Từ ngày 1.7, lương cơ sở tăng lên 2,34 triệu đồng/tháng, đây cũng là thời điểm áp lực tăng giá điện rất lớn khi chi phí sản xuất điện cao, Tập đoàn Điện lực Việt Nam "gánh lỗ lớn", nhu cầu đầu tư cao... Vậy làm thế nào để tránh tác động tiêu cực khi điều chỉnh tăng giá điện, đồng thời không làm mất đi ý nghĩa của việc tăng lương cơ sở là vấn đề đang được người dân đặc biệt quan tâm.
Áp lực tăng giá điện ngày càng cao
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 73 quy định mức lương cơ sở và chế độ tiền thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Việc tăng lương cơ sở khiến nhiều người lo ngại tình trạng giá hàng hóa sẽ tăng theo, nhất là khả năng tăng giá điện.
Theo quy định tại Quyết định số 05 của Chính phủ về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, có hiệu lực từ ngày 15.5.2024, thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu là 3 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất. Trong khi đó, tính từ lần điều chỉnh giá điện bình quân gần nhất đến nay đã hơn 7 tháng. Đó là lý do nhiều người lo ngại, giá điện có thể được điều chỉnh theo hướng tăng sau thời điểm tăng lương cơ sở có hiệu lực.
Theo số liệu từ Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, nhiều ngày nắng nóng, cơ quan điều độ đã huy động từ nguồn nhiệt điện than đạt 86,4 tỉ kWh (chiếm 56,96% tổng sản lượng 6 tháng đầu năm), cao hơn 556 triệu kWh so với kế hoạch; nhiệt điện dầu huy động cao hơn 88 triệu kWh so với kế hoạch; nhiệt điện khí huy động khoảng 13,08 tỉ kWh để đảm bảo đủ điện cho sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt.
Hiện giá bán lẻ điện bình quân là 2.006,79 đồng/kWh, trong khi giá thành sản xuất điện năm 2023 ước tính khoảng 2.092,78 đồng/kWh, cao hơn giá bán hiện tại. Bên cạnh đó, nhiệt điện dầu huy động ước tính có giá xấp xỉ 5.000 đồng/kWh, điện khí khoảng 2.600 đồng/kWh.
Chi phí tăng, gánh lỗ lớn, nhu cầu đầu tư cao và quyền điều chỉnh giá được nới rộng hơn khiến khả năng tăng giá điện là rất lớn. Ảnh: EVN
Ông Trần Việt Hòa - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) - cho hay, trong tháng 7.2024 với kịch bản thời tiết nắng nóng cực đoan kéo dài, trường hợp các nhà máy nhiệt điện than bị sự cố, suy giảm công suất, hệ thống điện miền Bắc có nguy cơ không còn dự phòng công suất. Trong trường hợp này, sẽ phải huy động thêm các nguồn phát diesel mượn của khách hàng (với chi phí cao) để đảm bảo cung ứng đủ điện.
Ông Nguyễn Thế Hữu - Phó cục trưởng Cục Điều tiết điện lực - cho biết, trước khi điều chỉnh giá điện, Bộ Công Thương đã thành lập đoàn công tác và đoàn đang trong quá trình làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam cùng các bên liên quan để xem xét, đánh giá các yếu tố đầu vào cấu thành giá điện thời điểm hiện tại, từ đó làm cơ sở xem xét có tăng hay giảm giá điện trong thời gian tới.
"Hiện tại Bộ Công Thương đã cử đoàn kiểm tra giá thành điện năm 2023 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam để làm cơ sở xem xét, điều chỉnh giá điện năm 2024" - ông Hữu nói và cho hay, đến thời điểm này, việc kiểm tra chưa có kết quả. Do đó, việc điều chỉnh giá điện thế nào, vào thời điểm nào sẽ phụ thuộc kết quả kiểm tra này.
Đừng nghĩ giá điện chỉ có tăng, mà sẽ có giảm
Trả lời Báo Lao Động, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, trước đây cơ sở chính sách để xem xét điều chỉnh giá điện là Quyết định số 24 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 05 với nhiều nội dung thay đổi.
"Bây giờ chúng ta đừng nghĩ giá điện chỉ có tăng, mà sẽ có cả giảm", ông Tân nói và cho hay, với quyết định mới, nếu đủ cơ sở, yếu tố để giảm giá điện khi các chi phí đầu vào giảm 1% thì sẽ phải giảm ngay.
Đối với việc tăng giá, theo Quyết định 05, nếu các khoản chi phí đầu vào khiến giá thành điện tăng tương ứng ở các mức 3%, 5% hay cao hơn nữa sẽ do từng cấp thẩm quyền xem xét điều chỉnh, nhưng chu kỳ để xem xét phải là 3 tháng một lần.
Do đó, ông khẳng định khi chi phí đầu vào, giá thành điện giảm thì Bộ Công Thương sẽ giám sát, xem xét yêu cầu EVN phải giảm ngay. Với trường hợp tăng sẽ báo cáo để xem xét trong thẩm quyền của EVN hoặc của Bộ Công Thương hoặc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ. "Đồng thời cũng phải đánh giá tác động về kinh tế - xã hội của việc tăng giá này", ông Tân cho hay.
Cũng liên quan tới việc đảm bảo cung ứng điện, ông Tân nói, với sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Chính phủ, từ quý I, đầu quý II/2024 Bộ đã chuẩn bị đảm bảo cung ứng điện./.
Nguồn: Cường Ngô/laodong.vn