Nước biển dâng nuốt chửng thị trấn nghỉ dưỡng Brazil

Phiên bản để inGửi EmailPhiên bản PDF
Nước biển dâng nuốt chửng thị trấn nghỉ dưỡng Brazil

Kền kền lang thang giữa những ngôi nhà hoang tàn ở thị trấn Atafona, khi nước biển ăn mòn biến đường bờ biển nơi đây thành cảnh quan tận thế.

Nước biển ở Đại Tây Dương ăn sâu trung bình gần 6 mét mỗi năm vào thị trấn nhỏ phía bắc bang Rio de Janeiro. Thị trấn này từ lâu đã có xu hướng bị ăn mòn nghiêm trọng, nay càng trầm trọng hơn do biến đổi khí hậu.

Biển đã nhấn chìm hơn 500 ngôi nhà, biến đường bờ biển bình dị một thời thành nghĩa địa dưới nước với những công trình bị đắm.

Một trong những người tiếp theo sẽ mất nhà là Joao Waked Peixoto. Bước qua đống đổ nát ngổn ngang của nơi từng là nhà hàng xóm, anh nhìn vào những gì còn sót lại, gồm mảnh vỡ của căn phòng sơn màu xanh lơ với những cuốn tạp chí rách nát, một chiếc xe đạp và các tàn tích khác của cuộc sống.

"Khi nào chúng tôi sẽ phải rời đi? Chẳng ai biết được", Waked Peixoto cuối tuần qua cho hay. "Biển tiến sâu 3-4 mét trong 15 ngày. Tường nhà chúng tôi không trụ nổi đến tuần sau".

Ông nội của Waked Peixoto xây ngôi nhà này làm nơi nghỉ dưỡng. Ngôi nhà nằm bên bờ biển với các phòng lớn và một khu vườn. Trong đại dịch Covid-19, Waked Peixoto và gia đình chuyển hẳn về đây sống. Nhưng bây giờ, nguy cơ ngôi nhà bị nước biển nuốt chửng là không thể tránh khỏi.

"Thật tiếc nếu mất ngôi nhà này, vì nó lưu giữ rất nhiều kỷ niệm của gia đình tôi", anh cho hay.

Ảnh chụp từ trên không cho thấy tàn tích của một ngôi nhà bị nước biển dâng cao phá hủy ở thị trấn Atafona, bang Rio de Janeiro, Brazil hôm 7/2. Ảnh: AFP.

Atafona, thị trấn có khoảng 6.000 dân, từ lâu đã bị xói mòn nghiêm trọng. Thị trấn này là một phần của 4% đường bờ biển trên toàn thế giới bị mất từ 5 mét trở lên mỗi năm.

Nhà địa chất học Eduardo Bulhoes thuộc Đại học Liên bang Fluminense của Brazil cho biết vấn đề đang trở nên trầm trọng hơn do hiện tượng ấm lên toàn cầu khiến mực nước biển dâng cao và làm cho các dòng chảy, thời tiết trở nên khắc nghiệt hơn.

Nhưng Atafona đã tồn tại "vấn đề kinh niên" trong nhiều thập kỷ. Sông Paraiba do Sul, đổ ra biển tại cửa sông ở Atafona, đã bị thu hẹp do khai thác mỏ, nông nghiệp và các hoạt động khác, làm cạn kiệt thượng nguồn.

"Trong 40 năm qua, các hoạt động đó đã làm giảm đáng kể lưu lượng của sông, nghĩa là nó vận chuyển ít cát hơn đến Atafona", Bulhoes nói.

Do cát ít đi, các bãi biển của thị trấn ngừng tái tạo tự nhiên, nhường đất cho biển. Việc xây dựng trên bờ biển càng làm vấn đề trở nên tồi tệ hơn do tước đi các cồn cát, thảm thực vật và các lớp bảo vệ tự nhiên của bãi biển.

Ngành du lịch và đánh bắt cá chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. "Những con thuyền lớn không thể đi qua vùng châu thổ sông nữa. Nguồn thu cũng theo đó mà biến mất", Elialdo Bastos Meirelles, người đứng đầu cộng đồng ngư dân địa phương với khoảng 600 người, cho biết. "Dòng sông đã chết".

Du khách đi bộ dọc bãi biển ở thị trấn Atafona, bang Rio de Janeiro, Brazil hôm 7/2. Ảnh: AFP.

Chính quyền địa phương đã nghiên cứu một số kế hoạch để hạn chế xói mòn, trong đó có xây dựng đê ngăn sóng biển và chuyển cát từ đồng bằng sông đến bãi biển. Bulhoes đã đề xuất phương án thứ hai, dựa trên các sáng kiến tương tự ở Hà Lan, Tây Ban Nha và Mỹ.

Nhưng các dự án cho đến nay chỉ tồn tại trên giấy. Quan chức môi trường Alex Ramos nói rằng vẫn chưa ai đưa ra giải pháp dứt điểm và bất kỳ kế hoạch nào trước tiên phải được sự chấp thuận của các cơ quan quản lý môi trường.

Trong khi đó, chính quyền địa phương đã khởi động chương trình trợ giúp xã hội trả 1.200 reais (230 USD) một tháng cho hơn 40 gia đình bị mất nhà do xói mòn. Nhưng những người chỉ trích cáo buộc chính quyền địa phương thiếu ý chí chính trị.

"Chúng tôi liên tục nghe những lời hứa", Veronica Vieira, người đứng đầu hiệp hội khu phố SOS Atafona, cho biết. "Nhưng thị trấn này đã bị bỏ hoang. Đó là ngày tận thế, điều đó khiến bạn chỉ chực khóc"./.

Nguồn: Huyền Lê (Theo AFP)/vnexpress.net