'Em và Trịnh': NSƯT Trần Lực diễn tròn vai, kịch bản còn vụn và ôm đồm

Phiên bản để inGửi EmailPhiên bản PDF
'Em và Trịnh': NSƯT Trần Lực diễn tròn vai, kịch bản còn vụn và ôm đồm

Với việc lựa chọn ngôn ngữ điện ảnh, khâu kịch bản còn vụn và ôm đồm, các phân cảnh đôi khi thiếu tỉ mỉ… đã khiến bộ phim chưa đi hoàn toàn vào trong ký ức người xem.

Là một trong những tượng đài của âm nhạc Việt Nam, Trịnh Công Sơn đã đi vào đời sống người Việt một cách vô thức nhưng mạnh mẽ. Việc khắc họa cuộc đời ông bằng ngôn ngữ điện ảnh là rất cần thiết nhưng liệu 136 phút có đủ?

Thân phận hay tình yêu?

Xuyên suốt sự nghiệp sáng tác của Trịnh Công Sơn, hai “trụ cột” thường được thể hiện trong âm nhạc là thân phận và tình yêu. Có thể thấy ngay từ tiêu đề, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh đã chọn “tình yêu” để khắc họa lại người nhạc sĩ tài hoa và những cuộc tình.

Em và Trịnh lướt qua Thanh Thúy - “bóng hồng” đầu tiên đã mang cho ông trải nghiệm viết ra Ướt mi, Thương một người; sang Bích Diễm, Dao Ánh, Michiko và kết thúc với Hồng Nhung. Trong số những mỹ nhân này, Khánh Ly cũng được thêm vào như một dấu mốc của quãng thời gian viết về “thân phận”.

Các diễn viên trong một cảnh quay ở Huế.

Danh sách chưa đầy đủ vì còn nhiều những “con sông nhỏ” khác đã bỏ ông đi nhưng để họa bức tranh chung nhất trong khoảng thời gian có hạn, đây là công việc đồ sộ mà Phan Gia Nhật Linh cũng như hai nhà biên kịch Nguyễn Thái Hà và Bình Bồng Bột đã làm khá tốt.

Mỗi một “dòng sông” của Trịnh Công Sơn đều được khắc họa bằng hình tượng riêng với các cảnh quay chậm ấn tượng. Nếu Bích Diễm có hàng long não, Dao Ánh có hàng phượng đỏ và những cánh đồng hướng dương; thì những phân cảnh của Trịnh Công Sơn là mưa, cô độc và nỗi cô đơn không thể tỏ bày.

Việc chọn lựa giữa “thân phận” và “tình yêu” rõ ràng một mất một còn. Đối với khán giả đã hiểu rõ Trịnh, Em và Trịnh quá đơn giản. Trong khi với những khán giả chưa biết nhiều đến ông, Trịnh Công Sơn giờ đây cũng như bao người nhạc sĩ khác, suốt đời ôm lấy ảo mộng tình yêu. Với thời lượng có hạn và là phim đầu tiên về vị nhạc sĩ nhận được sự chú ý của công chúng, để đạt được điểm cân bằng hầu như bất khả.

Với việc buộc phải đưa ra lựa chọn, Phan Gia Nhật Linh đã xoay Em và Trịnh thoát khỏi bộ phim tiểu sử - nhân vật thường thấy, để đến với chuyện tình yêu đa sầu, đa cảm. Giờ đây Trịnh chỉ như một nhân vật phim, và để nói đây là bộ phim hướng về ông thì thật sự còn chưa chính xác. Sự đấu tranh trong việc sáng tác nhạc phản chiến, mối quan hệ khó lý giải với Khánh Ly, cái ủ ê của tầng lớp hiện sinh Huế… dường như thiếu vắng. Và khi không có những điều đó, khó có thể nói đây là Trịnh Công Sơn.

Những điểm sáng

Đầu tiên ở khâu biên kịch, cũng như Nguyễn Quang Dũng ở Tháng năm rực rỡ, Phan Gia Nhật Linh cũng đã sử dụng motif nhóm bạn để khắc họa bối cảnh Huế đương thời. Ở đây ta có bộ năm gồm nhà thơ Ngô Kha, nhà văn Bửu Ý, nhiếp ảnh gia Văn Đỗ, họa sĩ Định Công và Trịnh. Với khả năng tạo được tiếng cười của Bình Bồng Bột, không ít phân đoạn khiến khán giả thích thú.

Hình ảnh độc đáo trong những cảnh quay góc rộng, flycam ở B’lao, Huế… kết hợp cùng tính hoài cổ trong những kỷ niệm được khôi phục lại với nhà hàng trên sông, tiệm Café Tùng… khiến cho khán giả như được trở lại những kỷ niệm cũ. Không ngừng ở đó, việc thêm những phân cảnh đẹp đậm chất nhạc kịch như khoảnh khắc điệu nhảy thiết hài của bài Ngẫu nhiên cũng khiến người xem dễ nhớ tới La la land.

