



Sở GTCC TP.HCM vừa báo cáo UBND TP chi tiết kế hoạch thực hiện dự án mở rộng QL13 (từ cầu Bình Triệu đến ranh tỉnh Bình Dương) theo hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao).
QL13 được coi là "xương sống" nối tỉnh Bình Dương với TP.HCM, được UBND TP đề xuất mở rộng từ năm 2002. Thế nhưng, do hàng loạt vướng mắc về giải phóng mặt bằng, nguồn vốn, cơ chế… nên tuyến đường huyết mạch này ngậm ngùi "gánh còng lưng" mỗi ngày một lượng lớn hàng hóa từ Bình Dương về TP.HCM trong khoảng 19 - 27m mặt đường.
Tháng 2.2025, HĐND TP.HCM đã thông qua chủ trương đầu tư dự án theo cơ chế đặc thù của Nghị quyết 98.
QL13 thường xuyên ùn tắc, lan vào cả các đường nối nội đô như Xô Viết Nghệ Tĩnh, Ung Văn Khiêm… - ẢNH: H.K
Trong phương án do Sở GTVT trình HĐND TP, QL13 nối TP.HCM với Bình Dương, 6,3 km QL13 từ cầu Bình Triệu đến cầu Vĩnh Bình sẽ được mở rộng lên 60m, đáp ứng 10 làn xe. Trong đó, trên tuyến sẽ xây dựng 3,2 km đường trên cao (cầu cạn) từ nút giao Bình Triệu đến nút giao Bình Phước, với vận tốc thiết kế 80 km/giờ. Bên dưới, đường song hành mỗi bên rộng 3 làn xe, tốc độ tối đa 60 km/giờ.
Tại các nút giao quan trọng như cầu Bình Lợi và nút giao Bình Phước, dự án sẽ bổ sung hầm chui hai chiều để tăng khả năng lưu thông. Cầu Vĩnh Bình ở cuối tuyến cũng được mở rộng lên 10 làn xe, đảm bảo kết nối thông suốt giữa TP.HCM và Bình Dương.
Đáng chú ý, so với thời điểm đề xuất dự án cách đây hơn 20 năm, tổng mức đầu tư mở rộng tuyến đường huyết mạch này đã tăng hơn 5 lần, chủ yếu do chi phí giải phóng mặt bằng. Cụ thể, năm 2002, chi phí giải phóng mặt bằng trên toàn dự án chỉ mất khoảng 2.500 tỉ đồng, tổng vốn đầu tư hơn 4.000 tỉ đồng. Sau 18 năm (khi Sở GTVT trình chủ trương thực hiện năm 2021), tổng mức đầu tư dự án tăng lên tới 9.992 tỉ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng đội lên 8.176 tỉ đồng.
Đến nay, với phương án đã được chính thức thông qua, tổng mức đầu tư sơ bộ của dự án là 21.724 tỉ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng và di dời hạ tầng kỹ thuật chiếm hơn 15.200 tỉ đồng (khoảng 15,6ha đất sẽ bị thu hồi làm dự án, ảnh hưởng đến 1.155 hộ dân). Chi phí xây lắp và thiết bị khoảng 4.331 tỉ đồng, phần còn lại dành cho quản lý dự án, lãi vay và các chi phí dự phòng khác.
Phương án làm đường trên cao 4 làn xe trên QL13 - NGUỒN: SỞ GTCC TP.HCM
Trong cơ cấu tài chính, ngân sách TP.HCM sẽ tham gia khoảng 14.707 tỉ đồng (70% tổng mức đầu tư) để bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư. Phần còn lại do nhà đầu tư đóng góp với số vốn khoảng 6.303 tỉ đồng (30%), thời gian khai thác, thu phí hoàn vốn dự kiến kéo dài 21 năm 4 tháng.
Theo kế hoạch chi tiết mà Sở GTCC vừa trình UBND TP, ngay trong tháng 6 tới, Sở GTCC sẽ lựa chọn nhà thầu tư ván, tổ chức lập báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án. Tới tháng 7 sẽ lấy ý kiến các đơn vị liên quan về việc đầu tư thực hiện dự án và hoàn thành báo cáo nghiên cứu khả thi để trình HĐND thẩm định cấp cơ sở. Cũng trong giai đoạn này, Sở GTCC sẽ tổ chức khảo sát sự quan tâm của nhà đầu tư.
Việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng cho dự án sẽ bắt đầu triển khai từ quý 3 năm nay và hoàn tất vào tháng 2.2026. Theo rà soát của Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, dự án sẽ sử dụng khoảng 39,54 ha đất và ảnh hưởng đến 1.091 hộ dân. Trong số này, có 238 hộ phải giải tỏa hoàn toàn, 853 hộ còn lại bị ảnh hưởng một phần.
Dự án sẽ được khởi công vào tháng 7.2026 và hoàn thành, đưa vào khai thác từ năm 2028./.
Nguồn: Hà Mai/thanhnien.vn