Phương án thiết kế cầu Trần Hưng Đạo đạt điểm cao nhất có gì đặc biệt?

Phiên bản để inGửi EmailPhiên bản PDF
Phương án thiết kế cầu Trần Hưng Đạo đạt điểm cao nhất có gì đặc biệt?

Phương án thiết kế số 12 cầu Trần Hưng Đạo đạt số điểm cao nhất của Hội đồng chấm thi và sẽ được triển lãm, lấy ý kiến rộng rãi...

Sau hơn 2 tháng tổ chức thi tuyển, đơn vị tổ chức phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo bắc qua sông Hồng đã chọn được 3 tác phẩm nổi trội nhất để trình UBND TP. Hà Nội.

Trong đó, phương án số 12 của liên danh tư vấn thiết kế: Công ty TNHH Kiến trúc NIWA - Công ty TNHH Chodai & Kiso-Jiban Vietnam - Công ty TNHH Chodai - Công ty TNHH Thiết kế Kiến trúc NH Village được Hội đồng chấm thi cho điểm cao nhất.

Điểm nhấn từ những làn sóng uốn lượn trên vòm cầu

Chia sẻ với PV Báo Giao thông về phương án thiết kế này, KTS. Takashi Niwa, Giám đốc Công ty TNHH Kiến trúc Niwa cho biết, ý tưởng xây dựng xuất phát từ mong muốn cây cầu không chỉ đơn thuần phục vụ giao thông mà còn là sự tổng hòa của không gian khu vực.

Thiết kế cầu Trần Hưng Đạo theo phương án số 12 được lấy cảm hứng từ sự giao thoa giữa một Hà Nội cổ kính và Hà Nội hiện đại hai bên bờ sông Hồng

“Trải qua quá trình đô thị hóa. Hà Nội không chỉ mang trong mình lịch sử lâu đời với những nét cổ xưa, truyền thống của 36 phố phường mà hiện tại, Thủ đô của Việt Nam còn đang phát triển mạnh mẽ về phía Đông, bên kia sông Hồng.

Cây cầu được thiết kế sẽ trở thành trung tâm của Hà Nội mới, kết nối khu phố cổ với các khu vực mới đang phát triển thông qua hình ảnh những làn sóng uốn lượn trên vòm cầu, tạo nên những vòng kết nối vô tận.

Nói một cách khác, biểu tượng sóng là sự giao thoa giữa lịch sử, hiện tại và tương lai. Những làn sóng liên tục cũng mang lại sự liên tưởng về hình tượng rồng Thăng Long bay lên, thể hiện sự phát triển trường tồn và tinh thần nhiệt huyết của người Hà Nội”, KTS. Takashi Niwa nói.

Nêu quan điểm trước một số ý kiến cho rằng, phương án thiết kế cầu dù mang tính chất nghệ thuật, song, chưa thể hiện được sự uy nghiêm, mạnh mẽ đúng với khí chất của một vị anh hùng dân tộc, KTS. Takashi Niwa thừa nhận, so với sự vững chắc, khỏe khoắn của cầu Long Biên kế bên, dáng dấp thiết kế của cầu Trần Hưng Đạo do liên danh thực hiện thiên về sự mềm mại.

“Nhìn lại chiều dài lịch sử Việt Nam, ngoài sự uy nghiêm, mạnh mẽ, vẫn còn đó sự mềm mại, uyển chuyển để kết nối sức mạnh, linh hồn dân tộc, tạo nên khối đoàn kết dân tộc, sức mạnh tổng hợp dẹp bỏ thế lực thù địch, xây dựng nên một Việt Nam thái hòa, thịnh vượng. Đó là triết lý, cũng là ý tưởng liên danh thiết kế gửi gắm trong tác phẩm”, KTS. Takashi Niwa chia sẻ thêm.

Trong khi đó, theo ông Hồ Thái Hùng, Tổng giám đốc Công ty TNHH Chodai&Kiso-Jaban Việt Nam - đơn vị tham gia liên danh thiết kế phương án 12 cầu Trần Hưng Đạo, kiến trúc hiện đại thường không tả thực mà thiên về tính gợi.

"Ví dụ, ở cầu Trần Hưng Đạo, tính gợi đến vị anh hùng dân tộc sẽ thể hiện qua hàng loạt yếu tố: một số sắc vàng ngọc trai biểu tượng hoàng gia, hình ảnh chiến thuyền trên sông, vòm cầu với những cơn sóng thể hiện dáng dấp của sóng Bạch Đằng. Một công trình càng gợi lên nhiều ẩn dụ càng có sức hấp dẫn”, ông Hùng dẫn chứng.