Ca sĩ Bùi Lan Hương trong vai Khánh Ly.

Xét về diễn xuất, Bùi Lan Hương cũng như Hoàng Hà hoàn thành tốt vai diễn của mình. Nếu Bùi Lan Hương tạo được một nỗi u hoài cố hữu của Khánh Ly thì Hoàng Hà lại trong sáng và đẹp một vẻ đầy đặn. Nội tâm của hai người đối lập tương phản và được khắc họa rõ ràng.

Âm nhạc trong phim cũng là một dấu ấn lớn, khiến người nghe không khỏi xúc động. Việc sử dụng những tác phẩm đã quá nổi tiếng của Trịnh cho một bộ phim đòi hỏi yếu tố mới mẻ là rất khó, thế nhưng Đức Trí đã làm tốt điểm này. Từ những bài hát phản chiến do Bùi Lan Hương thể hiện, cho đến cái u sầu của Thanh Thúy, tươi vui như Ngẫu nhiên; để rồi trở về không lời như Tình xa, Em còn nhớ hay em đã quên… được đặt để đúng vị trí, góp phần đẩy được cảm xúc người xem.

Những hạn chế

Tuy nhiên bộ phim cũng còn rất nhiều hạn chế, trước hết là bởi cuộc đời quá dài và nhiều tình tiết của Trịnh. Tuy nhiên thiếu sót lớn hơn là bởi kịch bản đang quá ôm đồm và nhiều chi tiết. Dù cho đã chọn “tình yêu”, nhưng việc khắc họa “thân phận” không đủ thời lượng khiến cả bộ phim vừa thiếu sâu sắc mà lại dài dòng không đáng có.

Phim chỉ chọn khai thác theo hướng “tình yêu” do đó có thể khiến cho khán giả nhận diện sai lầm cũng như thiếu sót về một nhà tư tưởng, một người đấu tranh cho hòa bình như Trịnh Công Sơn.

Tuy nhiên những sai sót nhỏ trong khâu kịch bản cũng rất cần nói thêm. Chẳng hạn như bộ phim quá gắn mối quan hệ của Khánh Ly và Trịnh Công Sơn là tình yêu, trong khi lúc còn sinh thời cả Trịnh cũng như Khánh Ly đều cho rằng họ là tri kỷ và vượt lên trên tình cảm thông thường.

Không chỉ ôm đồm trong khâu kịch bản bởi thế lưỡng nan giữa “tình yêu” và “thân phận”; những đoạn chuyển mạch trong quá trình biến đổi nội tâm về nhận thức hòa bình còn khá vụng về. Sử dụng xen kẽ ngôn ngữ điện ảnh và tài liệu nhưng bộ phim lại không có sự dẫn nhập một cách mượt mà, khiến phim đôi lúc gượng gạo.

Akari Nakatani và Trần Lực.

Diễn xuất của NSƯT Trần Lực và Alvin Lu chỉ đạt đến mức tròn vai, chưa hóa thân trọn vẹn vào vị nhạc sĩ. Nếu Trần Lực có đoạn mở đầu ấn tượng, thì càng về sau người xem lại thấy sự thoát vai của ông trong các phân đoạn đòi hỏi bộc lộ nội tâm. Trong khi Alvin Lu thu hút người xem dần dần bằng sự bình thản và có thể xem đây là một thành công của diễn viên trẻ.

Có kinh phí lớn nhưng khung hình của Em và Trịnh dường như không được chăm chút. Rất nhiều phân cảnh có thể thấy được dàn diễn viên phụ vẫn còn đang “diễn” và khá bối rối. Ánh mắt không tập trung, biểu cảm quá “kịch”… đáng nhẽ có thể khắc phục vẫn còn tồn tại trong những cảnh phim.

Kỹ xảo chưa thật mượt mà cũng là một điểm đáng tiếc. Trong phim có những ý tưởng triển khai rất hay là các hình tượng nói thay cõi lòng của vị nhạc sĩ. Đó là đồi hoa hướng dương, những nghĩa trang trải dài, bầy chim chiến tranh, cánh én mùa xuân… Thế nhưng với sự giả lập thiếu sự mượt mà, những dụng ý này ít nhiều bị ảnh hưởng.

Em và Trịnh là một bộ phim tạo được tiếng vang cho việc tiếp nối di sản của Trịnh Công Sơn. Song với việc lựa chọn ngôn ngữ điện ảnh, khâu kịch bản còn vụn và ôm đồm, các phân cảnh đôi khi thiếu tỉ mỉ… đã khiến bộ phim chưa đi hoàn toàn vào trong ký ức người xem. Nhưng cũng đáng để ghi nhận đây là con đường đầu tiên, để tiếp sau nữa, sẽ có nhiều dự án tiếp cận với Trịnh và cuộc đời ông.

Nguồn: Nguyên Thảo/vietnamnet.vn