Kiếm tiền từ mạng xã hội trở thành nguồn thu chính với nhiều bạn trẻ, công việc review (giới thiệu) từ ẩm thực đến mỹ phẩm được nhiều bạn trẻ lựa chọn. Tuy nhiên, ăn thay người khác hay trải nghiệm bằng mắt người ta cũng đủ đường rắc rối…
Ăn thay thiên hạ
Nổi bật trong giới review là giới thiệu quán ăn mới, những nơi bán ẩm thực ở các điểm du lịch… Những video này thu hút từ vài chục ngàn đến triệu lượt xem là chuyện thường thấy, và các tài khoản làm video sở hữu hàng trăm ngàn lượt theo dõi từ cộng đồng mạng.
Sự có mặt của những video giới thiệu ẩm thực như một công mấy việc, khi nhu cầu sử dụng và trải nghiệm qua mạng xã hội của giới trẻ ngày càng cao. Và trong thời buổi 4.0, những video giới thiệu quán ăn mở ra cách kiếm tiền cho người trẻ, mang lại hiệu ứng lan tỏa nhanh, quảng cáo lẹ cho các chủ cửa hàng, quán ăn… Thu nhập của nghề giới thiệu ẩm thực đến từ nhiều nguồn, từ hoa hồng của các nhà hàng đến lượt truy trả của nền tảng chia sẻ video YouTube tính trên lượt xem.
Tuy nhiên, nghề “ăn giùm người khác” cũng không dễ kiếm ra tiền, khi sự cạnh tranh trong việc sáng tạo nội dung tính từng phút, một ngày không có video thì lượt theo dõi, lượt xem giảm đáng kể.
Ngọc Thảo (28 tuổi, chủ một kênh giới thiệu ẩm thực đường phố tại TPHCM) chia sẻ: “Lượt xem, lượt theo dõi cạnh tranh nhau từng chút một, một quán ăn mới ra sơ sơ cũng phải vài chục YouTuber đến làm review rồi. Một nhà hàng hay quán ăn dù chỉ là hè phố, nhưng có tới tám chục YouTuber trực sẵn để làm video. Một ngày mà mình không ra video mới, người xem cũng chuyển sang kênh khác ngay, vì bạn không có gì mới thì người ta sang kênh khác để tìm cái mới, cả vài ngàn người review ẩm thực chứ đâu phải chỉ có một, hai lựa chọn, ăn giùm thiên hạ không dễ kiếm tiền đâu”.
Sự mới mẻ nào cũng thu hút người xem, nhưng có quá nhiều sự quan tâm từ các YouTuber giới thiệu ẩm thực cũng trở thành nỗi ám ảnh với không ít quán xá.
Bạn trẻ cần trải nghiệm thực tế nhiều hơn để có kinh nghiệm sống vững vàng. Ảnh: NAM THI HOUSE
“Quán mới ra, các YouTuber kéo đến cùng lắm là một tuần, trong khoảng thời gian đó khách cũng tăng ùn ùn. Nhưng qua rồi thì thôi, các YouTuber đi qua, khách cũng giảm hẳn, nếu quán mình không thực sự hấp dẫn, thì khách còn lại chỉ lèo tèo. Nhưng khổ ở chỗ, ai làm YouTuber cũng muốn video của mình nhiều lượt xem, nhiều người giới thiệu không chân thật, nói quá lên… khách xem rồi tìm đến quán không như video giới thiệu thì quay sang trách mình”, chị Ngô Tú Lan (chủ một quán cà phê trên đường Nguyễn Thị Thập, quận 7) tâm sự.
Trải nghiệm bằng mắt người ta
Có cung có cầu, video giới thiệu nở rộ đi cùng nhu cầu trải nghiệm qua mạng xã hội ngày càng cao của giới trẻ. Trước khi đi chơi, mua món đồ mới, tìm quán ăn ngon…, chỉ cần vài từ khóa trên mạng xã hội, sẽ có hàng loạt video giới thiệu đáp ứng nhu cầu “thử” trực tuyến của giới trẻ.
“Cũng hên xui thôi, có bạn giới thiệu thật thà, mình đến nơi thì khách sạn, quán ăn như ý lắm. Nhưng tôi cũng bị vài vố, người giới thiệu nói quá, thực tế thì quá tệ… Coi như mình rút kinh nghiệm thôi, chứ trách ai bây giờ. Không ai ép mình phải xem, nhưng nhu cầu thực tế bây giờ nó vậy, đi đâu, mua gì, ăn gì cũng phải lướt một vòng coi video giới thiệu rồi mới quyết định chốt đơn”, Lê Nguyễn Thanh Toàn (26 tuổi, ngụ phường 2, quận 5) chia sẻ.
Trải nghiệm bằng mắt người khác cũng đủ đường lợi hại, nhất là thực phẩm chức năng và mỹ phẩm. Chuyện ăn uống cùng lắm sang quán khác là xong, nhưng thực phẩm chức năng uống vào, mỹ phẩm bôi lên da…, hiệu quả và uy tín được cam kết bằng chính lượt theo dõi, lượt xem đông đảo mà các YouTuber đang sở hữu. Càng đông người theo dõi, mỗi video giới thiệu sản phẩm sẽ càng dễ dàng chốt đơn.
Và từ việc “thử” trực tuyến, không ít vụ đánh “bay màu” hay “sập” các fanpage, kênh YouTube cũng bắt đầu, khi người ta bất chấp, nói quá thực tế để tăng độ thu hút cho video. Hay những YouTuber và chủ quán không vừa lòng nhau, video giới thiệu thành màn “bóc phốt”…, và cứ thế nhiều nơi nhận “gạch đá” từ cộng đồng mạng, dù người ném đá chưa chắc đã một lần tới quán hay mua thử sản phẩm.
Công việc nào cũng đi kèm áp lực, nhưng đôi khi áp lực do chính mình tạo ra, như nghề review là một ví dụ. Nếu chúng ta văn minh và tôn trọng nhau thì những vụ việc như “tìm diệt”, “đánh giá 1 sao”, “bay màu fanpage”… đã không trở thành nỗi ám ảnh trên mạng xã hội trong suốt thời gian qua.
Nhiều nhà sản xuất và giới phim ảnh cũng ngán ngẩm với cụm từ “review” từ các YouTuber, bởi hiệu ứng lan tỏa chưa biết sẽ đến đâu, nhưng lộ nội dung phim thì nhan nhản trước mắt. Chưa kể, chuyện yêu ghét giữa các YouTuber dành cho một diễn viên trong phim cũng khiến những video giới thiệu trở nên méo mó. “Phim hay dở, đi coi thì biết, hay thì khen mà dở thì mình cũng có cơ sở để chê, chứ coi review riết, từ một bộ phim mình thích, mong muốn đi coi thành ghét hồi nào không hay”, Nguyễn Thanh Tuấn (27 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh) bày tỏ. |
Nguồn: Thiên Bình/sggp.org.vn