"Sức bền và sức mạnh của người Việt được xếp vào mức kém và rất kém so với chuẩn"

Phiên bản để inGửi EmailPhiên bản PDF
"Sức bền và sức mạnh của người Việt được xếp vào mức kém và rất kém so với chuẩn"

Theo kết quả điều tra, có tới 30% người trưởng thành của Việt Nam thiếu hoạt động thể lực.

Với nhiều bạn trẻ, thể dục thể thao chỉ là thú vui đứng sau nhiều thú vui khác như xem ti vi, chơi game hay ngủ. Lý do có vẻ rất hợp lý, đó là vì quá bận rộng, cần dành thời gian cho gia đình và bạn bè, công việc nhiều nên không còn thời gian rèn luyện thân thể, đến phòng tập hay chạy bộ trong công viên. Trong khi đó, những người cao tuổi lại tranh thủ mọi lúc mọi nơi để tập thể dục. Không biết từ bao giờ câu nói "trẻ uống trà, già tập thể thao" đã trở thành một câu phản ánh lối sống thực tế của nhiều người dân hiện nay.

Theo kết quả điều tra, có tới 30% người trưởng thành của Việt Nam thiếu hoạt động thể lực. Bên cạnh đó, theo nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng, một người Việt trung bình đi bộ 3.600 bước/ngày, giới văn phòng chỉ đi 600 bước/ngày, trong khi khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới là 10.000 bước/ngày. Ít vận động nhưng người Việt trên 15 tuổi trung bình uống 170l bia/năm, cứ ba nam giới thì có một người uống ở mức nguy hại. Kết quả, sức bền và sức mạnh của người Việt được xếp vào mức kém và rất kém so với chuẩn.

"Có nhiều lý do khiến các bạn trẻ lười tập thể dục, vận động, trong đó có việc sắp xếp thời gian để dành cho vận động cơ thể và công việc. Điểm thứ hai là do thể dục mang tính cộng đồng, các bạn trẻ thường hay dậy muộn dẫn đến việc các bạn lười tập thể dục. Chưa kể đến việc các bạn ấy chưa rèn được thói quen tốt trong việc rèn luyện cơ thể. Thực ra, mỗi ngày chỉ cần 15 đến 30 phút, hay thậm chí vận động tại chỗ, nhưng các bạn trẻ lại cho rằng mình bận quá, ì tại chỗ và không vận động được. Tôi cho rằng điều đó chỉ là bao biện", chuyên gia tham vấn và trị liệu tâm lý Phạm Văn Tư chia sẻ.

Một nguyên nhân khách quan là hiện thiếu sân bãi tập thể thao, nhất là tại các đô thị lớn. Trẻ em vẫn phải đá bóng trên vỉa hè, lòng đường. Các trường học không có sân tập luyện. Người già chỉ về đêm mới mon men đi dạo.

Tỷ lệ dành cho thể dục thể thao của người Việt còn thấp. Theo thống kê, năm 2020 mới đạt được kế hoạch của Chính phủ, điều đó tác động không nhỏ tới tâm lý ngại vận động của nhiều người. Tuy nhiên, xét cho cùng, khi muốn thì luôn luôn có cách, nhiều người đã tìm ra cho mình cách rèn luyện thể thao trong mọi hoàn cảnh.

Người xưa vẫn thường nói một trí tuệ minh mẫn có trong cơ thể cường tráng. Tuổi trẻ là quãng thời gian chúng ta cần cống hiến, sức khỏe nhất. Do đó, việc bỏ quên sức khỏe của bản thân là một điều lãng phí. Đến khi già mới tập thể dục thể thao thì nhiều khi là quá muộn. Việt Nam là một trong những quốc gia có tuổi thọ trung bình không phải thấp. Nhưng số năm người dân sống trong bệnh tật lại rất nhiều. Đó là điều không ai mong muốn.

Nguồn: VTV.VN