Theo phương án tính toán ban đầu, dự án cầu Trần Hưng Đạo có vốn đầu dự kiến hơn 8.900 tỷ đồng, được thực hiện theo hình thức BOT. Thời gian thu phí hoàn vốn dự kiến khoảng 20 năm, tiến độ thực hiện dự án từ năm 2022-2025.

Theo phương án thiết kế của liên danh, cầu Trần Hưng Đạo sẽ được thiết kế với phần cầu chính là cầu vòm thép, các trụ bằng bê tông vĩnh cửu

Tiết giảm chi phí thi công 3 - 5%

Trên cơ sở quyết định nhiệm vụ thiết kế phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo được cơ quan chức năng TP. Hà Nội ban hành, liên danh tư vấn đã nghiên cứu, đưa ra phương án xây dựng tối ưu về kiến trúc.

Cụ thể, cây cầu sẽ có điểm đầu tại ngã năm Trần Hưng Đạo - Trần Thánh Tông, Lê Thánh Tông. Điểm cuối tại điểm giao với đường Vũ Đức Thuận (Km5+570). Tổng chiều dài tuyến khoảng 5,5km qua các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Long Biên. Trong đó, phần cầu chính có chiều dài 900m, thiết kế cầu vòm giản đơn 6 nhịp, mỗi nhịp 150m.

“Với thiết kế trên, tổng dự toán thấp hơn ngân sách đưa ra từ đầu khoảng 3 - 5%. Trong nhiệm vụ thiết kế được duyệt hơn 8.900 tỷ đồng, dự kiến phương án này khoảng 8.670 tỷ (không tính sự biến động của chi phí GPMB). Tổng thời gian thi công dự kiến 33 tháng”, KTS. Takashi Niwa thông tin.

Chia sẻ rõ hơn về phương án thiết kế cầu Trần Hưng Đạo, theo ông Nguyễn Sơn Tùng, Giám đốc kỹ thuật Công ty TNHH Chodai&Kiso-Jaban VN, cầu sẽ được chia làm hai hướng, mỗi hướng 3 làn xe, gồm 2 làn xe cơ giới và 1 làn xe hỗn hợp (phía trong cùng bên phải mỗi hướng). Ngoài ra, tư vấn đề xuất tận dụng các khoảng không có kích thước tĩnh không nhỏ để bố trí làn xe đạp mỗi bên tại các vị trí sát vành vòm.

Phần đường dành cho người đi bộ được tư vấn bố trí phía ngoài vành vòm. Trên phần đường dành cho người đi bộ có các điểm chụp hình tại các vị trí trụ.

Liên quan đến công nghệ thi công, ông Tùng cho biết, ở Việt Nam, hầu hết cầu vòm như: cầu Đông Trù, cầu Hoàng Văn Thụ,... được thi công với công nghệ cầu vòm ống thép nhồi bê tông. Tại cầu Trần Hưng Đạo, vòm được sử dụng vòm thép, là công nghệ khác biệt hoàn toàn.

Phần kết cấu lựa chiều dài nhịp 150m để đảm bảo tính khả thi, hiệu quả trong lắp đặt. Liên danh tư vấn thiết kế cũng đề xuất lựa chọn 6 nhịp giản đơn với cùng một kiểu dáng để quá trình thi công có thể tối ưu công nghệ và thời gian.

“Công nghệ thi công trong phạm vi các nhà thầu Việt Nam có thể sản xuất và thi công, miễn là tuân thủ tiêu chí, chỉ dẫn thiết kế”, ông Tùng nói và cho biết thêm, về khổ thông thuyền, cầu Trần Hưng Đạo nằm giữa, phía thượng lưu có các cầu Chương Dương, Long Biên, Nhật Tân; Phía hạ lưu có các cầu: Vĩnh Tuy, Thanh Trì. Kích thước thông thuyền áp dụng cho cầu Trần Hưng Đạo sẽ tương ứng với các cầu hiện hữu với bề rộng quy định là 50m, cao 9,5m.

Các chuyên gia cho rằng, giữa những cây cầu xưa cũ, Hà Nội đã đến lúc cần một cây cầu mang tính nghệ thuật cao và tạo điểm nhấn du lịch

Đắt gần gấp đôi cầu Vĩnh Tuy và gấp 4 lần cầu Hưng Hà

Chia sẻ về ý tưởng thiết kế này, Nhà Hà Nội học Nguyễn Ngọc Tiến cho biết, thực tế cho thấy, hầu hết các cây cầu bắc qua sông Hồng tại Hà Nội hiện nay đều ít tính thẩm mỹ. Vì vậy, cây cầu có tính mỹ thuật cao sẽ là cây cầu phù hợp nhất nên xây dựng ở thời điểm này.

