn lao động tham gia. Ông Tuấn cho hay, tình hình tài chính của doanh nghiệp khá khó khăn, công đoàn sẽ cố gắng thương lượng để phía sử dụng lao động dành một khoản để thưởng Tết cho công nhân. “Thưởng Tết lúc này giống như giúp nhau “một miếng khi đói”, dù ít nhưng có tác dụng động viên người lao động”, ông Tuấn nói.
Người lao động tự do "tự lo" Tết.
Cần có chính sách hỗ trợ đột xuất cho người lao động
Dù bức tranh tổng thể về thưởng Tết có nhiều tín hiệu khả quan, xong theo đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH), sẽ có nhiều người lao động không có Tết bởi ảnh hưởng của dịch. Đến nay vẫn có hàng chục nghìn người lao động vẫn phải nghỉ việc không lương vì doanh nghiệp chưa phục hồi sản xuất.
Nhận định về thưởng Tết năm nay, ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ,TB&XH cho rằng, mặc dù mức độ hồi phục kinh tế còn chậm, doanh nghiệp rất khó khăn, song vẫn cố gắng có tiền thưởng Tết để giữ chân người lao động. Tuy nhiên, thưởng Tết năm nay sẽ khó có mức cao đột biến và chênh lệch lớn giữa các khối doanh nghiệp. Theo đó, khối doanh nghiệp FDI vẫn duy trì mức thưởng theo doanh số. Còn các doanh nghiệp tư nhân và khối doanh nghiệp Nhà nước dù khó khăn sẽ vẫn cố gắng xoay xở có thưởng cho người lao động. Do đó để đảm bảo quyền lợi cho tất cả người lao động rất cần có chính sách hỗ trợ đột xuất từ Nhà nước, các tổ chức và xã hội.
Đồng quan điểm TS.Nguyễn Thị Lan Hương, chuyên gia về lao động, cũng cho rằng, ảnh hưởng của dịch, đặc biệt làn sóng dịch lần thứ 4 là rất lớn, đến nay rất nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thể hồi phục được. Bằng chứng là số lao động thất nghiệp, chưa có việc làm bị giảm thu nhập vẫn tăng. Do đó, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ Tết đột xuất cho người lao động.
“Chính phủ có thể huy động nguồn hỗ trợ Tết cho người lao động từ nguồn xã hội hóa, giống như quỹ hỗ trợ vắc-xin. Muốn đẩy lùi dịch bệnh, ổn định sản xuất kinh doanh chúng ta cũng cần đầu tư và hỗ trợ người lao động. Mức hỗ trợ có thể chỉ vài trăm nghìn nhưng người lao động sẽ cảm thấy ấm lòng. Đây cũng là cách thể hiện truyền thống “lá lành đùm lá rách” của người Việt” - TS.Lan Hương đề xuất./.
Nguồn: Hương Anh (T/h)/doisongphapluat.com