Thiết bị cảm biến thông minh tiết lộ phản ứng sinh lý sau tiêm vaccine

Phiên bản để inGửi EmailPhiên bản PDF
Thiết bị cảm biến thông minh tiết lộ phản ứng sinh lý sau tiêm vaccine

Nghiên cứu cho thấy việc mắc COVID-19 trước đó có liên quan tới hiện tượng tăng nhịp tim đáng kể khi nghỉ ngơi sau mũi vaccine đầu tiên so với những người không mắc.

Một nghiên cứu sức khỏe mới đây của các nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Scripp (Mỹ) đã cho thấy cách mà các dữ liệu được thu thập từ các thiết bị cảm biến đeo trên người, chẳng hạn như đồng hồ thông minh hay vòng tay theo dõi sức khỏe, có thể theo dõi phản ứng sinh lý của người dùng sau tiêm vaccine ngừa COVID-19.

Nghiên cứu trên, được công bố trên tạp chí npj Digital Medicine, đã phân tích dữ liệu của thiết bị cảm biến theo dõi giấc ngủ, hoạt động và nhịp tim của hơn 5.600 người.

Các nhà nghiên cứu đã thu thập dữ liệu từ một dự án lớn hơn có tên Sự tham gia của thiết bị kỹ thuật số và Theo dõi để kiểm soát và điều trị sớm (DETECT) được triển khai vào tháng 3/2020 nhằm đối phó với sự lây lan nhanh chóng của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.

DETECT là nền tảng nghiên cứu ứng dụng dành cho thiết bị di động, cho phép người tham gia chia sẻ dữ liệu sinh lý và hành vi được thu thập thông qua dây đeo theo dõi sức khỏe hoặc đồng hồ thông minh, cũng như cập nhật các triệu chứng, kết quả xét nghiệm và tình trạng tiêm chủng theo cách thủ công.

Để xác định xem thiết bị đeo có thể khám phá các dấu ấn sinh học về phản ứng miễn dịch sau tiêm vaccine, các nhà khoa học đã phân tích dữ liệu cảm biến DETECT từ hai tuần trước và sau mỗi mũi tiêm.

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em tại Bidderford, Maine, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Họ so sánh những thay đổi sau khi tiêm chủng đối với nhịp tim khi nghỉ ngơi, giấc ngủ và mức độ hoạt động của những người tham gia so với chỉ số cơ bản. 

Kết quả cho thấy nhịp tim trung bình khi nghỉ ngơi của những người tham gia nghiên cứu tăng đáng kể vào ngày sau tiêm vaccine, đạt đỉnh điểm 2 ngày sau tiêm và trở lại bình thường 4 ngày sau mũi đầu tiên và 6 ngày sau mũi thứ hai.

Nhịp tim tăng mạnh hơn khi nghỉ ngơi sau mũi tiêm vaccine thứ hai của hãng Moderna, so với vaccine của Pfizer/BioNTech và rõ ràng hơn ở những người trẻ tuổi.

Ngoài ra, nghiên cứu cũng cho thấy việc mắc COVID-19 trước đó có liên quan tới hiện tượng tăng nhịp tim đáng kể khi nghỉ ngơi sau mũi vaccine đầu tiên so với những người không mắc.

Kết quả cũng cho thấy phụ nữ có những thay đổi lớn hơn so với nam giới về nhịp tim khi nghỉ ngơi trong 5 ngày sau khi tiêm mũi vaccine đầu tiên.

Ngoài ra, những người dưới 40 tuổi có sự thay đổi nhịp tim khi nghỉ ngơi cao hơn so với những người cao tuổi, nhưng chỉ sau mũi thứ hai. Mức độ hoạt động và giấc ngủ dường như bị ảnh hưởng ít nhất vì mũi vaccine đầu tiên.

Tuy nhiên, ngay sau mũi thứ hai, mức độ hoạt động lại giảm đáng kể và giấc ngủ tăng lên so với chỉ số cơ bản. 

Tiến sỹ, Giám đốc về Trí tuệ nhân tạo Giorgio Quer tại Viện Nghiên cứu Scripps, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết những phát hiện trên là bước đầu tiên hướng tới việc "đo lường" phản ứng sinh lý khi tiêm chủng ở những người đeo các thiết bị cảm biến thông minh.

Việc tìm hiểu những tín hiệu sinh lý trong giai đoạn xung quanh việc tiêm chủng có thể giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về sự thay đổi của cơ thể sau tiêm vaccine ngừa COVID-19 giữa mọi người, cũng như phản ứng sau tiêm ở mỗi cá nhân.

Những thay đổi sinh lý của mỗi cá nhân do phản ứng miễn dịch ban đầu sau tiêm vaccine có thể cung cấp những chỉ dẫn hữu hiệu trong việc phát triển vaccine trong tương lại để tối ưu hóa hiệu quả và độ an toàn của các chế phẩm này.

Điều này cũng cho phép các chuyên gia y tế xây dựng lịch trình tiêm vaccine chính xác hơn phù hợp với từng cá nhân./.

Nguồn: Phương Oanh/vietnamplus.vn