Bộ phim khắc họa một cách sâu sắc và chân thực về vấn nạn bạo hành gia đình tại Việt Nam lên các thế hệ cũng như mô tả ảnh hưởng nặng nề có thể xảy đến với lứa thanh-thiếu nhi trong tương lai.
Sau sự cố đáng tiếc về nam sinh lớp 10 nhảy lầu tại Hà Nội gây chấn động thời gian qua, vấn đề tổn thương tâm lý và những ảnh hưởng tiêu cực từ gia đình được cộng đồng quan tâm hơn bao giờ hết.
Cùng với đó, vấn nạn bạo hành trong gia đình tại Việt Nam ngày nay đã phần nào được nhận thức một cách mở rộng và rõ ràng hơn. Tuy nhiên, nhiều vấn đề tâm lý-tâm thần vẫn còn bị xem nhẹ, gặp nhiều hoài nghi từ xã hội... Khi hành động dạy dỗ bằng đòn roi đã dần giảm, nguy cơ bạo hành gia đình vẫn có thể lẩn khuất đâu đó trong chính lời nói hàng ngày.
"Đêm tối rực rỡ" - một bộ phim độc lập ra đời trong bối cảnh ấy đã xoay quanh những bi kịch và hậu quả về tâm lý trong một gia đình mà ở đó, ai cũng là nạn nhân của bạo hành. Phim không làm cho trẻ em xem, mà hướng tới khán giả là những người trưởng thành có nhận thức đầy đủ về tác động họ có thể tạo cho trẻ em và những người xung quanh mình.
''Đêm tối rực rỡ,'' bộ phim đi từ xung đột, bi kịch trong một gia đình đến sự chữa lành cho nhiều người. (Ảnh: ĐPCC)
Khắc họa thành công các biểu hiện sang chấn tâm lý
Với đề tài xã hội gai góc, "Đêm tối rực rỡ" hiện đang nhận được khá nhiều sự quan tâm của khán giả và cả những nhận xét tích cực từ các nhà chuyên môn trong lĩnh vực tâm lý. Phim ra mắt ngày 8/4 và đang được chiếu rộng rãi trên toàn quốc.
Bộ phim gây chú ý một phần vì đạo diễn Aaron Toronto vốn là một nhà làm phim người Mỹ, đã có hơn 20 năm sống và nhiều năm làm việc trong ngành điện ảnh tại Việt Nam. Vợ anh - nữ diễn viên Nhã Uyên với những trải nghiệm từng bị bạo hành trong quá khứ vừa đảm nhận vai chính, vừa là người chắp bút cho kịch bản bộ phim.
“Đêm tối rực rỡ” với nội dung xoay quanh vấn nạn nhức nhối, vô hình này đã lần lượt khắc họa tấn bi kịch của gia đình ông Toàn (diễn viên Kiến An) - một người cha gia trưởng, trọng nam khinh nữ, từng nhiều lần đánh mắng vợ, con thậm tệ trong quá khứ.
Poster hé lộ về tình huống chuyện phim. (Ảnh: ĐPCC)
Qua trailer phim, khán giả được biết trong quá khứ, bà Gái (diễn viên Phương Dung) - vợ ông Toàn từng bị chồng dìm đầu xuống nước trước sự chứng kiến của cô con gái nhỏ Xuân Thanh (Nhã Uyên). Khi cả gia đình tề tựu để tiễn đưa người ông quá cố, cô gái trưởng thành nhưng mang theo nhiều vết thương tâm lý, ngập ngừng không muốn bước vào nhà, trên tay cầm sẵn một con dao gấp. Nhiều bi kịch xoay quanh Xuân Thanh và các thành viên khác trong gia đình cũng lần lượt lộ diện.
Chuyên gia tâm lý lâm sàng - Phó giáo sư, tiến sỹ Đặng Hoàng Minh (Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận xét “Đêm tối rực rỡ” đã khắc họa thành công các biểu hiện sang chấn tâm lý, trải nghiệm tuổi thơ tiêu cực, sang chấn tích hợp...
“Đôi khi chúng ta chỉ nhìn thấy những trải nghiệm tuổi thơ tiêu cực qua bạo hành, đánh đập... Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới đã đưa ra 13 dạng trải nghiệm khác nhau, những điều nhân vật Xuân Thanh gặp phải bao gồm cả bị bố bạo hành về tinh thần và thể chất, bên cạnh đó còn các vấn đề phức tạp liên quan đến việc đối mặt với nợ nần, giang hồ trong phim...,” ông Đặng Hoàng Minh khẳng định.
Những dấu hiệu tổn thương đã dần có thể thấy trước ở tương lai của thế hệ nhỏ tuổi. (Ảnh: ĐPCC)
Một điều đáng chú ý mà các chuyên gia nhận thấy ở “Đêm tối rực rỡ” đó là khái quát được bối cảnh ảnh hưởng tâm lý qua nhiều thế hệ. Ở đó, bản thân ông Toàn cũng là một nạn nhân vì từng bị cha mình dạy dỗi bằng đòn roi, rồi những ảnh hưởng tiêu cực lại tiếp tục truyền từ ông Toàn tới ba người con.
Qua diễn tiến phim, bà Đặng Hoàng Minh nhận thấy bóng dáng của những ảnh hưởng đó lên các cháu của nhân vật ông Toàn.
Phó giáo sư, tiến sỹ Trần Thành Nam (Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) sau khi xem cũng nhận xét “Đêm tối rực rỡ” đã cho thấy sự tinh tế thông qua những hồi tưởng về trải nghiệm tiêu cực (thể hiện ảnh hưởng của chứng rối loạn hậu sang chấn - PTSD); hay hành động tự làm đau về thể chất để quên đi nỗi đau về tinh thần... “Đó là những yếu tố đắt mà chỉ nhà chuyên môn mới giúp khắc họa được,” ông nhận xét.
