Nhiều người khi phóng sinh có biết rằng, đằng sau những sinh vật được đưa đi phóng sinh, thì có bao nhiêu con vật liên quan khác khác bị “sát sinh”? Vậy việc phóng sinh theo cách mọi người đang làm liệu có còn ý nghĩa hay trở nên phản cảm
Trong dịp Rằm tháng Bảy, tôi có đến một ngôi chùa ở ngoại thành Hà Nội. Hôm đó trời nắng to, không phải ngày Rằm nên chùa khá vắng, vào thời điểm đó chỉ một vài gia đình nhờ nhà chùa cúng Rằm và thỉnh thoảng mới có vài người đến lễ Phật như tôi.
Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như ngoài sân chùa không có 4-5 thùng nhựa khá to nhốt hàng trăm con chim sẻ sắp sửa được đem đi phóng sinh. Trời nắng, cùng với khói của những que hương cắm trên nóc thùng nên có lẽ lũ chim cũng khó chịu, kêu ríu rít. Nhìn những con chim bị nhốt dưới trời nóng, tôi chỉ mong buổi lễ nhanh kết thúc để chúng thoát cảnh “chim lồng, cá chậu”.
Mới đây trên Tiktok có clip thả phóng sinh cá hải tượng “khủng” xuống sông khiến cộng đồng mạng tranh cãi. Đáng nói là trong clip này có cả hai nhà sư cùng tham gia.
Các chuyên gia trong lĩnh vực thủy sản khẳng định, cá hải tượng là sinh vật ngoại lai, không nằm trong danh mục được nuôi tại Việt Nam. Đây là loài cá hung dữ, ăn tạp, ăn các loài cá, tôm, thậm chí có con to còn nhảy lên khỏi mặt nước ăn cả chim, là mối nguy hiểm đối với cả con người. Nếu thả cá này ra môi trường sẽ ảnh hưởng đến các loài khác, làm mất cân bằng sinh thái ở vùng nước có loài cá này sinh sống.
Thậm chí, trả lời trên báo Infonet, ông Lê Trần Nguyên Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo tồn và Phát triển nguồn lợi thủy sản (Tổng cục Thuỷ sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) còn cho rằng, đây là hành động phản cảm, thậm chí vi phạm quy định của pháp luật.
Thả phóng sinh cá hải tượng “khủng” xuống sông khiến cộng đồng mạng tranh cãi.
Lâu nay, phóng sinh trong ngày Rằm, ngày Lễ đã trở thành thói quen của nhiều người. Người ta hoan hỉ trong những buổi lễ như vậy vì nghĩ rằng đang thực hiện theo giáo lý nhà Phật. Nhiều người quan niệm, phóng sinh càng nhiều “sinh mạng” con vật thì phước lộc càng nhiều. Và trong các buổi phóng sinh, họ thường đem con vật lên làm lễ trong một thời gian nhất định trước khi đem thả. Nhiều khi, ra đến sông, hồ thì những con vật như cá, ốc… đã quá yếu hoặc chết từ bao giờ.
Những người bán hàng nắm bắt được nhu cầu, tâm lý của người mua nên tìm mọi cách để có nguồn hàng dồi dào và khi người mua càng nhiều thì người bán càng lắm.
Nhưng, nhiều người không biết rằng, đằng sau những sinh vật được đưa đi phóng sinh, thì sẽ có bao nhiêu con vật khác bị “sát sinh”? Ví như việc thả một con cá hải tượng ra môi trường nước, thì có hàng loạt các loài cá, tôm… khác sẽ bị khai tử.
Hay như khi người ta đem phóng sinh hàng trăm, hàng ngàn con chim, thì có nghĩ rằng trong số đó có rất nhiều chim mẹ đang nuôi con hay ấp trứng. Một con chim mẹ lạc tổ, đồng nghĩa với gấp nhiều lần số đó những con chim non sẽ mất mạng? Chưa kể đến chuyện những con chim được phóng sinh có thể chết vì bị yếu sau thời gian bị giam cầm, hoặc bị đánh bắt trở lại?
Theo giáo lý của đạo Phật, phóng sinh là cứu con vật đang trong tình trạng nguy hiểm tính mạng như sắp bị giết chết, bị nhốt, bị hành hạ… để thả nó về với tự nhiên. Thử hỏi, theo cách này, đã có mấy ai đến lò mổ để cứu những con vật đang sắp bị mổ thịt hay có mấy ai đã cứu tính mạng những con vật theo đúng tinh thần của đạo Phật?
Vậy nên, việc phóng sinh theo cách mọi người đang làm liệu có còn ý nghĩa, hay trở thành phản cảm?
Điều đáng nói, hiện nhiều nhà chùa lại đang cổ vũ cho hành động phóng sinh “phản cảm” như vậy. Điển hình như ngôi chùa hôm tôi đến hay tình cảnh hai thầy chùa trong lễ phóng sinh cá hải tượng… Một khi nhà chùa còn ủng hộ cho việc phóng sinh như vậy, thì ắt sẽ còn nhiều sinh vật bị rơi vào cảnh “khai tử” trong vòng tròn “bắt, thả” như hiện nay.
Vì thế, để hạn chế việc “phóng sinh” kiểu này rất cần sự góp sức từ chính các thầy nhà chùa. Hơn ai hết, các thầy chùa là người thấm nhuần giáo lý, thấm nhuần tinh thần từ bi hỉ xả của nhà Phật. Những hành động và lời nói của họ chắc chắn sẽ cảm hóa, dẫn đường cho các phật tử làm theo./.
Nguồn: An An/vov.vn