"Nhìn vào hình ảnh phương án thiết kế số 12, bằng cảm nhận cá nhân, tôi cho rằng những làn sóng uốn lượn lên xuống sẽ là giải pháp tạo ra sự mềm mại so với các cây cầu khác. Cùng đó, việc xây dựng một cây cầu đa chức năng như tính toán của liên danh thiết kế phương án kiến trúc cũng nên làm, thể hiện sự công bằng cho cả người đi bộ và xe thô sơ".

Trong khi đó, theo TS. Nguyễn Hữu Đức, nguyên chuyên gia Jica, dù bản vẽ thiết kế chi tiết cho phương án kiến trúc cây cầu chưa có, song, việc đơn vị thiết kế tính toán được cây cầu vừa thêm công năng, vừa tiết giảm được chi phí so với dự toán ban đầu là đáng mừng.

Trong bối cảnh hiện nay, mỗi cây cầu tại các thành phố lớn như Hà Nội, ngoài việc phục vụ đi lại còn nên là điểm nhấn trong du lịch. Trong số tất cả cây cầu của Hà Nội hiện tại, chưa có cầu nào có công năng đặc biệt như vậy.

Liên quan đến mức đầu tư ước tính liên danh thiết kế phương án số 12 đưa ra, TS Đức cho rằng, đây là mức đầu tư không phải quá lớn. “Có những tuyến cao tốc mức đầu tư lớn hơn nhiều chúng ta vẫn tính toán, huy động nguồn lực xã hội được. Quan trọng là quá trình trình khai thác cần phải tính toán mức thu phí hợp lý để hài hòa lợi ích giữa người dân và nhà đầu tư”, TS Đức nói.

Tìm hiểu kỹ hơn 3 phương án thiết kế cầu Trần Hưng Đạo được Hà Nội dự kiến triển lãm, KTS Trân Huy Ánh, Ủy viên thường vụ BCH Hội KTS Hà Nội nhận xét: Cả ba phương án làm tốt nhất các yêu cầu trong đầu bài thi đặt ra, dựa trên các dạng hình học khống chế để uốn éo cho lạ mắt… nhưng cũng không vượt khỏi các định dạng kết cấu cơ bản.

Tuy nhiên, điều khiến vị kiến trúc sư này trăn trở là thiết kế càng uốn éo thì giá thành chế tạo càng tăng, tổng đầu tư xây dựng tăng và sẽ còn tăng mạnh sau này khi vận hành duy tu sửa chữa.

“Tôi cũng chưa rõ cầu này lấy tiêu chí nào làm ưu tiên. Nếu ưu tiên là giá thành thì cầu này với cùng nhiệm vụ 6 làn xe chạy 80km/h với chiều dài cầu và đường dẫn tương đương… cầu Trần Hưng Đạo sẽ có mức đầu tư hơn 9.000 tỷ, đắt gần gấp đôi cầu Vĩnh Tuy và gấp 4 lần cầu Hưng Hà nối Hưng Yên với Nam Hà mới khánh thành”, ông Ánh nói.

"Hà Nội có kế hoạch triển lãm các phương án được chấm điểm cao nhất, lấy ý kiến cộng đồng là cách làm rất hợp lý.

Tuy nhiên, cuộc thi mới lựa chọn được phương án phương án kiến trúc. Để xác định được tính khả thi trong thực tế, trong thời gian lấy ý kiến công luận, phía chủ đầu tư cũng phải yêu cầu các bên có phương án được đưa ra lấy ý kiến thăm dò giải trình tất cả các vấn đề liên quan đến tính khả thi về kỹ thuật, thi công, độ bền vững, tuổi thọ công trình, sự hòa nhập về cảnh quan kiến trúc sao cho một cây cầu vừa đẹp, hiện đại, vừa bền vững, công năng khai thác gồm cả phần cầu chính và kết nối giao thông,… để người dân hiểu rõ hơn.

Cùng với lấy ý kiến người dân, cấp thẩm quyền và chủ đầu tư cũng có thể xem xét cụ thể về tính khả thi, ứng dụng thực tế. Sau đó mới lấy đó làm cơ sở để quyết định", TS Nguyễn Ngọc Long, nguyên Phó Chú tịch Hội KHKT Cầu đường Việt Nam./.

Nguồn: Nam Khánh - Lê Tươi/baogiaothong.vn