"Khu rừng của Páo" dựa trên câu chuyện có thật về cậu bé người Mông phải kết hôn sớm do phong tục. Và Phá - nam diễn viên thủ vai Páo trong phim cũng chính là nhân vật bước ra từ câu chuyện đó.
Trước khi Những đứa trẻ trong sương của đạo diễn Hà Lệ Diễm lọt vào danh sách đề cử rút gọn tại Oscar 2023 cho Phim tài liệu xuất sắc, phim Khu rừng của Páo của đạo diễn Nguyễn Phạm Thành Đạt cũng đã đoạt giải Phim ngắn xuất sắc nhất tại Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ VI. Hai bộ phim đều lấy đề tài về cuộc sống của người Mông.
Phóng viên Lao Động có cuộc trò chuyện với đạo diễn Thành Đạt - người đứng sau bộ phim Khu rừng của Páo.
Là người đã xem và hòa âm cho phim Những đứa trẻ trong sương, anh đánh giá thế nào về bộ phim này khi mang ra đấu trường quốc tế?
Tôi tình cờ là người hòa âm cho phim Những đứa trẻ trong sương và cũng đã có buổi nói chuyện với đạo diễn Hà Lệ Diễm. Trước khi dự Oscar, phim này cũng đã được phát hành ở nước ngoài khá lâu, trước khi lần đầu tiên chiếu ở Việt Nam. Đó là một tín hiệu rõ ràng cho việc phim rất được yêu thích ở nước ngoài.
Bộ phim cũng được chiếu và thắng giải tại nhiều liên hoan phim quốc tế tầm cỡ như IDFA (Hà Lan), Liên hoan phim quốc tế về giáo dục (Festival du film d'éducation, Pháp), Liên hoan phim quốc tế Cork (Ireland)... Đó là minh chứng rõ ràng cho việc bộ phim rất được đón nhận bởi giới chuyên môn và khán giả quốc tế.
Anh có thấy bất ngờ khi có đến 2 tác phẩm khai thác chủ đề về cuộc sống của người Mông được đánh giá cao trong nước và tranh giải quốc tế?
- Tôi thấy rất vui nhưng không bất ngờ, bởi vì trong năm nay, có khá nhiều người sản xuất phim về chủ đề này.
Tôi nghĩ hai bộ phim gây chú ý vì khai thác những nội dung mà khán giả ít thấy trên màn ảnh.
Phim của tôi và đạo diễn Hà Lệ Diễm cùng chủ đề nhưng thuộc 2 trường phái khác nhau. Nhân vật chính của chị Diễm là nữ, còn của tôi là nam, nên góc nhìn đã rất khác nhau.
Nguồn cảm hứng để anh tạo nên câu chuyện về chàng trai người Mông trong “Khu rừng của Páo” xuất phát từ đâu?
- Nguyên gốc nhân vật Páo trong phim là Phá, một người bạn của tôi ở ngoài đời.
Páo (áo đỏ) và đạo diễn Thành Đạt. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Tôi gặp Phá qua một bộ phim trước cũng về người đồng bào dân tộc Mông. Khi đó, cậu ấy là diễn viên phụ trong phim.
Khi gặp Phá, tôi cảm thấy mình không chỉ muốn làm việc chung mà còn muốn làm bạn với cậu ấy. Sau khi trò chuyện, tâm sự, cậu ấy đã cởi mở chia sẻ câu chuyện gia đình của mình cho tôi.
Rất nhiều đêm, cậu ấy đã tâm sự với tôi về cuộc đời mình. Cậu ấy đã kết hôn theo phong tục. Nhưng khi trưởng thành, cậu ấy thích một cô gái khác và cũng không biết phải làm thế nào với vợ con ở nhà.
Đó như một câu hỏi mà tôi không tìm được lời giải. Tôi rất muốn làm một bộ phim về sự bế tắc của mình và cậu ấy. Đồng thời, tôi cũng muốn giới thiệu bộ phim với mọi người, để biết đâu, ai đó sẽ có một góc nhìn mới, một lời giải cho cậu ấy.
Đó là mục đích của tôi khi làm bộ phim này.
Suy nghĩ của anh khi tìm hiểu và xây dựng câu chuyện về chàng trai Mông?
