Việc rút BHXH một lần lợi trước mắt nhưng hại về lâu dài. Do vậy, cần có giải pháp để hạn chế hoặc tạo điều kiện để người lao động tiếp tục tham gia BHXH hướng tới đủ thời gian hưởng lương hưu.
Ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, trong và sau đại dịch Covid-19 lao động khó khăn nên nhiều người đã rút BHXH một lần để chi tiêu, chăm lo cho cuộc sống bản thân và gia đình. Việc rút BHXH có lợi trước mắt, nhưng hại về lâu dài. Bởi rút một lần, không đóng tiếp khi hết tuổi lao động sẽ không có lương hưu.
“Khi hết tuổi lao động, không có lương hưu, không có bảo hiểm hưu trí, chờ đến khi 80 tuổi mới được trợ cấp 360.000 đồng thì sẽ rất khó khăn, những người không có tích cóp thì làm sao sống nổi”, ông Lợi nói.
Rút BHXH một lần, người lao động thiệt đơn, thiệt kép so với việc đóng tiếp để hưởng lương hưu. Ảnh: Thanh Tùng
Ông Bùi Sỹ Lợi cũng chia sẻ thêm, về lâu dài, lương hưu đối với người lao động rất quan trọng. Do vậy, cần phải nhanh chóng tuyên truyền, giải thích vận động chính sách để người lao động hiểu rõ lợi ích của việc tiếp tục tham gia đóng BHXH hướng tới hưởng lương hưu thay vì rút một lần.
“Hiện nay, nhiều lao động vẫn chưa hiểu rõ về bất lợi của rút BHXH một lần, vẫn có người nghĩ mức đóng lương hưu ngắn, nếu không rút sau này quỹ BHXH không cân đối được sẽ không giữ được quỹ. Hiểu như vậy là chưa đúng vì nhà nước có trách nhiệm đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, người lao động", ông Lợi nói rõ.
Theo ông Lợi, tiền BHXH người lao động đóng nhà nước vẫn đầu tư tăng trưởng, bảo đảm quỹ phát triển an toàn. Khi người lao động về hưu, nhà nước điều chỉnh lương đảm bảo giá trị thực tế của đồng tiền không bị trượt giá.
Nguyên Thứ trưởng LĐTB&XH Phạm Minh Huân lưu ý, hiện nay tình trạng người lao động rút BHXH một lần tăng cao khiến mạng lưới an sinh bị suy giảm. Nếu người lao động rút một lần chi tiêu sạch, sau này hết tuổi lao động không có tích cóp thì nhà nước lại phải trợ cấp, tạo gánh nặng không nhỏ lên ngân sách.
Do vậy, vấn đề đặt ra là phải chuyển người lao động ở khu vực không chính thức sang khu vực chính thức để có quan hệ lao động tham gia BHXH bắt buộc, có đóng có hưởng để tích luỹ lại một phần khi hết tuổi lao động sẽ có lương hưu trang trải cuộc sống.
Giảm thời gian đóng BHXH để mở rộng đối tượng tham gia
Để hạn chế người lao động rút ngắn BHXH một lần, theo ông Bùi Sỹ Lợi giải pháp giảm thời gian đóng BHXH xuống 15 năm, thậm chí 10 năm được hưởng lương hưu là phù hợp, rất tốt cho người lao động.
Đề xuất này đã được đưa vào dự thảo sửa đổi Luật BHXH năm 2014 theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 28 với mục tiêu để người cao tuổi vẫn đóng được BHXH.
Việc sửa đổi chính sách BHXH theo tinh thần rút ngắn thời gian đóng, góp phần tăng mức độ hấp dẫn của chính sách BHXH (trong đó có BHXH tự nguyện). Người lao động sẽ có thêm động lực tiếp tục bảo lưu, tích lũy thời gian tham gia BHXH để hưởng lương hưu, góp phần bảo đảm an sinh xã hội bền vững cho người lao động.
“Trước đây nữ trên 35 tuổi, nam trên 40 tuổi không đóng được BHXH vì không đủ thời gian để đóng 20 năm hưởng lương hưu. Do vậy, việc giảm thời gian đóng là điều kiện tốt để người cao tuổi vẫn đóng được, thậm chí người ngoài 50 tuổi vẫn đóng được BHXH để hưởng lương hưu.
Hơn nữa, hiện nay cơ chế đóng BHXH cho đóng trước và sau 5 năm. Điều này đồng nghĩa với việc người 53, 54 tuổi vẫn có thể tham gia đóng BHXH. Đây là vấn đề quan trọng để mở rộng đối tượng tham gia đóng BHXH, hướng tới BHXH toàn dân”, ông Lợi giải thích.
Cần có cơ chế ràng buộc, khuyến khích người lao động đóng tiếp BHXH để hưởng lương hưu (Ảnh: Thanh Tùng)
Về việc rút ngắn thời gian đóng BHXH xuống 15 năm đồng nghĩa với việc mức hưởng thấp. Ông Lợi cho hay, đóng bao nhiêu hưởng bấy nhiêu là đương nhiên. Tuy nhiên, mức đóng luôn được bảo tồn, tăng trưởng và được bù giá không làm mất giá đồng tiền.
Hơn nữa, khi về hưu không chỉ có lương hưu mà khi ốm đau còn có BHYT chi trả. Đây là điều rất quan trọng để chăm sóc sức khoẻ khi về già.
Cần có cơ chế ràng buộc chỉ cho lao động rút một phần
Ở góc độ cá nhân, ông Lợi cho rằng quản lý nhà nước cần phải tổng kết đánh giá và nên chăng vận động được người người lao động không rút BHXH một lần mà theo hướng rút một phần.
Cụ thể, có thể lấy 8% của người lao động đóng để giải quyết khó khăn trước mắt, còn 14% tiếp tục giữ lại. Phần giữ lại sẽ được quỹ BHXH bảo toàn phát triển, khi hết tuổi lao động người lao động được cân đối sử dụng. Thậm chí khi người lao động có điều kiện quay lại tham gia BHXH thì tiếp tục đóng hướng tới đủ thời gian hưởng lương hưu.
Chuyên gia lao động Đăng Quang Điều cho rằng, cần phải có cơ chế để ràng buộc người lao động như quy định chỉ được rút phần BHXH người lao động đóng, còn phần của doanh nghiệp và nhà nước thì phải giữ lại.
“Doanh nghiệp và nhà nước đóng đều là hỗ trợ người lao động, nhưng phần đóng này là để đảm bảo an sinh, hỗ trợ khi hết tuổi lao động chứ không phải đóng để rút một lần. Do vậy, Bộ LĐ-TB&XH, BHXH Việt Nam cần giải thích rõ cho người lao động hiểu để tiếp tục tham gia đóng BHXH, đủ thời gian hưởng lương hưu”, ông Điều nói.
Theo ông Phạm Minh Huân, việc không cho rút phần đóng BHXH do doanh nghiệp và nhà nước đóng cũng đã có nhiều nước quy định để hạn chế việc rút BHXH một lần. Ngoài phần lao động được rút, phần nhà nước giữ lại để đến độ tuổi nhất định mới được rút tiếp, hoặc có thể chia ra theo tỷ lệ hưởng hàng tháng. Đây cũng là cách để sau này ngân sách nhà nước không phải bỏ tiền cho các đối tượng trợ cấp xã hội./.
Nguồn: Vũ Điệp/vietnamnet.vn