Tự chữa lành nỗi đau
Trước câu hỏi liệu "Đêm tối rực rỡ" có gây ảnh hưởng tiêu cực tới khán giả đang gặp vấn đề về tâm lý hay không, các chuyên gia đều cho rằng bộ phim có chức năng chữa lành nhờ cái kết nhân văn.
Đối mặt với vết thương quá khứ, chúng ta không thể cứ băng bó tạm rồi bỏ đấy. Phó giáo sư Trần Thành Nam nhận xét: "Những vết thương như vậy sẽ rất hiếm có khả năng lành lại, mà sẽ mưng mủ, hoại tử và lan truyền hơn nữa."
Chính vì vậy với ông, xem bộ phim này cũng là cách đối mặt với nỗi đau ấy, để có thể tự chữa lành, dũng cảm đối diện với nó và vượt qua chính mình.
“Chúng ta không thể thay đổi quá khứ, nhưng có thể chọn thay đổi cách nhìn lại và diễn giải về những biến cố ấy. Những hình ảnh cuối phim, theo cảm nhận của tôi, là sự trút bỏ gánh nặng. Giống như cách dừng lại vòng luẩn quẩn, ngăn nó truyền đến cho con cái của mình,” ông Nam nói thêm.
Nhờ vậy, “Đêm tối rực rỡ” được nhận xét là sẽ góp một tiếng nói có sức ảnh hưởng, thức tỉnh người xem về những hậu quả từ những trải nghiệm tiêu cực ấy.
(Từ trái sang) tiến sỹ Lê Nguyên Phương, phó giáo sư-tiến sỹ Trần Thành Nam, phó giáo sư-tiến sỹ Đặng Hoàng Minh, tiến sỹ Hoàng Văn Tiến (cầm mic), đạo diễn Aaron Toronto và nữ diễn viên Nhã Uyên trong buổi ra mắt phim tại Hà Nội. (Ảnh: CJ)
Để xây dựng bộ phim chân thực, chính xác về mặt khoa học, đạo diễn Aaron Toronto đã cùng biên kịch Nhã Uyên đi xin tư vấn từ các nhà chuyên môn. Các chuyên gia gồm tiến sỹ tâm lý học Lê Nguyên Phương và tiến sỹ, bác sỹ Hoàng Văn Tiến – Giám đốc Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội).
Nhận thấy những tác động tiêu cực của bạo hành lên trẻ nhỏ, qua quỹ, đạo diễn Aaron Toronto đã cam kết trích 3% doanh thu phòng vé trước khi phim lên rạp, để đóng góp cho các hoạt động vì trẻ em Việt Nam như mổ tim, nụ cười cho em, trẻ chịu ảnh hưởng từ dịch COVID-19...
Trước động thái đó, ông Hoàng Văn Tiến bày tỏ sự cảm kích với tấm lòng một người nước ngoài với trẻ em Việt. Là người làm công tác về trẻ em suốt 30 năm qua, ông Tiến nhận xét bộ phim có thể phản ánh, nhắc nhở xã hội về giải pháp tháo gỡ cho trẻ em chịu bạo hành.
“Chính sự hưởng ứng cho phim là gián tiếp giúp trẻ em Việt Nam có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được chăm sóc tốt hơn thời gian tới; thực hiện được mục tiêu mà chính phủ và Quốc hội hướng tới, đó là giảm bạo hành, các tác động tiêu cực... lên sự phát triển của trẻ em,” tiến sỹ Hoàng Văn Tiến nói./.
"Tôi mượn vốn sống của Uyên rất nhiều" Đạo diễn Aaron Toronto tự nhận tuy sống ở Việt Nam đã lâu, nhưng sẽ luôn mang góc nhìn của một người nước ngoài. Chính vì vậy, anh phải mượn vốn sống của vợ mình - diễn viên, biên kịch Nhã Uyên rất nhiều để thực hiện bộ phim. Để xây dựng hình ảnh đám tang đặc trưng của miền Nam một cách chính xác, hai vợ chồng nữ diễn viên đã đến khoảng 3, 4 nhà tang lễ để hỏi về quy trình từng ngày để tang, có những lễ gì, cúm cơm ra sao, cách thức trang hoàng như thế nào... Liên tục từ khi viết kịch bản đến khi quay xong, đoàn phim chọn một nơi cụ thể tại Biên Hòa để tham khảo đúng tục lệ địa phương sao cho có những khắc họa chân thực nhất. Đối với những tư liệu về chấn thương tâm lý, Nhã Uyên không chỉ mượn chính trải nghiệm của mình để xây dựng kịch bản và hoàn thành vai diễn, mà còn từ những câu chuyện chị phỏng vấn, chứng kiến và được biết. Đó có thể là câu chuyện về một người bạn tuổi thơ bị mẹ trừng phạt theo một cách nhục nhã, bị đánh tới gẫy chổi hoặc bị cha mẹ chỉ trích, không bao giờ thấy con cái đủ giỏi giang... "Lúc phỏng vấn những người bạn của mình, chúng tôi nhận ra họ đều từng bị bạo hành trong gia đình. Tùy theo mức độ bạo hành, là thể xác hay tinh thần... họ đều khó có thể hạnh phúc được. Tôi cảm nhận được phần nào nỗi đau của họ trong lòng, chính vì vậy chúng tôi đã quyết tâm làm dự án này," Nhã Uyên tâm sự. |
Nguồn: Minh Anh/vietnamplus.vn