Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM vừa công bố danh sách bổ sung chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ (margin), trong đó có 3 mã thuộc "họ FLC" gồm: FLC, ROS, HAI. Việc này nhiều khả năng khiến sức mua đối với các mã trên bị suy giảm.
Trong thông báo mới ra, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) vừa bổ sung 3 thành viên thuộc "họ FLC" gồm FLC (Tập đoàn FLC), ROS (Xây dựng FLC Faros) và HAI (Nông dược H.A.I) vào danh sách chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ (sử dụng đòn bẩy tài chính - margin) từ ngày 8-4.
Theo HoSE, nguyên nhân ngưng cho các công ty chứng khoán cấp margin cho các cổ phiếu trên, vì cả ba doanh nghiệp trên đều chậm công bố thông tin báo cáo tài chính năm 2021, kiểm toán quá hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày hết hạn công bố thông tin.
Như vậy "họ FLC" còn bốn thành viên còn được cấp margin gồm: AMD (Đầu tư và khoáng sản FLC Stone), KLF (Đầu tư thương mại và xuất nhập khẩu CFS), ART (Chứng khoán BOS) và (Đầu tư khai khoáng và quản lý tài sản FLC).
Tuy nhiên vào ngày 5-4, ông Trương Lê Quốc Công - vụ trưởng Vụ Quản lý kinh doanh chứng khoán - đã thừa lệnh chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước gửi văn bản đến các công ty chứng khoán, yêu cầu báo cáo về dư nợ cho vay giao dịch ký quỹ với 7 mã kể trên thuộc "họ FLC".
3/7 mã chứng khoán thuộc "họ FLC" vừa chính thức rơi vào diện không được cấp giao dịch ký quỹ - margin - Ảnh: BÔNG MAI
Trong báo cáo, ủy ban đề nghị các công ty chứng khoán phải nêu rõ các nội dung: dư nợ cho vay giao dịch ký quỹ của tất cả các tài khoản giao dịch chứng khoán mở tại công ty, và số lượng chứng khoán ký quỹ làm tài sản đảm bảo cho khoản vay giao dịch ký quỹ tương ứng theo từng mã chứng khoán. Toàn bộ nội dung trên phải gửi về Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trước ngày 8-4.
Theo tìm hiểu, kể từ sau khi ông Trịnh Văn Quyết bị bắt giam để điều tra về hành vi thao túng chứng khoán, nhiều công ty chứng khoán đã hạ tỉ lệ cấp margin cho nhà đầu tư đối với các mã thuộc "họ FLC", ở một số nơi tỉ lệ này đã rơi về gần bằng 0%. Tuy nhiên vẫn còn một số công ty cho vay với tỉ lệ từ 20-50%, tức vốn 100 triệu thì được vay thêm 20-50 triệu đồng để mua cổ phiếu.
Tuy nhiên công ty chứng khoán cũng áp thêm giá chặn, định giá thấp cổ phiếu "họ FLC". Chẳng hạn đối với một công ty chứng khoán lớn, chỉ khi mã ROS rớt xuống dưới giá 1.500 đồng/cổ phiếu thì công ty mới mất vốn.
Dù vậy, từ mức giá 16.000 đồng (ngày 7-1), sau khi trải qua sóng gió ông Trịnh Văn Quyết bị phát hiện "bán chui" cổ phiếu rồi bị bắt giam, đến nay mã ROS đã rớt xuống giá 5.660 đồng/cổ phiếu (chốt phiên 8-4). Mã này từng tăng lập đỉnh trên 200.000 đồng/cổ phiếu (năm 2017), sau đó rớt xuống đáy chỉ còn 2.000 đồng/cổ phiếu (năm 2020). Vì vậy rủi ro vẫn luôn tiềm ẩn cho cả nhà đầu tư và công ty chứng khoán.
Chưa kể, một rủi ro là trong khi nhiều công ty chứng khoán siết chặt cho vay margin đối với "họ FLC", thì nhà đầu tư lại tìm đến "kho ngoài" để vay với tỉ lệ đòn bẩy cao hơn như lệ 2:8 (2 đồng vốn, 8 đồng vay), 3:7, 1:9 với lãi suất lên đến 14%. Trường hợp "họ FLC" bị giảm giá, mất thanh khoản, "kho ngoài" sẽ kích hoạt bán các mã khác trong danh mục khiến nhà đầu tư bị thua lỗ thêm.
Ở một diễn biến liên quan, sau khi ông Trịnh Văn Quyết và hai em ruột bị bắt, mới đây Cơ quan cảnh sát điều tra (C01) Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam bà Hương Trần Kiều Dung - phó chủ tịch hội đồng quản trị, cựu tổng giám đốc Tập đoàn FLC và bà Nguyễn Quỳnh Anh - tổng giám đốc Chứng khoán BOS, vì có vai trò đồng phạm giúp sức cho ông Quyết "thao túng thị trường chứng khoán"./.
Nguồn: Bông Mai/tuoitre.vn