
Stablecoin là loại tiền mã hóa được thiết kế để giữ giá ổn định, thường neo theo tỷ giá 1:1 với đồng USD, và được sử dụng phổ biến để giao dịch giữa các loại tài sản số.
Ngày 17/7, Hạ viện Mỹ đã thông qua một dự luật nhằm thiết lập khuôn khổ quản lý đối với các loại tiền điện tử gắn với đồng USD, còn gọi là stablecoin, và chuyển dự luật lên Tổng thống Donald Trump - người được cho là sẽ ký ban hành.
Đây được xem là bước ngoặt quan trọng đối với ngành tài sản số, vốn đã vận động hành lang nhiều năm để thúc đẩy luật hóa ở cấp liên bang, trong đó chi hàng trăm triệu USD cho cuộc bầu cử năm ngoái nhằm hỗ trợ các ứng viên thân thiện với tiền điện tử.
Cùng ngày, Hạ viện cũng thông qua hai dự luật khác về tiền điện tử và chuyển sang Thượng viện xem xét. Một dự luật nhằm xây dựng khung pháp lý tổng thể cho lĩnh vực này, trong khi dự luật còn lại cấm phát hành tiền kỹ thuật số do Ngân hàng Trung ương Mỹ phát hành.
Đồng stablecoin. (Nguồn: ictvietnam)
Dự luật stablecoin - gọi là Đạo luật Genius - cùng với dự luật về cấu trúc thị trường tiền điện tử - gọi là Đạo luật Clarity - đều nhận được sự ủng hộ lưỡng đảng đáng kể. Dự luật Genius được thông qua với 308 phiếu thuận và 122 phiếu chống.
Stablecoin là loại tiền mã hóa được thiết kế để giữ giá ổn định, thường neo theo tỷ giá 1:1 với đồng USD, và được sử dụng phổ biến để giao dịch giữa các loại tài sản số. Việc sử dụng stablecoin đã gia tăng mạnh trong những năm gần đây, với kỳ vọng có thể dùng để chuyển tiền tức thì.
Nếu được ký thành luật, Đạo luật Genius sẽ yêu cầu các stablecoin phải được bảo đảm bằng tài sản thanh khoản như USD hoặc trái phiếu kho bạc ngắn hạn, đồng thời yêu cầu các tổ chức phát hành phải công bố thành phần dự trữ hàng tháng.
Giám đốc điều hành Hiệp hội Blockchain, bà Summer Mersinger - cựu quan chức Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai (CFTC) - nhận định: “Đây là thời khắc mang tính bước ngoặt trong tiến trình xây dựng chính sách tài sản số tại Mỹ."
Ngành tiền điện tử từ lâu đã kêu gọi Quốc hội thông qua luật nhằm thiết lập quy định rõ ràng cho các loại tài sản số, với lập luận rằng một khung pháp lý minh bạch sẽ giúp stablecoin và các loại tiền điện tử khác được sử dụng rộng rãi hơn.
Hạ viện Mỹ cũng từng thông qua một dự luật stablecoin hồi năm ngoái, song khi đó Thượng viện do đảng Dân chủ kiểm soát đã không đưa ra xem xét. Tổng thống Trump hiện theo đuổi mục tiêu cải tổ toàn diện chính sách tiền điện tử của Mỹ.
Tuy nhiên, một số dự án tiền mã hóa liên quan đến cá nhân ông Trump - bao gồm đồng meme coin có tên $TRUMP ra mắt tháng 1 và công ty tiền số World Liberty Financial do ông đồng sở hữu - từng gây tranh cãi ở Đồi Capitol.
Nhà Trắng khẳng định không tồn tại xung đột lợi ích liên quan đến ông Trump, vì các tài sản của ông đều được quản lý bởi quỹ ủy thác do con ông điều hành.
Trong khi đó, Đạo luật Clarity - được Hạ viện thông qua với tỷ lệ 294 phiếu thuận, 134 phiếu chống - sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc xác định khi nào một loại tiền điện tử được coi là chứng khoán hay hàng hóa, từ đó làm rõ thẩm quyền giám sát của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) đối với lĩnh vực này - một vấn đề từng gây tranh cãi gay gắt trong thời chính quyền ông Joe Biden.
Các công ty tiền điện tử lập luận rằng phần lớn loại tiền điện tử nên được phân loại là hàng hóa, giúp các nền tảng giao dịch có thể cung cấp dễ dàng hơn mà không phải tuân thủ nhiều quy định nghiêm ngặt về chứng khoán.
Đạo luật Clarity cần được Thượng viện thông qua trước khi chuyển tới Tổng thống Trump ký thành luật.
Một số nghị sỹ Dân chủ phản đối mạnh dự luật này, cho rằng đây có thể là “món quà” dành cho các dự án tiền điện tử liên quan đến ông Trump, do quy định giám sát được nới lỏng.
Dự luật cấm phát hành tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương Mỹ cũng được Hạ viện thông qua trong ngày, với lý do phía Cộng hòa cho rằng loại tiền này có thể xâm phạm quyền riêng tư của người dân. Đây là chủ đề gây tranh cãi trong các cuộc thảo luận của Hạ viện tuần này./.
Nguồn: Thanh Tùng/vietnamplus.vn