Thừa, thiếu giáo viên cục bộ; đối diện nguy cơ "vỡ trận" ở khâu tổ chức môn học là những thử thách với nhiều trường khi triển khai chương trình lớp 10 mới.
Gần 5 tháng nữa, chương trình giáo dục phổ thông mới bậc THPT được triển khai ở lớp 10. Điểm mới của chương trình là học sinh được chọn các môn học theo sở thích, dẫn đến nguy cơ thừa, thiếu giáo viên cục bộ.
Từ năm học 2022-2023, học sinh lớp 10 học bảy môn và hoạt động giáo dục bắt buộc gồm Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng an ninh, Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương.
Các em chọn năm môn khác từ ba nhóm môn (mỗi nhóm chọn ít nhất một môn): Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật); Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học); nhóm môn Công nghệ và Nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật - Âm nhạc và Mỹ thuật).
Theo quy tắc trên, có hơn 100 cách chọn tổ hợp môn học. Thầy Lê Văn Lục, Hiệu trưởng THPT Thanh Miện, Hải Dương cho rằng, cách làm này dẫn đến tình trạng những môn được quá nhiều học sinh chọn không đủ giáo viên đứng lớp. Ngược lại, môn ít học sinh sẽ bị thừa giáo viên.
Thầy Lục cho biết, trường Thanh Miện đang thiếu một giáo viên Sử. Giáo viên Tiếng Anh, Ngữ Văn, Địa lý vừa đủ. Nếu học sinh chọn môn Sử quá nhiều, trường sẽ thiếu trầm trọng.
Môn Nghệ thuật, gồm Âm nhạc và Mỹ thuật - lần đầu xuất hiện trong chương trình lớp 10 - khiến nhiều trường lo nhất về khả năng thiếu giáo viên. Do những năm trước không dạy môn này, các trường đều không có giáo viên biên chế. Trước năm học mới, nếu không tuyển giáo viên Nghệ thuật, trường có thể không đáp ứng được nhu cầu của học sinh. Tuy nhiên, nếu tuyển mà trò không chọn học, thầy cô sẽ không có việc làm.
Theo thầy Lục, để không xảy ra tình trạng thừa, thiếu cục bộ, trường Thanh Miện đã xây dựng sáu tổ hợp cho học sinh lựa chọn dựa trên số lượng giáo viên đang có. Các tổ hợp được xây dựng theo hướng tập trung vào nhóm khoa học tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh) hoặc khoa học xã hội (Sử, Địa, Giáo dục kinh tế và pháp luật), sau đó chọn thêm Tin học hoặc Công nghệ.
Học sinh lớp 9 trường THCS Lương Định Của, TP Thủ Đức, TP HCM trong giờ học tháng 1. Ảnh: Mạnh Tùng
Nhiều hiệu trưởng cảnh báo nguy cơ vỡ trận chương trình lớp 10 mới ở khâu lựa chọn môn học. Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng THPT Nguyễn Du, TP HCM cho rằng, nếu để học sinh tự chọn môn, chắc chắn các trường khó đáp ứng nhu cầu. Nhiều trường dự định "gợi ý" các tổ hợp sẵn có. Tuy nhiên, việc này trái với tinh thần của chương trình phổ thông mới là cho học sinh được chọn môn theo sở thích, năng lực.
Cũng theo thầy Phú, học sinh phải chọn môn học ngay từ đầu lớp 10 - giai đoạn các em chưa có định hướng nghề nghiệp. Nhiều em đến lớp 12 mới định hướng được nghề nghiệp, khối thi đại học. Nếu chẳng may chọn nhầm tổ hợp môn tự chọn, các em sẽ thiệt thòi.
Thầy Phú cũng dự báo nguy cơ mất cân đối khi học sinh chọn môn tự chọn. Chẳng hạn, môn Lịch sử có khả năng bị "xóa trắng" ở nhiều trường có thế mạnh về Khoa học tự nhiên.
