Số ca mắc sởi tăng tại Hà Nội, nên làm gì để phòng chống bệnh?

Phiên bản để inGửi EmailPhiên bản PDF
Số ca mắc sởi tăng tại Hà Nội, nên làm gì để phòng chống bệnh?

Các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân nên tiêm phòng vaccine sởi để phòng bệnh, vì vaccine sẽ kích thích cơ thể tạo miễn dịch, giúp chống lại virus sởi.

Theo báo Đại đoàn kết, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (CDC) Hà Nội cho biết, trong tuần vừa qua, toàn thành phố ghi nhận 114 trường hợp mắc sởi. Cộng dồn từ đầu năm 2025, thành phố Hà Nội ghi nhận 441 trường hợp tại 30/30 quận, huyện, thị xã. Số ca mắc sởi trong tuần tương đương so với tuần trước và vẫn ở mức cao, chủ yếu ở người chưa tiêm vaccine hoặc chưa tiêm đầy đủ, dự báo tiếp tục ghi nhận ca bệnh trong thời gian tới.

Cộng dồn từ đầu năm 2025, thành phố Hà Nội ghi nhận 441 trường hợp mắc sởi tại 30/30 quận, huyện, thị xã. Ảnh minh họa.

Cộng dồn từ đầu năm 2025, thành phố Hà Nội ghi nhận 441 trường hợp mắc sởi tại 30/30 quận, huyện, thị xã. Ảnh minh họa.

Đặc biệt, không ít trường hợp mắc sởi gặp nguy kịch do biến chứng. Cụ thể, đại diện Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, Khoa Nhi của bệnh viện đã điều trị cho nhiều bệnh nhân mắc bệnh sởi, trong đó phần lớn là trẻ em dưới 1 tuổi. Trường hợp bệnh nhi N.T.Q. (5 tháng tuổi, Bắc Giang) là một trong những ca bệnh nặng nhất tại khoa. Ban đầu, bệnh nhi sốt cao 39,5°C, ho khan, ngạt mũi, mắt nhiều gỉ và tiêu chảy 3 - 4 lần mỗi ngày. Sau 2 ngày sốt, bệnh nhi bắt đầu phát ban đỏ từ mặt, cổ và lan ra thân mình - một dấu hiệu điển hình của bệnh sởi. Ban sởi lan đến hai đùi và bệnh nhi được chẩn đoán mắc sởi biến chứng viêm phổi.

Trước khi chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, tình trạng suy hô hấp của bệnh nhi trở nên nghiêm trọng, buộc phải đặt nội khí quản và bóp bóng hỗ trợ. Khi nhập viện, bệnh nhi có ban sởi toàn thân, phù nề mi mắt, xuất huyết tại các vị trí tiêm truyền. Chẩn đoán hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển, một biến chứng nặng của sởi.

Không chỉ trẻ nhỏ, người lớn cũng có nguy cơ biến chứng do sởi. Trước đó, bệnh nhân nam (56 tuổi ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh) vào Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) trong tình trạng khó thở, sốt cao, phát ban ở vùng đầu, mặt và cổ sau chuyển biến suy hô hấp cấp.

Các triệu chứng bệnh sởi được xác định rõ ràng, xét nghiệm khẳng định dương tính với bệnh sởi. Cùng với biến chứng viêm phổi do virus sởi gây ra kèm theo tiêu chảy, biểu hiện nhiễm trùng của bệnh nhân cũng có xu hướng tăng. Sau 4 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân tỉnh táo, giảm sốt, mức độ tiêu chảy giảm nhiều, mức độ suy hô hấp đã được cải thiện rõ rệt, các chỉ số về mức ổn định, ban nổi toàn thân.

Vì sao cần tiêm vaccine phòng sởi?

Vaccine hỗ trợ kiểm soát dịch bệnh, đồng thời giảm biến chứng nặng do sởi trên bệnh nhân. Ảnh minh họa.

Vaccine hỗ trợ kiểm soát dịch bệnh, đồng thời giảm biến chứng nặng do sởi trên bệnh nhân. Ảnh minh họa.

Vnexpress dẫn lời bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết vaccine sởi được nhiều quốc gia đưa vào chương trình tiêm chủng cho người dân nhiều năm qua. Vaccine hỗ trợ kiểm soát dịch bệnh, đồng thời giảm biến chứng nặng do sởi trên bệnh nhân. Khi tỷ lệ tiêm chủng cao, virus sởi không có cơ hội lây lan, đồng thời bảo vệ nhóm người không thể tiêm vaccine như trẻ sơ sinh, thai phụ, người suy giảm miễn dịch.

Ngược lại, khi tỷ lệ tiêm chủng thấp, dịch sởi xảy đến. 

Để phòng sởi, bên cạnh vaccine, Bộ Y tế khuyến cáo gia đình không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với người nghi mắc sởi. Người lớn thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ, giữ vệ sinh thân thể, mũi họng, mắt và răng miệng cho trẻ hàng ngày.

Gia đình đảm bảo nơi ở sạch sẽ, thông thoáng. Nhà trẻ, mẫu giáo, trường học, nơi tập trung đông trẻ em cần sạch sẽ, thông thoáng, khử trùng đồ chơi, dụng cụ học tập, phòng học... Trẻ cần có chế độ ăn đa dạng, đảm bảo đủ dinh dưỡng, vận động thường xuyên nhằm tăng cường thể trạng.

Gia đình, thầy cô cách ly và đưa trẻ đến cơ sở y tế khi có dấu hiệu như sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban. Người lớn có các dấu hiệu trên cũng cần thăm khám ngay để được điều trị đúng cách. Người bệnh không tự điều trị tại nhà hoặc vượt tuyến khi không cần thiết để tránh quá tải và lây nhiễm chéo trong bệnh viện.

Biến chứng của bệnh sởi

Bệnh sởi chủ yếu lây qua đường hô hấp do hít phải dịch tiết mũi họng bắn ra, khuếch tán trong không khí hoặc tiếp xúc trực tiếp với đồ vật, chất tiết đường mũi họng của người bệnh. Thời kỳ ủ bệnh kéo dài từ 7 - 18 ngày, trung bình 10 ngày. Thời kỳ lây truyền từ 5 ngày trước cho tới 5 ngày sau phát ban.

Dấu hiệu nhận biết bệnh sởi: Sốt và phát ban là hai biểu hiện chính của bệnh. Trẻ thường sốt cao, khi sốt giảm sẽ xuất hiện ban dạng sần (gồ lên mặt da) ở sau tai, sau đó lan ra mặt, lan dần xuống ngực bụng và toàn thân.

Sau 7 đến 10 ngày, ban biến mất theo thứ tự đã nổi trên da và để lại những vết thâm thường gọi là “vằn da hổ”. Ngoài ra bệnh còn kèm theo một số biểu hiện khác như: chảy nước mũi, ho, mắt đỏ, tiêu chảy…

Sởi là bệnh lành tính nhưng nếu phát hiện muộn hoặc không được điều trị kịp thời sẽ gây ra các biến chứng nguy hiểm như: Viêm tai giữa cấp, viêm phế quản, tiêu chảy, mờ hoặc loét giác mạc, viêm phổi nặng có thể dẫn đến tử vong, trẻ nhỏ có thể bị suy dinh dưỡng, phụ nữ có thai mắc sởi có thể gây sảy thai, đẻ non…/.

Nguồn: Thùy Dung/doisongphapluat.com.vn