- Bộ phim quay ở Mộc Châu, Sơn La, quê hương của cậu bạn Phá. Bằng tầm này năm ngoái, tôi bắt đầu phát triển kịch bản trong 2 tháng và đi quay trong 1 tháng. Hiện tại, tôi vẫn đang làm hậu kỳ cho một phiên bản khác của bộ phim.
Quá trình làm phim, mọi thứ đều thuận lợi ngoài sức mong đợi của tôi. Ban đầu, tôi định khai thác câu chuyện về Phá nhưng nhắm cho một bạn diễn viên khác đóng. Nhưng cuối cùng, tôi vẫn phải chọn Phá vì có những thứ chỉ tôi và Phá mới biết với nhau.
Khi quay, tôi chỉ đơn giản gợi lại câu chuyện để cậu ấy tìm lại cảm xúc và diễn như vậy. Phá cũng nhiều lần chia sẻ rằng cậu ấy không phải diễn gì cả, vì đó đều là những thứ có sẵn trong người cậu.
Tôi đã làm 2 phim về người Mông, và có một điều rất thú vị là tôi cảm thấy người Mông đóng vai quần chúng tốt hơn nhiều so với người Kinh.
Có thể vì họ không tiếp xúc nhiều với việc ghi hình, chụp ảnh. Khi được mời diễn, họ rất nghiêm túc và coi đó như một công việc của mình, rất tự nhiên và tôi hài lòng về điều đó.
Phim được ghi hình với các diễn viên chủ yếu là người bản xứ tại Mộc Châu, Sơn La. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Cá nhân anh nghĩ thế nào về tục tảo hôn, lấy vợ/chồng sớm của người Mông?
- Sau bộ phim, mọi người phản ứng rất nhiều về cái kết, rằng tại sao tôi không đưa ra góc nhìn cụ thể là phong tục đó tốt hay xấu, ta có nên xóa bỏ hay duy trì nó?
Bản chất từ đầu, tôi chỉ là một người ngoài cuộc, không nằm trong cộng đồng đó nên không có quyền quyết định.
Kể cả khi tôi nói chuyện với Phá về việc cậu ấy có muốn thay đổi phong tục đó không thì cậu ấy luôn nói là không, nhưng vẫn có một sự đắn đo trong câu phủ nhận đó.
Khi quay bộ phim, tôi đã tiếp xúc với rất nhiều người Mông nhưng họ đều xem việc này là bình thường, giống như việc mình lấy vợ mà thôi. Chỉ trong một số trường hợp hi hữu thì nó trở thành bi kịch, còn hầu hết mọi người vẫn sống vui vẻ với điều đó.
Tôi nghĩ như thế thì tôi đâu có quyền bảo rằng điều này là tốt hay xấu và ta có nên thay đổi hay không?
Một hình ảnh trong quá trình làm phim. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Anh muốn truyền tải thông điệp gì qua bộ phim "Khu rừng của Páo"?
- Tôi muốn truyền tải thông điệp rằng không chỉ Phá mà tất cả mọi người nên được tự do khi lựa chọn tình yêu. Bất kể việc những phong tục, tập quán có còn tồn tại hay không, miễn là mọi người được tự do lựa chọn người để cưới theo đúng tình yêu, cảm xúc thật của mình.
Theo anh, tại sao Khu rừng của Páo và Những đứa trẻ trong sương lại được đánh giá cao? Phải chăng nhờ chất liệu văn hóa bản địa đậm đặc trong phim?
- Theo tôi, thành công lớn nhất của bộ phim là nói lên câu chuyện cuộc sống của con người với một ý tưởng độc đáo về hình ảnh.
Sức hút về giá trị văn hóa bản địa của một dân tộc cũng là yếu tố quan trọng. Theo tôi, người Việt Nam xem phim sẽ nhìn nhận rõ hơn khán giả thế giới.
Còn với bạn bè quốc tế, khi trò chuyện, tôi thấy rằng họ nhìn nhận văn hóa của người Mông hay người Việt nói chung đều ở góc độ rất mới mẻ, khác biệt so với văn hóa nước họ./.
Nguồn: Trang Ngọc/laodong.vn