"Dường như những người làm chương trình chưa tính toán hết những khó khăn có thể xảy ra khi áp dụng", thầy Phú cho biết.
Chương trình giáo dục phổ thông mới cùng lộ trình thực hiện được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành bởi một thông tư vào tháng 12/2018.
GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình cho biết, theo cách tiếp cận mới, giáo dục không phải để truyền thụ kiến thức mà nhằm giúp học sinh hoàn thành công việc, giải quyết các vấn đề trong học tập và đời sống nhờ vận dụng hiệu quả, sáng tạo kiến thức đã học. Quan điểm này được thể hiện nhất quán ở nội dung, phương pháp và đánh giá kết quả giáo dục.
Tuy nhiên, cuối tháng 8/2021, nhiều địa phương phản ánh về việc thiếu giáo viên dạy theo chương trình mới. Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết sẽ có kế hoạch làm việc với hệ thống trường đại học sư phạm để trao đổi về nội dung tập huấn, bồi dưỡng giáo viên và phát triển ngành nghề đào tạo thuộc nhóm sư phạm. Việc này nhằm đảm bảo cung cấp đủ, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông những năm tiếp theo.
Bên cạnh khả năng thiếu nhân sự, chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ là thách thức lớn với các trường khi thời gian tập huấn không còn nhiều.
Hiệu trưởng một trường THPT ngoại thành ở TP HCM cho biết, trước đây, giáo viên đã quen với bài giảng, giáo án cũ. Khi chương trình, sách giáo khoa và yêu cầu năng lực cần đạt của học sinh đều đổi mới, nhiều giáo viên sẽ không theo kịp.
Từ đầu năm đến nay, các Sở Giáo dục và Đào tạo đã triển khai tập huấn cho giáo viên module chương trình giáo dục phổ thông mới các lớp 3, 7, 10. Hiện các địa phương đang giới thiệu các bản sách giáo khoa mới để nhà trường, giáo viên nghiên cứu và đề xuất lựa chọn.
Sau khi sách giáo khoa được UBND cấp tỉnh chọn, trường học phải tập huấn về sách, tổ chức dạy thí điểm. Trong lúc này, các trường THPT đang phải tăng cường ôn tập cho học sinh khối 12 thi tốt nghiệp THPT, chuẩn bị kết thúc năm học, tổ chức tuyển sinh lớp 10.
"Việc tập huấn cho giáo viên rất quan trọng nhưng thời gian rất gấp, không làm kịp, dịch bệnh cũng ảnh hưởng phần nào. Do đó, chúng tôi phải tận dụng cả thời gian hè mới có thể tập huấn, triển khai chương trình mới", hiệu trưởng này nói.
Trong giai đoạn đầu triển khai, sáu tổ hợp mà trường Thanh Miện xây dựng chưa gồm hai môn Âm nhạc và Mỹ thuật. "Những năm sau, dựa vào hướng dẫn của Sở và Bộ, trường sẽ dần bổ sung giáo viên trong các nhóm còn thiếu để mở rộng các tổ hợp, giúp học sinh có nhiều lựa chọn hơn", thầy Lục nói.
Trong khi đó, cô Nguyễn Thị Nhâm Huyền, Hiệu trưởng THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội) thừa nhận đang gặp khó khăn khi bố trí nhân sự và thiếu giáo viên Nghệ thuật. "Sắp tới trong các buổi tập huấn chương trình và sách giáo khoa mới, trường sẽ trao đổi với Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội về vấn đề này", cô Huyền cho biết.
Một số trường khác tính đến phương án thuê giáo viên tại các trường cao đẳng, trung cấp Nghệ thuật hoặc giáo viên Nhạc họa bậc THCS. Tuy nhiên, phương án này về lâu dài không ổn, trường vẫn cần nhân sự biên chế./.
Nguồn: Mạnh Hùng-Thanh Hằng/vnexpress.net