Sau 1.4, xe chạy qua BOT Xa lộ Hà Nội phải trả phí bao nhiêu?

Phiên bản để inGửi EmailPhiên bản PDF
Sau 1.4, xe chạy qua BOT Xa lộ Hà Nội phải trả phí bao nhiêu?

Trạm thu phí BOT Xa lộ Hà Nội chuẩn bị kết thúc 1 năm thực hiện giảm 10% giá vé nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch bệnh Covid-19. 

Nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch bệnh Covid-19, giá vé qua trạm BOT Xa lộ Hà Nội đã được UBND TP.HCM điều chỉnh giảm 10% trong năm đầu tiên (từ 0 giờ ngày 1.4.2021 - 24 giờ ngày 31.3.2022), tức từ 25.000 đồng - 140.000 đồng tương ứng với từng loại phương tiện.

Bà Nguyễn Mai Bảo Trâm, Phó Tổng giám đốc Công ty CP đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) (chủ đầu tư) cho biết từ ngày 1.4, giá vé qua trạm thu phí này sẽ quay về bảng giá đã được UBND TP phê duyệt. Tuy nhiên, với mức thuế giá trị gia tăng chỉ còn 8% theo chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế sau đại dịch của Chính phủ, mức giá dịch vụ đường bộ tại Trạm thu phí Xa lộ Hà Nội cũng được cập nhật thay đổi.

Trạm BOT Xa lộ Hà Nội chính thức thu phí từ 0 giờ ngày 1.4.2021 - ĐOC LAP

Cụ thể, xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn và các loại xe buýt vận tải hành khách công cộng có giá vé là 27.000 đồng/vé/lượt; Xe từ 12 - 30 ghế ngồi, xe tải có tải trọng từ 2 - dưới 4 tấn: 41.000 đồng/vé/lượt; Xe từ 31 ghế ngồi trở lên, xe tải có tải trọng từ 4 - dưới 10 tấn: 54.000 đồng/vé/lượt; Xe tải có tải trọng từ 10 - dưới 18 tấn, xe chở hàng bằng container 20 ft: giá vé 108.000 đồng/vé/lượt; Đối với xe tải có tải trọng trên 18 tấn, xe chở hàng bằng container 40 ft: giá vé là 152.000 đồng/vé/lượt.

Bảng giá thu phí theo Quyết định số 922 của UBND TP.HCM

Bảng giá được cập nhật mới nhất sau khi áp dụng mức thuế VAT là 8%

Như vậy sau khi cập nhật mức thuế VAT 8%, giá vé qua trạm BOT Xa lộ Hà Nội giảm từ 1.000 - 3.000 đồng/vé/lượt tương ứng với từng loại phương tiện.

Dự án mở rộng xa lộ Hà Nội có chiều dài 15,7 km, từ chân cầu Sài Gòn (quận 2 cũ) đến nút giao thông Tân Vạn (tiếp giáp dự án xây dựng cầu Đồng Nai mới) khởi công vào năm 2010. Theo quy hoạch, mặt cắt ngang của tuyến được UBND TP quy hoạch rộng 113,5 m và 153,51 m; quy mô từ 14 - 20 làn xe. Dự án gồm 3 đoạn: Từ cầu Sài Gòn đến nút giao Bình Thái (dài 6,2 km); Từ nút Bình Thái đến nút giao Trạm 2 (dài 5,3 km) và từ nút giao Trạm 2 đến nút giao Tân Vạn (dài 4,2 km).

Theo quy định trong Phụ lục Hợp đồng BOT, dự án bắt đầu thu phí từ ngày 1.10.2008. Thế nhưng phải tới tháng 4.2021, tức sau 14 năm, doanh nghiệp mới chính thức được thu phí hoàn vốn dù đã hoàn thành 100% trục đường chính, nâng cấp, rải nhựa toàn bộ đoạn Dĩ An (Bình Dương) cho xe lưu thông, hoàn thành 93% trục đường song hành bên phải và 74% trục đường song hành bên trái, tạo ra một tuyến đường rộng, đẹp, có dải phân cách và cây xanh dọc tuyến./.

Nguồn: Hà Mai/thanhnien.vn